Tản văn

Hương của rừng

09:17 - Thứ Tư, 29/11/2023 Lượt xem: 5324 In bài viết

ĐBP - Nhiều người vẫn nghĩ phải đợi xuân đến, mọi thứ sẽ mới mẻ nhưng ở vùng cao thì không hẳn vậy. Tôi mở cánh cửa cuối thu Tây Bắc ra hiên nhà đứng thấy biển mây sà xuống đầu sàn, gió múa vòng trên ruộng lúa. Mé đưa cho tôi tay nải để lên rừng nhặt hạt dẻ và dặn: - Ðeo găng tay dày vào, gai quả nhọn chọc phải dễ chảy máu lại khóc đấy con. Tối nay, nhà mình làm cốm mới trộn hạt dẻ.

Quả dẻ xù xì gai, đến nỗi, những con sâu ngứa ngang bướng gặm lá non trông thấy cũng phải cong mình lại, chui vào vỏ kén thành nhộng đợi ngày hóa bướm bay đi vẫn không dám mon men đến gần. Ðàn sóc rừng nghiêng cặp mắt đen láy ngắm chùm quả dẻ ngang tàng treo trên cây từ sáng đến tối, từ ngày này qua tháng khác đành thở dài chuyển sang cây mắc có ở mé đồi, quả dễ hái, dễ gặm, dễ ăn. Quả dẻ bí mật chọn ngày nứt vỏ, hạt rơi xuống thảm lá khô trong sắc nắng vàng mật ong. Số quả còn đậu trên cành, vỏ gai đã rám, quơ cây sào dài đập qua là rụng. Số quả chưa nứt vỏ, tôi nhặt gom thành đống, lấy hòn đá kê làm chỗ tì để dùng mũi dao quắm nhỏ cậy quả lấy hạt. Hạt dẻ đã già, màu đen bóng, phía trên ngả vàng, phủ một lớp lông mịn. Nắng đứng bóng, túi nải căng ních, tôi thả dao quắm vào mõ buộc thắt lưng, rảo bước từ rừng tắt qua cánh đồng.

Mé đã hái được bảy, tám bó thóc nếp Nàng Ong, vỏ hạt mẩy xanh ngậm sữa, có vài đường kẻ sọc lưng ong. Người ở bản tôi khéo chọn dịp cắt lúa làm cốm. Nếu bông lúa quá non, hạt cốm sẽ bị nát và ngược lại, nếu để hạt thóc già đanh, hạt cốm nhai vừa bở vừa cứng và nhạt thếch. Cả đám ruộng nếp chạy dọc chân đồi, mé không cắt hết mà chỉ cắt đủ dùng cho mẻ cốm cần làm vào chiều nay. Món cốm không thể làm trước được và chẳng ai bỏ để đến ngày hôm sau mới động tay. 

Mé gánh thóc về nhà, trải ra nong, tuốt luôn bằng lưng liềm, sàng sẩy hạt lép rồi đổ vào nồi luộc. Mùi lúa non phảng phất gian bếp, lửa đượm chân kiềng. Tôi ngồi tỉ mẩn cứa hạt dẻ hình dấu thập, làm như vậy khi hấp chín sẽ dễ bóc. Trong lúc mé đổ thóc ra thúng đợi ráo nước, tôi bắc nồi hạt dẻ lên bếp. Mấy đứa em con chú cũng chạy sang nhà chơi. Chúng ôm theo chục quả hồng giấm chín mọng đến ngồi chờ hạt dẻ chín. Mở vung nồi, sau làn khói nghi ngút, từng hạt dẻ há miệng rộng để lộ nhân lòng vàng mỡ gà béo ngậy. Khi lột bỏ lớp vỏ giấy, cho nhân hạt vào miệng thưởng thức, vị ngọt tan nơi đầu lưỡi, bùi thơm đậm đà. Mấy đứa chia nhau ăn vài hạt thấy no thì cùng bóc lấy nhân cho vào bát sạch. Lúc này, mé bắc chảo gang lớn, đổ thóc nếp đã luộc vào rang. Dưới sân, mấy chú bác chuẩn bị cối đá, chày dài để giã cốm.

Thóc xem chừng đủ độ chín được mé đổ vào cối. Pá và chú cùng giã, một người nâng chày lên thì người kia hạ xuống, lên xuống phải nhịp nhàng, đều tay và ăn ý để tránh va vào nhau. Tiếng “cụp cum, cụp cum” vang góc bản. Mé sảy cốm cho bay vỏ trấu, xong lại đổ vào cối giã tiếp rồi lại sảy. Vài lần như thế, vỏ trấu bay hết, trên nia là những hạt cốm dẹp, mỏng, dẻo thơm, xanh nguyên màu lúa non. Hạt cốm tơi xốp, không dính vào hạt khác và có độ dẻo khi cầm trên tay. Quê tôi đón cái rét về sớm nên đầm sen đã rụng hết lá, chỉ còn lơ thơ vài cọng lá khô như chiếc que làm nơi nghỉ chân của đám chuồn chuồn trước khi hóa thân chui vào lòng đất đợi nắng ấm tháng ba đón cơn mưa rào. Cốm hạt dẻ gói lá chuối, lá dong mang hương sắc khó quên và khác biệt.

Ðêm se se lạnh, nhâm nhi cốm hạt dẻ bên chiếc radio nhỏ phát bản nhạc then ngắm bếp lửa bập bùng trong lòng núi rừng còn gì thi vị bằng.

Kỳ Giang
Bình luận

Tin khác

Back To Top