Cẩm nang phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới

10:38 - Thứ Ba, 05/12/2023 Lượt xem: 4624 In bài viết

Trong hệ thống những công trình nghiên cứu, bài viết, bài phát biểu chỉ đạo đã được công bố, cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một dấu ấn nổi bật.

Đó không chỉ thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự đúc kết về mặt lý luận và thực tiễn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mà còn được coi là một cẩm nang quý về phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới.

Đại đoàn kết toàn dân tộc - truyền thống quý báu được nâng lên tầm cao mới

Trong suốt dặm dài lịch sử dân tộc, đoàn kết là một truyền thống quý báu, là nhân tố và giá trị cốt lõi làm nên thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Không những vậy, từ truyền thống và thực tiễn lịch sử dân tộc, Người đã đúc kết: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.

Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi: “Hỡi ai con cháu Rồng Tiên/Mau mau đoàn kết vững bền cùng nhau”. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường và phát huy. Nhờ đoàn kết, chúng ta đã làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2-9-1945); tiếp đó là thắng lợi Điện Biên Phủ “Chấn động địa cầu” và với một Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong công cuộc đổi mới, nhờ có đoàn kết chúng ta đã gặt hái được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế như ngày hôm nay.

Trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn thấu hiểu tầm quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều thời gian đến thăm và làm việc với các địa phương, cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn, vùng miền. Bằng tác phong sâu sát thực tiễn, đi đến đâu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dành thời gian thăm hỏi, động viên nhân dân, thăm hỏi các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, gia đình có công với đất nước, các đồng chí thương, bệnh binh, các cụ cao tuổi, các cháu thiếu niên, nhi đồng, đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo. Với những hoạt động và cử chỉ gần gũi, thân thuộc đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trở thành biểu tượng và là tấm gương sáng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nhân kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2023); đồng thời, góp phần quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật tổ chức lễ ra mắt cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Cuốn sách có giá trị đặc biệt to lớn đối với các cấp, ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và đông đảo nhân dân, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, giúp hiểu rõ những nội dung của đại đoàn kết toàn dân tộc, vai trò lãnh đạo của Đảng, nòng cốt chính trị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc và thực hành đại đoàn kết dân tộc một cách hiệu quả. Với sự ra đời của cuốn sách, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bổ sung, phát triển và nâng lên một tầm cao mới; là sự tổng hợp và đúc kết tư duy lý luận, thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những giá trị cốt lõi về đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng

Những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách luôn khẳng định những giá trị cốt lõi của đại đoàn kết toàn dân tộc là: Đoàn kết trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đoàn kết trên cơ sở tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; đoàn kết trên cơ sở không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng của toàn dân trong việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Đại đoàn kết toàn dân tộc là tổng hòa của các mối quan hệ đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp, dân tộc, tôn giáo, giới, thành phần kinh tế, các vùng miền và giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước. Đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam - Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2020), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta. Là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc cần động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò đoàn kết các giai tầng, nêu cao vai trò của các cá nhân tiêu biểu trong các giới đồng bào, các dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài”. Điều này cho thấy, ở trong nước cũng như nước ngoài, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc luôn được Tổng Bí thư coi là nhiệm vụ sống còn.

Không chỉ nêu bật nội hàm đại đoàn kết toàn dân tộc qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết nhiều bài học hết sức quý báu của truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc cần phát huy trong giai đoạn cách mạng mới; đồng thời, đề ra định hướng, quan điểm chỉ đạo cũng như những giải pháp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó nhấn mạnh cần phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, cơ quan, đơn vị đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc đổi mới; tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân; tạo môi trường thuận lợi để nhân dân phát huy quyền làm chủ, tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt nhấn mạnh: Nhân tố quyết định sức mạnh của dân tộc ta là tính cố kết cộng đồng, là “tình đồng chí, nghĩa đồng bào”... Những giá trị cốt lõi đó không chỉ là đóng góp to lớn của Tổng Bí thư đối với xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới mà còn là thông điệp, là những định hướng quan trọng để toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục chung sức, đồng lòng, siết chặt đoàn kết bên nhau phấn đấu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Lan tỏa truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc thời kỳ mới

Ngay sau khi ấn hành, cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gây tiếng vang lớn. Bởi những nội dung được đề cập, những vấn đề được Tổng Bí thư đúc kết trong cuốn sách không chỉ có ý nghĩa với công tác tuyên truyền, giáo dục mà còn là cẩm nang mang tính lý luận và thực tiễn sâu sắc về phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong giai đoạn mới. Qua đó, giúp cấp ủy Đảng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn công tác; là cơ sở chính trị quan trọng để quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII về “Tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”. Hơn nữa, cuốn sách còn cung cấp những luận cứ, cơ sở khoa học chắc chắn để phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, qua đó bảo vệ những giá trị, truyền thống tốt đẹp của dân tộc cũng như chủ trương đúng đắn của Đảng.

Điểm đặc biệt trong cuốn sách của Tổng Bí thư, mỗi bài viết, bài phát biểu chỉ đạo luôn là sự nhắc nhở, động viên mọi cán bộ, đảng viên, nhất là các cán bộ trong hệ thống Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội phải luôn tôn trọng dân, học dân, gần dân, hiểu dân, đặc biệt là cần lắng nghe và chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân đến với Đảng, Nhà nước.

Chỉ có như vậy, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc mới được phát huy thực sự, tạo thành sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra, trước mắt là thực hiện mục tiêu quan trọng tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Tiến sĩ Lê Văn Phong
Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam

Theo HNM
Bình luận
Back To Top