Bến đò xưa

09:25 - Thứ Tư, 29/11/2023 Lượt xem: 4876 In bài viết

ĐBP - Sáng nay vừa đến lớp, bạn lớp trưởng đưa cho Tâm tờ giấy có chép bài hát “Giải phóng Ðiện Biên” của nhạc sĩ Ðỗ Nhuận:

- Cậu hát hay nhất lớp, lại có bố từng đi bộ đội, cậu tập đi rồi dậy cho cả lớp hát theo nhé. Tuần sau sẽ có một chương trình văn nghệ chào mừng 5 năm ngày giải phóng Ðiện Biên.

Cầm bài hát trên tay, Tâm nhớ lại cái đêm đầu hạ náo nức ấy. Nửa đêm, đang nằm trong nhà, Tâm bỗng nghe thấy tiếng vó ngựa. Khi theo mẹ chạy ra đến sân đã thấy đèn đuốc sáng chưng, mọi người vây quanh hai anh giao liên trong tiếng cười nói nô nức. Lửa soi sáng từng khuôn mặt người, chẳng ai kịp nói với ai điều gì mà cùng òa lên hạnh phúc. Thắng trận là bố và các chú, các bác sẽ trở về. Tin chiến thắng Ðiện Biên Phủ lan nhanh hơn gió, ngân vang như tiếng chiêng, trầm hùng như tiếng trống. Ðồng bào các dân tộc anh em khắc ghi ngày thắng lợi đó như một cuộc đổi đời. Lần đầu tiên lên nương bẻ ngô, xuống suối bắt cá, vào rừng săn thú… không còn nơm nớp lo lệ nhà lang đạo, phìa, tạo, không còn mũi súng, đòn roi cận kề.

Ngồi trong lớp, cậu chỉ mong tiếng trống tan học để cầm bài hát chạy về nhà tập hát. Mà không, phải chạy ra gốc đa đầu bến đò nơi có mấy đứa trong xóm hay gặp nhau để cùng hát. Ngày ấy, lớp học chỉ lợp gianh tre, tường quây bằng phên nứa nên ngồi trong lớp có thể nhìn ra được tứ bề. Ở khu phố bên sông này, đứa trẻ nào cũng muốn làm bộ đội được mặc bộ quần áo xanh, vai đeo súng bảo vệ quê hương mình.

Tiếng còi xe vang lên, rồi thêm một tiếng động cơ nữa. Trái tim Tâm như nhảy ra khỏi lồng ngực. Sao hôm nay có nhiều xe thế. Chiến tranh kết thúc chưa lâu, tinh thần cảnh giác cao của người dân còn thể hiện trong cách ngụy trang chiếc đò bằng những cây nứa tép lấy ở rừng về để quây xung quanh. Ðúng lúc ấy, có tiếng hô to: “Bác Hồ! Các cậu ơi Bác Hồ”. Cả lớp ào ra.

Ngoái lại, Tâm vẫn thấy các thầy cô và các bạn không kịp lên đò vẫn đứng trên bờ cùng đồng thanh hô vang: “Bác Hồ muôn năm, Hồ Chí Minh muôn năm” và cùng vỗ tay. Sau này nghĩ lại Tâm vẫn thấy tiếc rằng lúc ấy chưa có những bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của nhạc sĩ Phạm Tuyên để cùng hát vang lên.

Lúc này, Tâm và các bạn đang được đứng gần Bác, điều mà ngay cả bố của Tâm - người chiến sĩ trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ - cũng chưa có được. Bác Hồ ân cần xoa đầu từng bạn và dặn dò: “Các cháu phải chăm ngoan, học giỏi”. Khi đoàn xe đã ngược lên phía Sơn La, Tâm và các bạn còn đứng nhìn theo mãi…

***

Sau chiến tranh, ông Tâm trở về khúc sông và bến phà xưa giờ đã nằm sâu dưới lòng hồ thủy điện. Phía trên bờ, những cột điện cao thế dẫn nguồn năng lượng đi muôn nơi làm nhiều vùng quê thay da, đổi thịt. Ðiều mà ông Tâm đau đáu là có nước, có điện mà xóm làng vẫn còn nghèo khó. Ðang suy nghĩ, bỗng ông Tâm nhìn thấy một đoàn người lố nhố bước xuống chiếc tàu du lịch. Nhìn cách ăn mặc, ông đoán họ không phải dân vùng này mà từ các thành phố lớn.

- Trung, con nhìn kìa, sao hôm nay nhà bác Thiện đông khách thế?

