Vi phạm bản quyền phim, xử lý thế nào?

09:37 - Thứ Ba, 28/11/2023 Lượt xem: 4734 In bài viết

Khi sản xuất một bộ phim, việc sở hữu bản quyền giúp người sáng tạo và nhà sản xuất nhận được nhiều lợi ích, quyền lợi từ việc sử dụng và phân phối tác phẩm của họ. Điều này tạo dựng động lực để tạo ra nhiều tác phẩm chất lượng, đồng thời góp phần nâng cao chất lượng sản xuất phim. Tuy nhiên, bản quyền trong phim là vấn đề còn nhiều nhức nhối ở nước ta, đòi hỏi phải có chế tài đủ mạnh để góp phần quan trọng trong phát triển công nghiệp điện ảnh hiện nay.

Nhiều hình thức vi phạm

Dễ dàng có thể thấy trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, tình trạng vi phạm bản quyền diễn ra một cách tràn lan, đặc biệt vi phạm trên môi trường Internet. Các hình thức vi phạm phổ biến là phim chiếu rạp bị phát tán trên mạng xã hội. Các đối tượng quay lén không đưa toàn bộ nội dung lên mà cắt thành những clip ngắn đưa lên các hội nhóm.

Hầu hết các tài khoản quay phim lén đều mới lập và người xem chỉ lướt qua các phân đoạn là gần như nắm rõ nội dung chính của phim. Ngoài ra còn xuất hiện hiện tượng review phim dưới dạng video ngắn trên YouTube, Facebook, TikTok để tóm tắt nội dung, thể hiện quan điểm, lời bình giúp người xem nắm rõ nội dung và vô hình trung sẽ không còn hấp dẫn để họ bỏ tiền xem trọn vẹn bộ phim.

Vi phạm bản quyền trong  phim đang diễn ra một cách tràn lan.

Không chỉ vậy, thực trạng vi phạm bản quyền trong phim còn diễn ra ngay trong giới làm phim. Chia sẻ với PV Báo CAND, PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, một số nhà làm phim sử dụng hình ảnh của các bộ phim tài liệu đưa vào tác phẩm của mình nhưng chỉ có một dòng ngắn ghi “phim có sử dụng tài liệu đồng nghiệp” mà không hề trực tiếp xin phép tác giả. Trong khi đó, theo nguyên tắc là trước khi đưa vào phim, họ phải xin phép, chú thích rõ ràng những tư liệu được lấy từ phim nào, đạo diễn là ai… Theo ông Tú đây là danh dự, là lòng tự trọng của người làm nghề nhưng bấy lâu nay vẫn chưa được coi trọng.

Là người có nhiều năm trong nghề, đạo diễn Ngô Hương Giang phân tích,  việc vi phạm bản quyền phim hiện nay được hiểu theo ba góc độ chính và rất đáng báo động. Thứ nhất, vi phạm về nội dung bản quyền phim. Một số bộ phim truyền hình, điện ảnh hiện nay sau khi công chiếu, khán giả dễ dàng nhận ra sự trùng lặp về môtíp, cấu trúc phim, tuyến nhận vật và sự kiện với những bộ phim khác. Thứ hai, vi phạm về bản quyền phát sóng. Hiện tượng này dễ thấy, dễ gặp và đôi khi vi phạm một cách “thô bạo”, công khai nhất.

Nhiều bộ phim truyền hình do VFC sản xuất và phát sóng chẳng hạn như: “Người phán xử”, “Về nhà đi con”, “Sinh tử” ngay khi đang công chiếu đã bị các “web đen” tự do phát, thậm chí còn bị che, bị tẩy logo của VTV và bị chèn quảng cáo một cách trắng trợn. Thứ ba, vi phạm bản quyền về thương hiệu phim. Nhiều bộ phim sau khi công chiếu, tạo được tiếng vang, được dư luận quan tâm, công chúng yêu mến, ngay lập tức thương hiệu của bộ phim ấy bị các cá nhân tổ chức lợi dụng, thậm chí lạm dụng để trục lợi quảng cáo.

Cần có giải pháp căn cơ, đồng bộ

Để đẩy lùi tình trạng vi phạm bản quyền trong phim, đạo diễn Ngô Hương Giang mong muốn, Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần sớm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để ban hành các quy định về xử phạt đối với các hành vi vi phạm bản quyền phim trên các nền tảng số. “Nếu những hành vi vi phạm bản quyền để lại hậu quả lớn, gây thất thu về ngân sách Nhà nước, cũng như thiệt hại đối với các đơn vị sản xuất nắm giữ bản quyền phim, thì các cơ quan chức năng cần sớm chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, khởi tố, tạo tiền lệ tốt cho hoạt động bảo vệ tác quyền phim.

Ngoài ra, cũng cần đẩy nhanh quá trình tư nhân hóa phim truyền hình, tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các đơn vị sản xuất, hạn chế sự “độc quyền về phát sóng”. Để làm được điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông cần sớm ban hành các quy định về cấp phép phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội. Chỉ khi được giám sát, được bảo trợ bởi Bộ Thông tin và Truyền thông thì sự vi phạm về bản quyền phát sóng phim nói chung, phim truyền hình nói riêng mới được hạn chế, đẩy lùi”, đạo diễn Ngô Hương Giang nhấn mạnh.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, việc quản lý bản quyền cũng cần đi kèm với sự cân nhắc và linh hoạt, đặc biệt khi ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Việc thiết lập cơ chế bảo vệ bản quyền cũng cần kết hợp với việc giúp đỡ người sáng tạo và nhà sản xuất phim tìm kiếm cách tiếp cận thị trường và khán giả một cách hiệu quả.

Điều này đòi hỏi sự sáng tạo trong việc phân phối phim, cũng như việc xây dựng các cơ chế khuyến khích đầu tư vào các dự án phim. Hơn nữa, việc bảo vệ bản quyền cũng cần kết hợp với việc đào tạo và giáo dục cộng đồng về tầm quan trọng của việc tôn trọng bản quyền. Chỉ khi cả cộng đồng đều hiểu rõ giá trị của việc bảo vệ bản quyền, ngành công nghiệp điện ảnh mới có thể phát triển bền vững.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top