Tìm về với thanh âm của đại ngàn

15:27 - Thứ Tư, 15/11/2023 Lượt xem: 5587 In bài viết

Trong màn đêm phảng phất hương rượu cần và chập chờn ánh lửa, âm thanh cồng chiêng vút cao bên những điệu múa, điệu xoang uyển chuyển vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp nơi đại ngàn. Cồng chiêng như một món ăn tinh thần không thể thiếu của các dân tộc Tây Nguyên, nhưng giờ đây, ở các bản làng tiếng cồng chiêng đã vắng bóng trong nhiều lễ hội...

1. Chúng tôi về thăm các bản làng Tây Nguyên trong ngày hội làng, âm thanh trầm hùng ngàn xưa của cồng chiêng đã thật sự trầm lắng. Già làng Amưr (70 tuổi, làng Châm Bôm, xã Ia Băng, huyện Đắk Đoa, Gia Lai) thổ lộ với chúng tôi rằng, làng của ông bây giờ ăn Tết Nguyên đán là lớn nhất trong năm, còn lại các dịp hội hè, cúng lễ thì dân làng tập trung lại nhà cộng đồng tổ chức ăn một bữa cơm rồi về, không đánh chiêng, chơi cồng gì cả. Đã nhiều năm nay, làng Châm Bôm vắng tiếng cồng chiêng, vì chẳng gia đình nào còn giữ được trọn bộ cồng chiêng nữa. Nhà nào may mắn thì còn cái chiêng hoặc chiếc cồng, không thấm tháp vào đâu so với một bộ cồng chiêng đầy đủ phải 12-13 chiếc, có bộ lên tới 18-20 chiếc.

Làng văn hóa Plei Ốp đang ra sức bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng cho TP Pleiku.

Nếu muốn chơi phải đi mượn về rồi tập hợp đội đánh. Cái khó là không phải ai cũng biết đánh chiêng, ai cũng sử dụng được cồng. Vậy nên, vừa phải mượn cồng chiêng, vừa đi mượn nghệ nhân về đánh thì không còn ý nghĩa của hội làng nữa, mà cũng cảm thấy có lỗi với Giàng. Nỗi buồn vắng bóng tiếng chiêng hiện rõ trên khuôn mặt vị già làng. Thời trai trẻ ông biết đánh chiêng, hội làng ngày đó rộn ràng, tưng bừng âm vang tiếng cồng chiêng, nay người cùng thời với ông đã “khuất bóng” gần hết, thế hệ sau ít người yêu cồng chiêng, đó là một trong những lý do di sản văn hóa “chảy máu” từ nhiều năm trước.

Giống như làng Châm Bôn, làng Puih Jri (xã Bờ Ngoong, huyện Chư Sê) cũng không còn một bộ cồng chiêng nào nguyên vẹn nữa. Anh Đinh Jun, Phó thôn Puih Jri năm nay tròn 40 tuổi, thuộc người của thế hệ sau này bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên tại làng, ngày bé hay được cha ông dẫn đi xem lễ hội, được nghe các ông bà đánh cồng chiêng mà mê đắm, thích thú. Ngày đó, cồng chiêng được dân làng xem như báu vật, quý hơn cả trâu bò, đất đai. Nhưng rồi sau này, tôi không hiểu vì sao người làng mang bán chúng đi lấy tiền mua sắm vật dụng trong nhà. Nhà này bán thì nhà kia giữ để làm gì, sau cùng tất cả đều mang đi mua bán, đổi chác”.

Già làng Amưr hoài niệm về thời hoàng kim của cồng chiêng âm vang trên đại ngàn.

Anh Đinh Jun là số ít người làng biết chơi cồng chiêng nhưng am tường và điêu luyện như bậc tiền bối thuở xưa thì anh không sánh bằng. Mỗi dịp hội làng, anh Đinh Jun chạy đôn chạy đáo đi làng khác để mượn cồng chiêng, rồi tập hợp một đội về đánh. “Tiếng cồng làm cho con tim reo vui, rộn rã, kéo con người về lại với nhau. Chúng tôi đang vận động để thanh niên trong làng tham gia tìm hiểu về cồng chiêng, học tập và rèn luyện đánh chiêng. Nếu tình yêu với cồng chiêng đủ lớn thì việc có một bộ chiêng cho làng là điều không khó tìm kiếm”, anh Đinh Jun chia sẻ.

