Kỳ vọng gì ở Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23?

09:35 - Thứ Ba, 28/11/2023 Lượt xem: 3906 In bài viết

Với khẩu hiệu “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, Liên hoan phim Việt Nam (LHPVN) lần thứ 23 diễn ra tại Đà Lạt có hứa hẹn làm thỏa mãn khán giả cả nước sau khi công bố những giải thưởng cao quý nhất trong bộ giải thưởng Bông sen Vàng hay không?

Bản sắc dân tộc

Khẩu hiệu “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn” cho thấy LHPVN lần thứ 23 đang bám rất sát tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Cụ thể, trong nghị quyết có thể hiện: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh”. Và trên tinh thần này, giải thưởng Bông sen Vàng (BSV) sẽ ghi nhận cho nỗ lực của đoàn làm phim nào trong việc thể hiện rõ được bản sắc dân tộc một cách đậm đà để đủ tạo nên sức mạnh nội sinh đây?

Thật sự rất khó để khán giả đại chúng đánh giá khi hiếm ai có thể xem toàn bộ các phim tham gia tranh giải Bông sen Vàng nhằm có một đánh giá khách quan, một so sánh chuẩn mực nhất. Nhưng bên cạnh khẩu hiệu nêu trên, ở lần LHPVN này, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cũng nhấn mạnh vào công nghiệp văn hóa. Do đó, khả năng doanh thu phòng vé cũng là một tiêu chuẩn đủ gây tác động lên Ban giám khảo trong quá trình chấm giải. Đây chính là lấn cấn lớn nhất đã từng tồn tại trong các LHPVN từ xưa tới nay. Suy cho cùng, một liên hoan phim vẫn là nơi để các bộ phim thi thố về nghệ thuật đúng nghĩa. Nhưng khi xếp chung mâm các phim thị trường (vốn ăn khách hơn) với các phim nghệ thuật kén khách (thậm chí có phim không đủ sức tồn tại ngoài rạp quá 1 tuần), vô tình chúng ta đã tạo ra một sân chơi “bất khả so sánh”.

Phim “Người vợ cuối cùng” được đạo diễn Victor Vũ  kỳ công tạo dựng bối cảnh, lựa chọn phục trang.

Nếu nói về bản sắc dân tộc, ngoài những phim thuộc dòng phim nghệ thuật, trong số những phim thị trường cũng có vài bộ phim đang được xem là khai thác yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam. Điển hình là “Đất rừng phương Nam” và “Người vợ cuối cùng”. Nhiều đồn đoán còn cho rằng khả năng hai phim này là nặng ký nhất cho cuộc “tay bo chung kết” giải BSV năm nay. Vậy thì thử mổ xẻ xem yếu tố bản sắc của chúng tới đâu?

Với “Người vợ cuối cùng”, phải thừa nhận Victor Vũ “siêu kỹ” trong tạo dựng bối cảnh, lựa chọn phục trang. Bối cảnh và phục trang của “Người vợ cuối cùng” được xem là vô cùng Bắc Bộ với bối cảnh lịch sử cũng tương thích hoàn toàn. Tuy nhiên, theo lời một giám khảo (xin giấu tên), hạt sạn của “Người vợ cuối cùng” là rất lớn và dễ nhận ra. Thứ nhất, bối cảnh Bắc Bộ thời phong kiến xưa nhưng nhân vật trong phim lại có người nói giọng Nam. Điểm này, chúng ta có thể “du di” cho đạo diễn vì nhiều khi Victor Vũ không muốn thu tiếng lại mà muốn sử dụng tiếng thu ở hiện trường để giữ trọn vẹn cảm xúc của phim. Nhưng điểm thứ hai thì đáng nói hơn. Nhạc phim tuy có sử dụng các làn điệu dân ca Quan họ (như “Bèo dạt mây trôi” chẳng hạn) nhưng chỉ là chi tiết rất nhỏ. Thực tế, tổng thể nhạc phim sử dụng hoàn toàn các âm giai Tây phương và dù cho có hay cách mấy, nó cũng không ăn nhập và không thể hiện được tinh thần cũng như bản sắc Bắc Bộ. Đây là điểm yếu của nhạc sĩ sản xuất nhạc phim. Kể cả có dùng dàn nhạc phương Tây đi nữa thì cũng không ngăn cản được chuyện nhạc sĩ chuyển tải các âm giai ngũ cung Bắc Bộ. Chỉ có điều, người nhạc sĩ có muốn điều đó hay không mà thôi.

Còn với “Đất rừng phương Nam”, có lẽ chúng ta không cần bàn thêm sau những ồn ào quá lớn sau khi phim này ra rạp. Nhưng, theo lời một thành viên giám khảo khác (cũng xin giấu tên), đã có một vài giám khảo tỏ ra hoài nghi về cái gọi là “bản sắc dân tộc” cùng “tinh thần yêu nước” của phim này. Đơn giản, trong khi đa số các nhân vật phục trang theo lối ngoại lai (như báo chí, mạng xã hội đã tranh luận suốt thời gian qua) thì lại có 2 nhân vật mặc trang phục thuần Việt ở vai diễn đáng thắc mắc. Nhân vật thứ nhất là một gian quan làm việc cho thực dân Pháp (xuất hiện ở pháp trường) có phục trang rất Bắc Bộ và nhân vật Tư Mắm Việt gian thì mặc áo bà ba thuần Nam Bộ. Những giám khảo có thắc mắc về chi tiết này đang đặt ra câu hỏi, “đây là sự vô ý hay là một cố tình có chủ đích?” và “nếu có chủ đích thì chủ đích ấy là gì?”.

