Văn hóa là nền tảng cho phát triển và hội nhập vùng Tây Nguyên

10:56 - Thứ Năm, 07/12/2023 Lượt xem: 4748 In bài viết

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum đã khép lại với những ấn tượng, dư âm tốt đẹp về một đại ngàn Tây Nguyên giàu bản sắc văn hóa, giàu tiềm năng, nhiều cơ hội kết nối, hợp tác phát triển kinh tế-xã hội.

Tinh hoa hội tụ

Với chủ đề "Đại ngàn Tây Nguyên-Tinh hoa hội tụ", ngày hội quy tụ gần 600 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên của 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng. Ngày hội là nơi gặp gỡ, hội tụ nhiều sắc màu văn hóa và tinh hoa của các dân tộc Tây Nguyên thông qua những hoạt động chính như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; hoạt động thể thao quần chúng, hoạt động du lịch...

 Đoàn nghệ nhân người Rơ Măm, ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum tại hiện lại Lễ mở cửa kho lúa.

Các đại biểu và du khách ấn tượng khi được tận mắt xem đồng bào Rơ Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum tái hiện lại Lễ mở cửa kho lúa. Những chàng trai, cô gái Rơ Măm hòa mình trong âm thanh cồng chiêng, điệu múa, bài khấn, tái hiện chân thực ý nghĩa của Lễ mở cửa kho lúa được gìn giữ bao đời nay. Rơ Măm là một trong những dân tộc ít người nhất nhưng lại lưu giữ được nhiều lễ hội độc đáo, trong đó có Lễ mở cửa kho lúa. Lễ này thường được tổ chức trong 3 ngày nhưng công tác chuẩn bị có thể cả tháng và trải qua nhiều công đoạn. Nghi thức đầu tiên là cúng mở cửa kho lúa, lễ dựng cây nêu, lễ đâm trâu... và kết thúc bằng nghi thức gác xương đầu trâu lên vách nhà rông. Nghệ nhân A Ngốc ở làng Le cho biết: “Người Rơ Măm tổ chức Lễ mở cửa kho lúa để cầu khấn và tạ ơn thần linh đã ban cho dân làng có được vụ mùa bội thu. Ngày nay, Lễ mở cửa kho lúa cũng như nhiều lễ hội khác có những điều chỉnh để phù hợp với đời sống văn hóa mới, tránh lãng phí tiền của và thời gian, song vẫn lưu giữ được những nét văn hóa độc đáo của người Rơ Măm”.    

Đoàn nghệ nhân tỉnh Đắk Lắk tái hiện Lễ cúng trưởng thành của người Ê-đê. 

Nghệ nhân cồng chiêng Rah Lan Ven, người dân tộc Gia Rai, đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai phấn khởi nói: "Cồng chiêng là di sản quý giá của người Gia Rai nói riêng và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung. Trước đây, bà con chỉ đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, công việc của làng, chưa có sự giao lưu rộng rãi như bây giờ nên các giá trị của văn hóa cồng chiêng bị bó hẹp trong khuôn khổ làng. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương và các ngành chức năng đã mở ra nhiều cơ hội để văn hóa cồng chiêng lan tỏa, kết nối, mang lại nhiều giá trị tích cực cho đồng bào và xã hội".

Kết nối văn hóa để phát triển kinh tế

Tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các tỉnh Tây Nguyên kỳ vọng tạo dựng một không gian kết nối văn hóa, giới thiệu, quảng bá đến công chúng, du khách trong nước và quốc tế về tinh hoa văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, các địa phương để thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội vùng Tây Nguyên.

Lễ khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I tại tỉnh Kon Tum. 

Theo lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp và người dân, việc tổ chức luân phiên Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên là một cách làm đúng để “đánh thức” tiềm năng, khai thác tài nguyên văn hóa vào phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên. Theo ông Đinh A Ngưi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch A Ngưi (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai): Văn hóa cần được nhìn nhận như một tài nguyên quý giá, từ đó có chiến lược, kế hoạch bảo tồn, phát huy trong xây dựng con người và phát triển kinh tế. Các sự kiện văn hóa, lễ hội, festival diễn ra trong thời gian qua và Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I không chỉ mở ra cơ hội phát triển du lịch, sản xuất, kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân mà còn tạo ra bầu không khí phấn khởi, niềm tin về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19. Chỉ tính riêng tại Tuần Văn hóa-Du lịch Gia Lai năm 2023 diễn ra trong tháng 11-2023 đã có hơn 165.000 lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ đó mà tổng thu du lịch trong tháng 11-2023 của toàn tỉnh Gia Lai ước đạt khoảng 742 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ năm 2022. 

Ông Phạm Bá Lực, Giám đốc Công ty TNHH MTV Gia Bạch (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) nhận định, những hiệu ứng từ Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I là rất lớn. Tây Nguyên đại ngàn đã “ghi điểm” trong lòng bạn bè về một vùng đất đa văn hóa, nhiều tiềm năng phát triển. Hy vọng sau ngày hội, các tỉnh Tây Nguyên, cộng đồng doanh nghiệp, đồng bào các dân tộc sẽ tạo ra được nhiều chuỗi giá trị trong nông nghiệp, du lịch, dịch vụ để đưa kinh tế phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của vùng đất này.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top