- Chắc bên thông gia bố ạ. Nhưng mà, đi cả đoàn mấy chục người cơ à.

Hai bố con cho thuyền chạy chầm chậm rồi táp vào bờ. Ông Tâm cùng con trai vừa bước lên bờ đã thấy tiếng ông Thiện oang oang:

- Bố con ông định thăm dò đấy à, đừng quên tôi cũng là dân trinh sát nhé. Từ ngày tôi mở homestay chưa đến lần nào nhỉ?

Ông Thiện kéo tay bạn vào nhà. Mấy năm mới được hàn huyên bên chén rượu men lá hạ thổ. Dần dà, qua câu chuyện ông Tâm hiểu ra cách mà gia đình ông Thiện sử dụng nguồn thực phẩm sạch cung cấp cho khu nghỉ dưỡng để phát triển kinh tế. Ở độ tuổi nào con người ta cũng cần phải đổi mới để bắt nhịp được với đời sống nhưng làm cách nào để có vốn, để biết cách làm du lịch hiệu quả trong thời buổi mô hình nghỉ dưỡng nở rộ khắp nơi.

Ðêm ấy, nằm bên ông Thiện, đôi bạn già có dịp ôn lại kỉ niệm xưa. Bất giác, ông Tâm hỏi:

- Ông còn nhớ cái lần tụi mình chạy ra bến đò khi có đoàn xe của Bác không?

- Có, tôi vẫn nhớ như in, mới đó mà đã hơn sáu mươi năm rồi đấy.

- Sau lần ấy tôi cứ suy nghĩ mãi. Sau này có dịp đi nhiều nơi, va vấp nhiều tôi càng ngẫm ra vì sao một người Việt Nam bé nhỏ, sinh ra ở một làng quê nghèo, lại sống trong cảnh “nước mất nhà tan” mà lại có thể lãnh đạo được dân tộc mình giành độc lập như thế.

Ông Thiện thủng thẳng:

- Tôi nghĩ cái quan trọng nhất là tư tưởng của Bác. Tư tưởng ấy không chỉ là đường lối chung chung mà được thể hiện bằng cách nghĩ, cách làm. Ðấy, tôi nhớ một bài thơ Bác tặng Ðội thanh niên xung phong năm 1950, tôi từng chép trong sổ:  “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Ðào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Bài thơ này thì ai cũng thuộc nhưng bền lòng, quyết chí như thế nào đây? Mình chỉ có thể vượt khó khi không bỏ đất, bỏ quê, không lãng quên tiềm năng của mình.

Vừa khoác bộ quân phục bước ra cổng, ông Tâm đã thấy một chiếc xe ô tô mới cóng dừng ngay trước mặt. Cửa kính kéo xuống, thằng Phúc con ông Thiện lễ phép cúi đầu chào mời ông lên xe.

Chừng hơn tiếng, xe dừng trước một ngôi nhà khang trang xây kiểu mái Thái. Phía bên trong, tiếng người cười nói ồn ào. Ông Tâm bước vào, đôi mắt ông như nhòe đi rồi lại sáng rõ nhưng cay bởi nước mắt cứ ứa ra: Ôi, thằng Lâm, thằng Tiến, thằng Duy, cái Sâm… ngày nào ở bến đò ấy, sao hôm nay đều có mặt.

Ðợi cho giây phút xúc động qua đi, ông Thiện mới đứng dậy, chỉ vào người đàn ông chừng năm mươi tuổi có mái tóc điểm bạc và nói với ông Tâm:

- Giới thiệu với ông và các bạn, đây là nhà thằng cháu Duy, kiến trúc sư, họa sĩ, con trai ông Vạn ở bến đò xưa… Cháu nó vừa hoàn thành bức tranh đá, ghép từ những viên đá của bến đò xưa mà lúc chuyển dân bọn mình còn giữ được. Các ông xem, đây là bức tranh toàn cảnh bến đò xưa với lần được gặp Bác, kia là những đứa trẻ, chính là tụi mình…

Những người đàn ông đã ngoại lục tuần cùng xúc động như thấy lại hình ảnh mình ngày nào, thấy lại hình ảnh người cha già của dân tộc và niềm tin son sắt vào con đường mà mình đã chọn…

Truyện được viết dựa trên tư liệu trong bài viết: “Bâng khuâng Suối Rút-Chợ Trò” của nhà văn Phạm Thị Tiến

Truyện ngắn của Bùi Việt Phương

Bình luận

Tin khác

Back To Top