Rời làng Puih Ri, chúng tôi về làng Tơ Drăh (xã Bar Măih, huyện Chư Sê) không khí ngày mùa cà phê hối hả khắp mọi nhà. Cà phê chín phơi đầy sân, phơi ra ngoài đường, tiếng máy cày, tiếng người gọi nhau lên rẫy cứ huyên náo. Đây là ngày mùa lớn nhất trong năm của người Tây Nguyên và cũng là thời gian no đủ nhất của bà con. Đến đây vào lúc này để hỏi về cồng chiêng có lẽ hơi lạc nhịp, nhưng nếu đến vào lúc khác thì cũng vẫn... lạc nhịp mà thôi. Bởi từ lâu, làng Tơ Drăh đã “lạc tiếng” cồng chiêng rồi.

Ông Đinh Chroh (48 tuổi) Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Tơ Drăh từng là một cán bộ đoàn trẻ nhất của làng từ hơn 20 năm về trước. Khi ấy, tiếng cồng chiêng trong các ngày hội là âm thanh chủ đạo khơi dậy lòng háo hức, rạo rực của cuộc sống, của tình cố kết cộng đồng. Trước đây, mỗi gia đình thường có một bộ chiêng. Cứ vài ngày, tiếng chiêng lại vang lên báo hiệu có gia đình trong buôn làm lễ. Nhà này cúng về nhà mới, cúng mừng thọ, nhà kia cúng cầu mưa, cúng mừng lúa mới... Tất cả đều có tiếng chiêng, ché rượu cần. Giờ cả làng chỉ còn vài chiếc nhỏ lẻ, không ai còn đủ một bộ nhưng cả năm cũng không dùng đến. Làng chỉ tổ chức đánh chiêng vào lễ cúng bến nước dịp cuối năm.

Buồn thay, dàn chiêng đi gom về cũng đủ bộ nhưng trong làng chỉ còn vài ba người lớn tuổi biết đánh chiêng. Vì vậy, khi cúng phải mời thêm nghệ nhân ở buôn khác về đánh chiêng. Trước đây, người trong làng có việc là tổ chức lễ cúng. Họ thường làm bò, làm heo hay làm gà, mời mọi người đến đánh chiêng, uống rượu cần. Mấy năm gần đây bà con ít cúng không phải vì kinh tế mà vì thiếu người đánh chiêng.

Bắt đầu từ năm 2005 trở đi, người ta mang bán cồng chiêng rất nhiều. Có người bán để mua tivi, người bán mua chiếc xe máy, dần dà thì bán vì không sử dụng nữa. Xót xa nhất phải kể đến bộ cồng chiêng 18 món của ông Đinh Ju, thuộc hàng chiêng “cụ”, có tuổi đời trên một trăm năm. Vậy mà ông mang bán cho một người buôn trâu bò ở tận huyện Phú Thiện với giá 15 triệu đồng. Kể về cồng chiêng của làng, ông Đinh Chroh buồn bã lắc đầu: “Người ta có của mang bán là quyền của họ, mình không ngăn cản được. Bây giờ, mỗi khi làng có dịp lễ nào lớn, tổ chức to đến mấy mà không có tiếng cồng chiêng thì mất đi phần ý nghĩa quan trọng nhất”.

Trưởng thôn Đinh Chroh cố gắng truyền lại tình yêu cồng chiêng cho thế hệ trẻ làng Tơ Drăh.

2. Trong nhịp sống vội vã, những nét văn hóa hiện đại, ngoại lai dần khiến nhiều người trẻ đánh mất tình yêu đối với nhạc cụ truyền thống, những lễ hội bản địa và cả những nhiệt huyết trong công tác bảo tồn. Tình trạng chảy máu cồng chiêng, bản làng vắng hẳn những nhịp chiêng, điệu xoang, những làn điệu sử thi. Chính quyền tỉnh Gia Lai đã làm rất nhiều việc để “kéo” cồng chiêng quay trở lại thời hoàng kim của nó. Để phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, tỉnh Gia Lai đã thông qua quyết định về việc triển khai đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023-2025”.

Đề án chỉ ra nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản, gồm điều tra, nghiên cứu khoa học về cồng chiêng và văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, quảng bá nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số về trách nhiệm gìn giữ, phát huy các giá trị độc đáo của di sản. Đề án có 8 nội dung, dự án thành phần, như điều tra, khảo sát về cồng chiêng và người thực hành cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Bahnar và Jrai; tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Bahnar, Jrai; mở lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho cán bộ cấp huyện, xã...

