Vấn đề kỳ này

Thách thức bảo tồn di sản văn hóa

09:58 - Thứ Năm, 23/11/2023 Lượt xem: 7183 In bài viết

ĐBP - Toàn tỉnh Ðiện Biên hiện có 18 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, trong đó 02 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là nghệ thuật xòe Thái và then Tày, Nùng, Thái. Tỉnh có 37 lễ hội truyền thống cùng 29 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng. Cùng với các di tích, di sản văn hóa, trên địa bàn tỉnh có 41 nghệ nhân ưu tú là những người am hiểu, nắm giữ các giá trị văn hóa truyền thống để trao truyền cho thế hệ trẻ nhằm gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa cộng đồng các dân tộc. Di sản văn hóa tạo động lực cho phát triển kinh tế, thể hiện rõ nhất là việc khai thác, phát huy tiềm năng, giá trị của di sản văn hóa gắn với du lịch. Do đó, bảo tồn di sản văn hóa cần được quan tâm vừa giữ văn hóa truyền thống đa dạng, đặc sắc vừa làm nền tảng phát triển. Tuy nhiên, công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đang đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập kinh tế và sự tác động của cơ chế thị trường.

Người Mông Tủa Chùa rèn nông cụ sản xuất. Ảnh: Minh Thảo

Trong cơ chế thị trường, người dân có thể được đáp ứng mọi nhu cầu hàng hóa có sẵn, không mất nhiều thời gian, công sức chế tạo làm ra sản phẩm đó. Ðây là vấn đề tác động trực tiếp đến sự phát triển bền vững của di sản nghề thủ công truyền thống như thêu giày của người Xạ Phang, nghề rèn của người Mông. Người Xạ Phang cư trú thành bản, theo dòng họ ở các huyện Mường Chà, Tủa Chùa, Nậm Pồ... gìn giữ, bảo lưu được nhiều nét văn hóa truyền thống, độc đáo, đặc sắc trong lao động, sinh hoạt hàng ngày, trong đó nghề làm giày thêu là một điển hình. Nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được thực hành, trao truyền trong gia đình, cộng đồng không chỉ truyền dạy tri thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn ẩn chứa những thông điệp nhân văn sâu sắc về lối sống tích cực, chăm chỉ, tính nhẫn nại, kiên trì của người dân tộc Xạ Phang. Ðiều đó giúp di sản nghề làm giày thêu của người Xạ Phang được giữ gìn, bảo tồn và tác động tích cực đến việc giáo dục thế hệ trẻ, góp phần gắn kết cộng đồng. Ðể làm được một đôi giày thêu, người phụ nữ Xạ Phang phải chuẩn bị nguyên liệu, lựa chọn kiểu giày phù hợp đối tượng sử dụng để cắt đế, tạo hình hoa văn và thêu. Hoàn thiện một đôi giày thêu, phụ nữ Xạ Phang phải làm từ 10 - 12 ngày. Trong khi đó với cơ chế thị trường hiện nay, việc mua một đôi giày, dép quá đơn giản và có thể dễ dàng thay đổi kiểu dáng, chủng loại tùy môi trường tiếp xúc, sử dụng.

Phụ nữ Xạ Phang thêu giày truyền thống. Ảnh: C.T.V

Tương tự, nghề rèn của người Mông là nghề truyền thống lâu đời lưu truyền qua nhiều thế hệ, làm ra những chiếc cuốc, con dao, cái liềm, lưỡi cày… gắn liền với hoạt động sản xuất của bà con vùng cao. Người Mông thường sống trên sườn núi cao, gieo trồng trên nương, ruộng bậc thang nhỏ hẹp, đất dốc nên bà con phải dùng trâu bò cày đất không thể dùng máy. Những lưỡi cày, cuốc được làm ra từ lò rèn đỏ lửa vừa cứng vừa dẻo đảm bảo lật đất tốt, phù hợp với địa hình canh tác. Nghề rèn đòi hỏi người thợ phải có sức khỏe, sự khéo léo, kiên trì và sáng tạo để cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông. Tuy nhiên, hiện nay khi công nghệ đúc, rèn theo phương pháp hiện đại đã được áp dụng phổ biến, những vật dụng sẵn có bán nhiều ngoài chợ, nghề rèn thủ công bị bó hẹp trong giới hạn mang tính tự cung tự cấp dụng cụ lao động phổ thông trong mỗi gia đình. Ðây cũng chính là áp lực bảo tồn, gìn giữ và trao truyền di sản văn hóa phi vật thể nghề rèn của người Mông.

Nghề thêu giày của người Xạ Phang hay nghề rèn của người Mông chỉ là hai di sản văn hóa phi vật thể đang chịu áp lực bảo tồn, gìn giữ trên địa bàn tỉnh hiện nay. Ðiện Biên có 19 dân tộc anh em sinh sống; mỗi dân tộc có những bản sắc văn hóa truyền thống riêng, từ trang phục, kiến trúc, phong tục tập quán, tín ngưỡng... tạo nên sự phong phú, đa dạng trong bức tranh đa sắc màu các dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa là hoạt động thiết thực hướng tới xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, sự tác động của cơ chế thị trường đang đặt ra nhiều thách thức cho việc bảo tồn di sản văn hóa của Ðiện Biên.

Múa xòe của dân tộc Thái. Ảnh: C.T.V

Trang phục các dân tộc được làm thủ công cầu kỳ với những nét hoa văn độc đáo để nhận diện dân tộc đến nay đã bị mai một, dần thất truyền. Người dân không dành nhiều thời gian cho nghề thủ công truyền thống; trang phục hàng ngày, dụng cụ lao động chỉ cần ra chợ là có sẵn. Không gian văn hóa cũng làm thay đổi việc thực hành di sản văn hóa, mất cân bằng giữa bảo tồn và phát triển. Ðơn cử như kiến trúc nhà truyền thống của người Thái trắng ở Mường Lay khi thực hiện tái định cư thủy điện Sơn La đã không còn nhiều những nếp nhà sàn mái đá; nhiều phong tục tập quán cộng đồng không được duy trì.

Một thách thức bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa là việc kế tục, sử dụng và truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ khi thế hệ trẻ ngày càng ít tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Sự phát triển của các loại hình nghe nhìn hiện đại thu hút giới trẻ quan tâm tìm hiểu và sử dụng hơn là tìm hiểu văn hóa truyền thống. Thêm vào đó, thiếu chế độ, chính sách đãi ngộ tương xứng cho các nghệ nhân để họ có động lực phát huy vai trò gìn giữ, truyền dạy di sản văn hóa.

Ðiện Biên có hệ thống di sản văn hóa phong phú song công tác bảo tồn di sản văn hóa đang đối mặt nhiều thách thức. Ðể bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống mà bao thế hệ đã tạo dựng, trao truyền, tạo động lực phát triển kinh tế cần sự chung tay, đoàn kết của cộng đồng các dân tộc bằng hành động thiết thực, phù hợp.

Hà Anh
Bình luận

Tin khác

Back To Top