Sức sống mới cho di sản văn hóa

10:42 - Thứ Tư, 22/11/2023 Lượt xem: 4477 In bài viết

Sở hữu tài nguyên di sản văn hóa dồi dào nhất cả nước, Thủ đô Hà Nội được mệnh danh là “thành phố di sản”.

Nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 2023 (23-11), trên địa bàn thành phố diễn ra nhiều hoạt động hấp dẫn, sáng tạo, mang đến sức sống mới cho các di sản, góp phần xây dựng công nghiệp văn hóa của Thủ đô hiệu quả và bền vững.

Chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” kết hợp trình chiếu ánh sáng 3D và biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, ngày 18-11.

Tôn vinh di sản

Mở đầu cho các chương trình hướng tới Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, thành phố Hà Nội đã khai mạc chuỗi sự kiện Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội (từ ngày 17 đến 26-11) tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm và nhiều địa điểm khác. Chưa bao giờ, những công trình kiến trúc, hiện vật cũ tưởng như bị “ngủ quên” như bốt Hàng Đậu, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, đầu máy hơi nước từ thời chống Mỹ… lại có sức hút mạnh mẽ với công chúng đến vậy.

Dịp này, Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức chuỗi các hoạt động văn hóa với chủ đề “Dòng chảy di sản” diễn ra đến ngày 17-12.

Cụ thể, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ) diễn ra trưng bày giới thiệu về nghệ thuật tuồng trong di sản văn hóa truyền thống Việt. Tại Ngôi nhà di sản (số 87 phố Mã Mây) giới thiệu không gian thưởng trà của người Hà Nội. Tại đình Kim Ngân (số 42 phố Hàng Bạc) trưng bày tranh dân gian Kim Hoàng và nghệ thuật thư pháp...

Phó Trưởng ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan cho biết, đơn vị thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, trình diễn để tôn vinh di sản, giúp di sản có sức sống mới trong đời sống đương đại.

Một trong những sự kiện lớn diễn ra dịp này là Tuần “Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản văn hóa Việt Nam” (từ ngày 22 đến 26-11) tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây). Sự kiện có các hoạt động: Khai mạc và Ngày hội trình diễn cây Nêu, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Việt Nam lần thứ II, năm 2023; triển lãm “Sắc màu các dân tộc Việt Nam”...

Trước đó, các di tích khác của Hà Nội cũng có nhiều hoạt động để tôn vinh di sản, điển hình là Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tổ chức chương trình nghệ thuật “Di sản hội tụ” vào tối 18-11, kết hợp trình chiếu ánh sáng 3D và biểu diễn nhã nhạc cung đình Huế. Sự kiện để lại nhiều dấu ấn cho người dân và du khách.

Biến di sản thành tài sản

Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hiện thành phố có 5.922 di tích được kiểm kê (trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt...); hơn 1.700 di sản văn hóa phi vật thể được nhận diện, kiểm kê, đưa vào danh sách bảo vệ. Nguồn lực di sản văn hóa dồi dào đang là lợi thế để Hà Nội tạo nên sức hấp dẫn thu hút du khách. Bài toán làm thế nào để biến di sản thành tài sản, có thể trở thành động lực phát triển kinh tế, xã hội được đặt ra nhiều năm nay.

Với nỗ lực đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô, nhiều đơn vị quản lý văn hóa, du lịch đã xây dựng sản phẩm mới từ nguồn lực di sản đang có. Điển hình như di tích Nhà tù Hỏa Lò với sản phẩm tour đêm “Đêm thiêng liêng”, đến nay khách muốn thưởng thức phải đặt trước từ nhiều tháng; di sản Hoàng thành Thăng Long quyết tâm đổi mới với sản phẩm đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”, tăng lượng khách lên 2.000 người mỗi tuần.

Mới đây, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng được khoác áo mới với sản phẩm đêm sử dụng công nghệ chiếu sáng 3D mapping. Giám đốc Trung tâm Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu thông tin, sản phẩm mới ra mắt chưa đầy một tháng nhưng lượng khách trải nghiệm tại Văn Miếu tăng mạnh, đơn vị phải tăng thời lượng phục vụ 5 suất chiếu/tối để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận, việc phát huy giá trị di sản để tạo động lực cho phát triển Thủ đô vẫn còn cả chặng đường dài, cần nỗ lực lớn của các đơn vị trong tư duy quản lý, sáng tạo.

Nhìn ở góc độ hiệu quả trong phát triển du lịch, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, sự đổi mới ở các điểm di tích vẫn còn khá khiêm tốn, chủ yếu ở những di tích lớn trong khu vực nội thành Hà Nội. Theo ông Phùng Quang Thắng, để tạo nguồn lực lớn cho phát triển Thủ đô, Hà Nội cần đẩy mạnh phát huy giá trị các di tích, tăng tính kết nối điểm đến.

Ở góc độ quản lý di sản, theo Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, bên cạnh việc dành nguồn lực đầu tư cho bảo tồn, gìn giữ di sản, thành phố cần có chiến lược triển khai các hoạt động hỗ trợ công tác truyền dạy di sản văn hóa tại nhiều địa phương, góp phần nhân rộng đối tượng thực hành di sản. Bên cạnh đó, các địa phương cần thực hiện giáo dục di sản văn hóa cho học sinh bằng nhiều hình thức, nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong cộng đồng.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top