Người Sán Chỉ ở tỉnh Quảng Ninh chiếm khoảng 12% dân số, tập trung cư trú ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu) và xã Đại Dực (huyện Tiên Yên). Hai xã nằm cạnh nhau như một mối lương duyên và người Sán Chỉ ở đây cùng nhau bảo tồn những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.
Người Sán Chỉ ở xã Húc Động và xã Đại Dực từ lâu đã coi nhau như người cùng nhà. Một thời, các xã Đại Dực, Húc Động đường sá khó khăn, nhiều thôn xóm giống như ốc đảo. Hai xã cùng chung nhau quả đồi Tình rộng khoảng 200ha. Trên đồi cỏ non xanh mướt, lác đác xen kẽ những đồi hoa sim, hoa mua. Mùa hè, hoa nở tím cả một vùng. Dù ở trên cao, nhưng đồi Tình không khô hạn vì có dòng suối Khe Lục Mỉ chảy qua rất lãng mạn. Đồi Tình trước đây giống như “ông tơ bà nguyệt” xe duyên cho nhiều đôi trai gái, họ rủ nhau lên đồi, cùng hát Soóng cọ rồi nên duyên.
Ông Tằng Móc Phống, thôn Khe Ngàn, xã Đại Dực năm nay đã hơn 60 tuổi, thời thanh niên là “ca sĩ” trên đồi Tình. Ông bảo: “Nhiều đêm có đến hơn trăm người cả nam lẫn nữ cùng lên đồi. Giữa làng nọ, làng kia cùng hát đối Soóng cọ với nhau. Có khi là một bài hát truyền thống của ông bà khi xưa, hay do nghệ nhân trong làng sáng tác. Đôi khi do chính người hát tự sáng tác”. Như vậy, ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, bản sắc dân tộc của người dân Đại Dực vẫn được bà con gìn giữ bằng cách này, cách khác. Ngoài đồi Tình, những đêm trăng sáng, bà con còn rủ nhau ra bìa rừng, bên dòng suối rồi giữa làng nọ, làng kia hát đối. Vậy là, từ các cuộc vui chơi mà bản sắc dân tộc của bà con Sán Chỉ đã được bảo tồn và phát huy.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Đại Dực đã đổi thay nhiều, giao thông thuận tiện. Lớp trẻ ở Đại Dực có nhiều chỗ để đến vui chơi hơn. Họ không còn thói quen lên đồi Tình vào buổi tối hay rủ nhau ra rừng, ruộng ca hát. Tuy thế, bản sắc dân tộc ở Đại Dực không mai một mà được bảo tồn theo hướng khác.
Để giúp cho các làn điệu Soóng cọ ngân vang, bay xa hơn, năm 2017, xã Đại Dực đã vận động người dân hiến đất làm con đường thông sang xã Húc Động. Từ đó các cuộc vui trở thành cuộc vui chung của bà con hai xã. Hằng năm, xã Đại Dực tổ chức Lễ hội mùa vàng miền Soóng cọ vào cuối tháng 10 và xã Húc Động cũng có ngày Lễ hội Soóng cọ được mở ra vào tháng 4 (16-3 âm lịch). Tại các lễ hội, nhiều giá trị truyền thống được phát huy như nghi lễ cầu mùa, hát giao duyên trong cưới hỏi, thi gói bánh cooc mò, bánh chưng dài, xôi ngũ sắc... Bà con có nhiều hoạt động thể thao như đẩy gậy, kéo co, đá bóng, đánh quay...
Ông Lục A Sệnh, Phó chủ tịch UBND xã Húc Động cho hay: “Lễ hội Soóng cọ được tổ chức hằng năm theo quy mô cấp xã, nhưng nay được xâu chuỗi trong các hoạt động chung làm nổi bật màu sắc văn hóa riêng biệt, đa dạng của huyện Bình Liêu. Với người dân, Lễ hội Soóng cọ là ngày hội liên huyện. Du khách đến Húc Động giờ đây không chỉ ngắm thác Khe Vằn, cắm trại săn mây trên núi Cao Ly, mà còn thăm nhà dân, hòa chung lối sống của người dân, cùng hát Soóng cọ với bà con dân tộc Sán Chỉ”.
Húc Động rất nổi tiếng với các đội bóng đá nữ. Xã có tới 6 đội bóng đá nữ. Vào các dịp hội hè, người dân không chỉ giao lưu hát Soóng cọ mà còn giao lưu đá bóng. Từ tình yêu với trái bóng, người Sán Chỉ còn thấy yêu hơn trang phục dân tộc mình.