Nghệ nhân ưu tú Ksor Hnao lưu giữ được nhiều bộ cồng chiêng cổ, quý hiếm.

Cùng với hội thảo khoa học kết hợp triển lãm ảnh về sinh hoạt cộng đồng có sử dụng cồng chiêng, tỉnh tổ chức Liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên định kỳ 2 năm/lần.

Đặc biệt, đề án đã xác định hai dự án quan trọng khác phải thực hiện là khôi phục không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên thông qua việc xây dựng 6 mô hình nhà rông-bến nước ở các địa phương và xây dựng phòng trưng bày không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tỉnh Gia Lai.

Tại TP Pleiku, phong trào cồng chiêng đang “trở mình” thức giấc. Làng văn hóa Plei Ốp (TP Pleiku) vẫn còn lưu giữ những bộ cồng chiêng từ thuở xa xưa cùng đội ngũ nghệ nhân chơi chiêng đầy đủ. Già làng Siu Núi tâm sự, làng Ốp nằm giữa “rốn” văn hóa của Gia Lai, từ trăm năm trước, cồng chiêng đã trở thành linh hồn của làng, là báu vật không gì có thể thay thế được. Thấm nhuần bản sắc ấy, các thế hệ con cháu của làng Ốp sau này cũng không được phép quên lãng tiếng cồng. Bởi lẽ đó, làng Ốp được chính quyền thành phố Pleiku chọn để xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng đầu tiên của tỉnh Gia Lai. “Người làng Ốp hiền hòa, chân thật. Thanh niên làng Ốp yêu tiếng cồng chiêng và say mê học tập, tìm tòi. Đến nay, làng chúng tôi đã có 2 đội cồng chiêng trẻ và chuyên nghiệp”, già Siu Núi cho biết. 

Đi qua bao nhiêu mùa rẫy, già Siu Núi vẫn nhớ như in những bài chiêng truyền thống gắn bó với cả cuộc đời ông. “Cồng chiêng đại diện cho tiếng nói, tâm tư của người làng đến với thần linh, cầu mong một năm mưa thuận, gió hòa, nhà nhà no đủ. Chiêng gắn với những ngày hội làng, những đêm khan truyền thống và theo con người cho đến lúc về với Giàng”, già Siu Núi giải thích.

Việc khôi phục, bảo tồn và phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là việc làm cấp bách. Theo ông Đặng Gia Huẩn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng ở Tây Nguyên phải chịu sự tác động rất lớn từ nhiều yếu tố khác nhau: Điều kiện môi trường tự nhiên và xã hội, quá trình giao lưu hội nhập, phát triển kinh tế đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến không gian trình diễn, diễn xướng văn hóa cồng chiêng. Chính sách, chế độ đãi ngộ, hỗ trợ cho các nghệ nhân nói chung, nghệ nhân cồng chiêng nói riêng chưa thỏa đáng, nhằm động viên, khích lệ các nghệ nhân dành hết tâm huyết trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa.

Thực tế cho thấy, số nghệ nhân biết thực hành di sản ngày càng giảm nhiều, chưa kịp trao truyền di sản cho thế hệ kế nghiệp, đã mất đi do tuổi cao sức yếu. Công tác quản lý, phối hợp bảo vệ cồng chiêng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, tình trạng trộm cắp, hủy hoại cồng chiêng vẫn còn diễn ra ở một vài địa phương. Ý thức, trách nhiệm trong việc gìn giữ, bảo vệ di sản văn hóa cồng chiêng của một bộ phận người dân còn hạn chế, có hiện tượng trao đổi, mua bán cồng chiêng để phục vụ kế sinh nhai và nhiều mục đích khác nhau. Kinh phí bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn đặt ra, có những nội dung đề ra nhưng chưa thực hiện được do hạn hẹp về nguồn kinh phí.

Mặc dù là chủ nhân của di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, nhưng hiện nay các tỉnh Tây Nguyên vẫn chưa có một nghệ nhân nào biết đúc chiêng, chưa có một cơ sở đúc chiêng nào, số lượng bộ cồng chiêng hiện có của 5 tỉnh Tây Nguyên đều là do mua bán, trao đổi ở các địa phương khác...

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top