Với phương châm “Ở đâu có di sản, ở đó có sự chăm lo bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc” và “Khơi nguồn sức dân để làm giàu đời sống văn hóa cho dân”, những năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều việc làm thiết thực để giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc trong tỉnh.
Nhằm đưa văn hóa trở thành động lực, mục tiêu của sự phát triển kinh tế-xã hội, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU ngày 9-3-2018 “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”. Theo đó, tỉnh xác định “Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh” là một trong 3 khâu đột phá phát triển kinh tế-xã hội.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Quảng Ninh cho biết: Những năm gần đây, tỉnh có nhiều quyết sách nhằm phát triển văn hóa các vùng miền, điển hình là các đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030; khôi phục và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Nhờ triển khai đồng bộ các đề án đó, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 100% di tích cấp quốc gia, 70% di tích cấp tỉnh đã được tu bổ, tôn tạo và chống xuống cấp, với tổng kinh phí gần 2.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa. Tỉnh đã lập hồ sơ khoa học và xếp hạng 19 di tích, kiểm kê lập 28 hồ sơ di tích bổ sung vào danh mục di tích lịch sử-văn hóa và danh lam thắng cảnh của tỉnh. Quảng Ninh hiện có 13 bảo vật quốc gia; 638 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh (gồm 6 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 58 di tích cấp quốc gia, 92 di tích cấp tỉnh, 483 di tích kiểm kê, phân loại). Số lượng di tích quốc gia đặc biệt của tỉnh Quảng Ninh được xếp hạng đứng thứ hai toàn quốc, chỉ sau TP Hà Nội.
Là một trong những địa phương đi đầu cả nước về hợp tác công-tư, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, đơn vị tham gia ủng hộ nguồn lực lớn để cải tạo, trùng tu di tích lịch sử-văn hóa. Trong đó, nhiều di tích đã trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế, như: Di tích lịch sử nhà Trần, khu di tích-danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, khu di tích Bạch Đằng, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu...
Tháng 6-2023, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành kế hoạch thí điểm xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa 4 làng dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch cộng đồng, khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2023-2025, gồm: Làng người Dao ở thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái); làng người Tày ở bản Cáu, xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu); làng người Sán Dìu ở thôn Voòng Tre, xã Bình Dân (huyện Vân Đồn) và làng người Sán Chỉ (Sán Chay) ở thôn Lục Ngù, xã Húc Động (huyện Bình Liêu).
Trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhiều địa phương trong tỉnh có những việc làm thiết thực, sáng tạo, khơi dậy và phát huy nguồn lực trong dân. Tiêu biểu như huyện Ba Chẽ đã thành lập các câu lạc bộ (CLB) hát soóng cọ, hát đối, hát then, thêu thổ cẩm với hơn 230 người dân tham gia. Phòng Văn hóa và Thông tin huyện đã tiến hành phục dựng, mở 12 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể cho 320 người dân địa phương về các nội dung: Dạy hát dân ca, dân vũ, thêu hoa văn của dân tộc Dao; hát soóng cọ của dân tộc Sán Chay; hát then đàn tính của dân tộc Tày... Theo ông Hà Ngọc Tùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ba Chẽ, nhờ làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, huyện Ba Chẽ từng bước đẩy lùi một số hủ tục lạc hậu trong đời sống nhân dân; đồng thời quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện tới du khách, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng nông thôn mới.
Huyện Bình Liêu đã phát huy tốt vai trò của các tổ chức đoàn thể quần chúng tham gia Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với chung tay bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các DTTS. Tiêu biểu có Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện tích cực tuyên truyền, vận động hội viên và con em trong gia đình bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục dân tộc; tham gia nhiều hoạt động khôi phục các lễ hội đặc sắc như: Lễ hội đình Lục Nà của dân tộc Tày, hội soóng cọ của dân tộc Sán Chay, hội kiêng gió của dân tộc Dao...
Hội viên phụ nữ trong huyện cũng là hạt nhân nòng cốt duy trì hoạt động của 7 CLB văn nghệ cấp xã và 8 CLB cấp thôn, thường xuyên biểu diễn hát then, đàn tính... Bà Lài Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Liêu cho hay: “Việc duy trì, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế-du lịch gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực nghề truyền thống, ẩm thực dân gian, văn hóa, văn nghệ... thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia. Đó là tín hiệu tích cực thể hiện vai trò của phụ nữ trong việc giữ gìn giá trị văn hóa tốt đẹp của địa phương”.