Quảng bá di sản, du lịch qua vẻ đẹp thời trang

16:15 - Thứ Hai, 04/12/2023 Lượt xem: 3871 In bài viết

Tiếp nối xu hướng những năm qua, các sàn diễn thời trang năm 2023 thường xuyên đưa người xem du ngoạn và thưởng thức thiên nhiên, văn hóa tại nhiều vùng miền đất nước. Bằng ngôn ngữ của thời trang, thông điệp gìn giữ và phát huy bản sắc Việt Nam thêm một lần được tôn vinh, lan tỏa tới công chúng trong nước và quốc tế.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2022. (Ảnh: VGP)

Tín hiệu đáng mừng là ngày càng có nhiều họa sĩ, nhà thiết kế trẻ quan tâm và tích cực sử dụng nguyên liệu truyền thống, đưa câu chuyện bản địa vào những sáng tạo của mình. Các sản phẩm nghệ thuật, giải trí giao thoa giữa cổ truyền và hiện đại cũng thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả Việt Nam.

Trong Lễ hội "Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2023" vừa diễn ra sôi nổi suốt hai tuần qua tại Thủ đô Hà Nội, show diễn "Hanoi Fashion Journey" đã giới thiệu một loạt bộ sưu tập trang phục lấy cảm hứng từ di sản, thực hiện bởi sinh viên các trường có ngành đào tạo thiết kế thời trang trên cả nước.

Cùng với đó, Tọa đàm "Thời trang và Di sản" cũng là một điểm nhấn thú vị của Lễ hội, khi góc nhìn về đóng góp của thời trang với công nghiệp văn hóa hay bảo tồn giá trị bản địa trong thời trang đương đại... được các chuyên gia, diễn giả và khán giả cùng bàn luận, phân tích.

Tại lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ IX-2023 (Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, Ban Chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại tổ chức) tháng 10/2023, show thời trang "Bước chân di sản" đã được ghi nhận bằng giải thưởng chính thức - ghi dấu lần đầu một chương trình thời trang-nghệ thuật được vinh danh tại giải thưởng này.

"Bước chân di sản" do đạo diễn Hoàng Công Cường và người mẫu Hạ Vy sáng lập, được tổ chức lần lượt tại nhiều điểm đến di sản, thắng cảnh du lịch của Việt Nam như làng nghề gốm Bát Tràng (Hà Nội), thác Bản Giốc (Cao Bằng), ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái), phố cổ Hội An (Quảng Nam)...

Cũng với đam mê và khát vọng quảng bá văn hóa, du lịch 63 tỉnh, thành phố Việt Nam qua thời trang, ngày 26/11, bốn nhà thiết kế trẻ (Thạch Linh, Dũng Nguyễn, Hùng Bảo, Nguyễn Minh Công) đã thực hiện thành công show diễn "Ký họa quê hương" với hình ảnh đặc trưng vùng quê Hải Dương được đưa lên các bộ sưu tập áo dài, trang phục ứng dụng, được tổ chức ngay tại thành phố Chí Linh (tỉnh Hải Dương), địa danh có nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, quê hương của nhiều danh nhân, khiến người xem ngạc nhiên và thích thú.

Trước đó, Thạch Linh cùng các cộng sự đã tổ chức các dự án thời trang-nghệ thuật tại Nghệ An, Tây Ninh, Ninh Bình... Mặc dù thực hiện show thời trang gắn liền với điểm đến có những đặc thù riêng, đòi hỏi nhiều công sức nghiên cứu cũng như chuẩn bị kỳ công hơn so với sàn diễn truyền thống, nhưng theo các nhà thiết kế thời trang, đây là cơ hội để tận dụng tài nguyên cảnh vật, văn hóa vốn phong phú của Việt Nam. Khi trang phục không chỉ đẹp mắt mà còn "chuyên chở" cả những giá trị thẩm mỹ, văn hóa lâu đời của dân tộc, những cảm xúc sẽ thôi thúc người xem tìm hiểu kỹ hơn về cảm hứng di sản ấy, thậm chí tìm đến tận nơi để "tầm nguyên" khám phá và trải nghiệm. Ðó cũng là một xu thế tất yếu để phát triển bền vững của thời trang thế giới.

Bên cạnh các show diễn trực tiếp, nội dung truyền hình thực tế kết hợp thời trang, du lịch, âm nhạc cũng đã và đang nở rộ trên các nền tảng số. "Fashion Tour" (Hành trình thời trang) là một chương trình được đầu tư công phu với khách mời là các nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang, nghệ sĩ nổi tiếng.

Trong năm 2023, năm địa danh với các chủ đề "Lụa hát trên vai" (Bảo Lộc-Lâm Ðồng), "Hoa sen - Sứ mệnh quảng bá văn hóa Việt" (Ðồng Tháp), "Âu-Việt: Hòa nhịp sống hiện đại" (Phú Quốc-Kiên Giang), "Tái hiện buổi thượng triều cung đình Huế" (Thừa Thiên Huế), "Nâng tầm giá trị dân tộc" (Sa Pa-Lào Cai) đã hoàn thành công đoạn sản xuất, dự kiến phát sóng trên nhiều kênh truyền hình và ứng dụng trực tuyến vào tháng 4/2024.

Ðáng chú ý, nhiều lễ hội, sự kiện cộng đồng của các địa phương trong thời gian qua cũng coi thời trang như một "đại sứ", một sản phẩm du lịch đặc trưng. Tại Lễ hội Áo dài Huế "Chuyện kể từ dòng sông" (Thừa Thiên Huế), Lễ hội Áo bà ba "Duyên dáng phương nam" (Cần Thơ), hay Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội... các hoạt động trình diễn thời trang đều được lồng ghép với âm nhạc, giới thiệu làng nghề thủ công, triển lãm, tọa đàm về những câu chuyện lịch sử và văn hóa chung quanh trang phục. Vượt ra khỏi những sàn diễn khuôn mẫu hay không gian kín, thời trang hòa nhịp với đời sống thường ngày, tô điểm cho các công trình di sản và tạo nên trải nghiệm độc đáo cho người dân và du khách.

Ở quy mô nhỏ hơn, các nhà thiết kế tài năng của Việt Nam cũng liên tục đưa dấu ấn văn hóa Việt vào các bộ sưu tập khi mang đến sự kiện thời trang quốc tế. Có thể kể đến nhà thiết kế trẻ Phan Ðăng Hoàng với sắc mầu thổ cẩm Tây Bắc ở Milan (Italia), nhà thiết kế Peter Do đưa tiếng Việt lên sàn diễn New York (Mỹ)... Thời trang góp sức quảng bá hình ảnh tươi đẹp của đất nước và con người Việt Nam không phải câu chuyện của một vài cá nhân hay chỉ có thời điểm nhất định, mà là xu hướng được dự báo sẽ tiếp tục lan tỏa. Từ hiệu ứng của những show diễn trong năm qua, chuỗi hoạt động thời trang gắn với tôn vinh di sản và quảng bá du lịch sẽ trở lại trong năm 2024 với những sắc mầu độc đáo, hấp dẫn hơn, chẳng hạn như hành trình "Bước chân di sản", "Chuyến viễn du thời trang", Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam...

Theo NDĐT
Bình luận

Tin khác

Back To Top