Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc

14:51 - Thứ Tư, 22/11/2023 Lượt xem: 5044 In bài viết

ĐBP - Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng mà các cấp, ngành đặc biệt quan tâm trong thời điểm hội nhập, giao thoa văn hóa như hiện nay. Trên cơ sở kế thừa những tinh hoa văn hóa của các thế hệ trước, việc bảo tồn, phát huy làm cho giá trị các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa trong đời sống xã hội. Ðồng thời, từng bước khai thác, phát huy có hiệu quả di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tháng 10 vừa qua, nhà văn hóa bản Liếng, xã Noong Luống, huyện Ðiện Biên tối nào cũng sáng đèn. Bởi ở đây có lớp học truyền dạy chữ viết dân tộc Thái cổ. Lớp chỉ học vào buổi tối, không kiểm tra, không chấm điểm, học viên đa dạng độ tuổi từ 12 - 65. Trong lớp học đặc biệt này, có cả mẹ con cùng đi học, hai chị em cùng nắn nót viết từng chữ và cả những đôi vợ chồng cẩn thận tập đọc từng chữ viết của dân tộc mình... Họ đến lớp học với tình yêu chữ Thái cổ, mong muốn bảo tồn chữ viết dân tộc minh cho đời sau. Với họ, việc học chữ Thái cổ không đơn thuần là học viết, học nói, mà còn học cả những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời của cha ông.

Ông Tòng Văn Hân, Chi hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số tỉnh - người trực tiếp đứng lớp chia sẻ: “Bản thân tôi xây dựng một giáo án thật chi tiết nhưng mà dễ hiểu, sát với thực tế đời sống hàng ngày. Tôi xây dựng giáo án từ những chữ cái đầu tiên, những ký tự đầu tiên, hướng dẫn phương pháp ghép từng âm, từng vần. Với mục đích làm sao để cho bà con mình học một cách đơn giản, dễ hiểu...”.

Từ ngày tham gia lớp truyền dạy tiếng Thái cổ, bà Quàng Thị Kim, bản Liếng đều tranh thủ làm việc nhà thật sớm để đến học đúng giờ. Xuất phát điểm là người không biết một chữ cái nào trong chữ viết của dân tộc mình, giờ đây bà đã có thể đọc thông, viết thạo... Bà Quàng Thị Kim chia sẻ: “Tiếng Thái, chữ Thái là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân tộc Thái nói riêng, góp phần tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc nói chung. Tôi năm nay 62 tuổi rồi nhưng vẫn miệt mài học đọc, học viết từng con chữ. Ðầu tiên là để bản thân mình biết được chữ viết của dân tộc mình, sau là truyền dạy cho con cháu. Phải thế thì mới giữ được chữ viết của mình chứ...”.

Với tinh thần bảo tồn di sản cho thế hệ mai sau, thời gian qua, Bảo tàng tỉnh đã mở nhiều lớp truyền dạy chế tác khèn Mông, góp phần cho nghệ thuật chế tác loại nhạc cụ độc đáo này luôn được lưu truyền. Không chỉ phục vụ đời sống tinh thần của người Mông mà còn lan tỏa, trở thành các sản phẩm thu hút du khách trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển du lịch tại địa phương. Trong năm 2023, Bảo tàng tỉnh đã mở lớp truyền dạy chế tác khèn Mông tại các huyện: Mường Nhé, Mường Ảng, Tủa Chùa... Học viên được nghệ nhân truyền dạy những bí quyết chọn nguyên liệu, cách chế tác các bộ phận cấu thành như: thân, ống, đai và cách đúc đồng, làm lưỡi gà... để tạo ra một chiếc khèn hoàn chỉnh. Ông Ðặng Trọng Hà, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: “Qua công tác truyền dạy quy trình tạo ra chiếc khèn hoàn chỉnh làm cơ sở để bảo tồn, phát huy giá trị, tạo cơ hội, môi trường thuận lợi cho di sản “Nghệ thuật chế tác và múa khèn của dân tộc Mông” có sức sống trong cộng đồng, để cộng đồng gìn giữ và phát huy những giá trị di sản văn hóa tốt đẹp đó. Ðây còn là nguồn động viên đồng bào dân tộc Mông trong việc tự bảo tồn giá trị văn hóa của dân tộc mình, khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy di sản cho thế hệ kế cận, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, tăng cường, củng cố khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, thúc đẩy phát triển du lịch, hướng đến mục tiêu chung về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên”.  

Ðiện Biên là tỉnh biên giới, có 19 dân tộc cùng sinh sống với đa dạng sắc màu văn hóa. Hiện nay công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn đã và đang được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Năm 2021, Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Căn cứ các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết, ngành Văn hóa đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành đề án, kế hoạch triển khai trên địa bàn toàn tỉnh theo từng giai đoạn. Trong đó xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm về bảo tồn di sản văn hóa vật thể; phi vật thể; đầu tư, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, phát triển du lịch, nâng cao đời sống văn hóa các dân tộc tỉnh; quan tâm công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc.

“Căn cứ nhiệm vụ được giao tại các đề án, kế hoạch về bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các phòng, đơn vị trực thuộc sở triển khai thực hiện đạt nhiều kết quả nổi bật. Ðơn cử như việc khảo sát, kiểm kê, sưu tầm, tư liệu hóa di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số; trong đó thực hiện kiểm kê, đánh giá hiện trạng đối với di sản văn hóa được UNESCO ghi danh và di sản văn hóa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tổ chức bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số; tổ chức truyền dạy chế tác khèn của dân tộc Mông tại các huyện Mường Ảng, Mường Nhé, Tủa Chùa; tổ chức nghiên cứu, bảo tồn môn thể thao truyền thống, thể thao đặc thù dân tộc Thái ngành Thái trắng tại bản Nà Sự, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ… Ngoài ra, ngành cũng xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống quản lý, số hóa di tích, di sản văn hóa phi vật thể và hiện vật Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên...” - ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết thêm.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top