Nghiêm túc và minh bạch làm nên sự cao quý của danh hiệu

09:58 - Chủ Nhật, 03/12/2023 Lượt xem: 4216 In bài viết

ĐBP - Đã qua 10 lần xét phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) song lần nào cũng có ít nhiều điều tiếng, dù rằng trước đó hồ sơ xét chọn của các cá nhân đã được thẩm định qua nhiều vòng, sau đó đăng tải công khai để lấy ý kiến của công luận.

Lẽ thường, khi xét chọn là sẽ có trúng, trượt, có người đi tiếp, người dừng lại… nhưng những điều tiếng ấy đã làm cho ý nghĩa của việc xét duyệt danh hiệu vốn được coi là cao quý bị sứt mẻ đi ít nhiều.

Để việc trao danh hiệu đúng đối tượng, đúng thời điểm, thời gian qua, nhiều hội nghị, tọa đàm lấy ý kiến để sửa đổi quy chế, tiêu chí xét tặng đã được tổ chức. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, khi người nghệ sĩ đã đạt được danh hiệu NSƯT, muốn tiếp tục được công nhận NSND thì phải là người có sự xuất sắc vượt trội, tài năng có tầm ảnh hưởng quốc gia.

Nghĩa là các giải thưởng của người nghệ sĩ đó phải có giá trị hơn các giải thưởng của NSƯT và sự sáng tạo nghệ thuật của họ phải đặc biệt tiêu biểu, ấn tượng hơn và được công chúng khán giả, bạn bè đồng nghiệp thừa nhận.

Năm nay, dù chưa công bố chính thức danh sách các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT nhưng cũng đã có nghệ sĩ nhận tin mình bị loại đã cho biết sẽ gửi đơn cứu xét. Lần này, thắc mắc của nghệ sĩ không phải là việc chưa đủ huy chương, giải thưởng… như những mùa xét tặng trước mà lại là nhấn mạnh tới yêu cầu về sự công bằng, minh bạch trong xét tặng.

Theo quy định, việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở; Hội đồng cấp tỉnh, thành, bộ và hội đồng cuối cùng gồm Hội đồng cấp Nhà nước và Hội đồng chuyên ngành. Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của các hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền. Một quy trình kéo dài nhiều tháng, với nhiều cấp như vậy, liệu có trường hợp nào xảy ra lỗi do thống kê, sắp xếp… mà ảnh hưởng tới kết quả xét chọn cuối cùng hay không?

Vẫn biết, khi đã tự nguyện tham gia bất kỳ một cuộc xét chọn, bình chọn nào cũng đồng nghĩa với việc phải tin tưởng vào ban tổ chức, vào các thành viên hội đồng. Song để giữ gìn uy tín, sự danh giá của các danh hiệu cũng đòi hỏi không chỉ mỗi thành viên của hội đồng xét tặng mà cả những cá nhân tham gia vào quy trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, liên quan tới công việc trên phải luôn làm việc nghiêm cẩn với tinh thần trách nhiệm cao.

Danh hiệu NSND, NSƯT là điều mà nhiều người lao động nghệ thuật luôn hướng tới để nỗ lực phấn đấu không ngừng. Song việc xét như thế nào, phong tặng ra sao cũng quan trọng không kém bởi chỉ giá trị của danh hiệu chỉ trọn vẹn khi nó được tiến hành một cách nghiêm túc, minh bạch.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top