Tất nhiên, LHPVN 23 không chỉ có hai bộ phim ấy mà còn có các ứng cử viên nặng ký như “Tro tàn rực rỡ” (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên); “Mẹ ơi! Bướm đây” (đạo diễn Lưu Huỳnh); “Hoa nhài” (đạo diễn Đặng Nhật Minh). Các phim này cũng có các yếu tố văn hóa Việt đậm nét nhưng cơ bản, hoặc chưa được chiếu rạp, hoặc có được chiếu thì doanh thu cũng khiêm tốn. Do đó, nó có đủ tạo được sức nặng đối với giám khảo hay không. Đó là còn chưa kể đến nhiều yếu tố ngoài lề khác nữa cũng có thể tác động tới quá trình chấm giải. Nhưng hy vọng giống như chia sẻ của một giám khảo giấu tên kể trên, đại ý “lần này Ban giám khảo đúng nghĩa đứng giữa hai làn đạn nên khó dám chấm kiểu ưu ái riêng lắm”, LHPVN lần thứ 23 sẽ xướng tên bộ phim xứng đáng nhất và đậm đà bản sắc dân tộc nhất cho giải thưởng BSV.

Và đời sống phim hậu liên hoan

Nếu một bộ phim không thuộc diện ăn khách được xướng tên ở các hạng mục cao quý nhất của giải thưởng BSV, câu hỏi đặt ra là đời sống của nó hậu liên hoan sẽ là gì? Đây chính là câu hỏi thiết thực nhất, đặc biệt khi chúng ta đang đề cao nhiệm vụ xây dựng cái gọi là “công nghiệp văn hóa”.

Sau rất nhiều tranh luận, phim “Đất rừng phương Nam” lại thu tới hơn 100 tỷ tiền vé.

Giả sử phim đoạt giải là “Tro tàn rực rỡ” chẳng hạn, các nhà phát hành có sẵn sàng cho nó ra rạp trở lại với một chiến dịch truyền thông mạnh mẽ cho nó hay không? Ở đợt công chiếu đầu tiên hồi tháng 12/2022, “Tro tàn rực rỡ” đã… “đúng nghĩa tàn tro” khi chỉ kiếm được vẻn vẹn hơn 4 tỷ doanh thu. Với các giải thưởng đã giành được ở cả giải Cánh diều vàng lẫn vài liên hoan phim quốc tế khác, “Tro tàn rực rỡ” được xem là một phim chất lượng. Nhưng dường như bấy lâu nay khán giả Việt Nam lại ít có thói quen đón nhận phim Việt chất lượng. Ngoài ra, các chiến dịch quảng bá phim cho những phim dạng này của các nhà phát hành cũng thường nhạt nhòa và đó cũng chính là chỉ dấu cho những nghi ngại về doanh thu mà họ dành cho dòng phim đó.

Hoặc nếu như “Hoa nhài” và “Mẹ ơi! Bướm đây”, hai phim chưa công chiếu ở rạp, được giải thì sao? Cũng khó có gì đảm bảo các nhà phát hành bắt tay chịu chơi với nhà sản xuất cho một kế hoạch truyền thông rầm rộ. Họ sợ những phim nghệ thuật khó có thể bán vé nên họ không dám liều lĩnh đặt cược cho chi phí truyền thông lớn. Vậy thì có thể tạo dựng một ngành công nghiệp văn hóa với các sản phẩm ở tầm cao như yêu cầu được đặt ra từ Đại hội XIII hay không hay vẫn chỉ luẩn quẩn ở cái gọi là “công nghiệp giải trí”?

Vẫn biết, các nhà phát hành là các đơn vị kinh doanh nên do đó, họ chỉ căn cứ trên doanh thu để đánh giá từng dự án (tức từng bộ phim). Họ phải chịu nhiều áp lực chi phí, nhất là chi phí thuê địa điểm tổ chức rạp. Do đó, họ thường căn cứ vào khán giả mà lựa chọn phim để phát hành và cái nào dễ bán chạy sẽ được ưu ái hơn. Mà khán giả Việt Nam hiện tại thì số lượng đi xem vì muốn thưởng thức luôn ít hơn số đi xem vì trong phim có thần tượng. Vì sự dẫn dắt này của thị trường, các nhà phát hành sẽ hoạch định ra con đường ra rạp cho các phim theo phép tính của họ cũng là bình thường.

Nhưng việc ưu ái chỉ có thể chấp nhận được nếu nó có giới hạn. Sự ưu ái quá mức theo kiểu sẵn sàng bóp suất chiếu các phim khác và dồn suất chiếu cho một vài phim trọng điểm là dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh. Và do đó, phải có quy định từ chính Bộ VH-TT&DL trong tỷ lệ xếp giờ chiếu tối đa, tối thiểu nhằm tạo ra thúc đẩy cho một thị trường thưởng thức lành mạnh. Nói thẳng là phải tạo ra trách nhiệm xây dựng công nghiệp văn hóa trực tiếp lên các lực lượng tham gia thị trường văn hóa mà trong điện ảnh, khâu phát hành là khâu quan trọng sống còn.

Chỉ có cách đó, các phim tốt của các LHPVN mới có thể có một đời sống duy trì hậu liên hoan. Khi có đời sống duy trì hậu liên hoan, nó tạo động lực cho nhà làm phim nhiều hơn, mở ra cơ hội cho những khán giả muốn xem phim nghiêm túc nhiều hơn.

Liên hoan, hai tiếng ấy nghe rất vui. Nhưng liên hoan phim không chỉ để vui. Liên hoan phim phải là một trong những cái nôi để điện ảnh phát huy được sức mạnh nội sinh và phát triển.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top