Phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể

09:01 - Chủ Nhật, 10/12/2023 Lượt xem: 5760 In bài viết

ĐBP - Huyện Tủa Chùa có những di sản văn hóa phi vật thể đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, như: Nghề rèn của người Mông; nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông; Lễ Tủ Cải của người Dao (ngành Dao quần chẹt)… Song vì nhiều nguyên nhân một số di sản sau khi được công nhận chưa phát huy giá trị.

Về xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa), mảnh đất chủ yếu dân tộc Mông sinh sống, chúng tôi đến nhà ông Cứ A Khua, bản Dề Dàng - một trong số ít những nghệ nhân nghề rèn thủ công truyền thống trên địa bàn huyện. Khi nhắc đến nghề rèn, ánh mắt ông hiện rõ lên niềm vui nhưng cũng không khỏi trăn trở.

Ông Khua chia sẻ: Nghề rèn thủ công của người Mông vừa được công nhận di sản văn hóa phi vật thể, với những người làm nghề và lưu truyền nghề rèn rất vui mừng, xúc động. Thế nhưng, để gìn giữ và phát huy được giá trị của nghề thì rất khó khăn, thậm chí không tránh khỏi mai một. Bởi trên thực tế, những năm gần đây số người còn biết làm nghề rất ít, chủ yếu là những người lớn tuổi. Hơn nữa, việc truyền nghề lại chủ yếu theo hình thức “cha truyền con nối” mà không phải ai cũng có đam mê để theo nghề.

Ông Nguyễn Công Trứ, Bí thư Đảng ủy xã Sính Phình cho biết: Trước đây, trong xã Sính Phình có khoảng chục gia đình làm nghề rèn truyền thống. Tuy nhiên, giờ đây chỉ còn vài hộ duy trì và cũng chỉ làm khi có người đặt hàng. Mặc dù nghề rèn của người Mông độc đáo và tinh xảo, nhưng do tập quán cộng với sự cầu kỳ, cẩn trọng trong nghề rèn, thêm vào đó là giá sản phẩm rèn của người Mông lại cao so với các sản phẩm cùng loại nên chưa thể tìm được chỗ đứng trên thị trường.

Những lý do trên đã khiến nghề rèn truyền thống của người Mông đang có nguy cơ bị mai một, có nhiều thợ rèn giỏi đã chuyển sang sử dụng công nghệ đúc, rèn theo phương pháp hiện đại. Mặt khác những bí quyết của nghề rèn, người Mông chỉ truyền lại cho con cháu, không truyền cho người ngoài, nên khi các nghệ nhân mất đi, người kế nghiệp không mặn mà với cái nghề cực nhọc này thì việc mai một là điều dễ hiểu. Vì vậy, việc giữ gìn những tri thức về nghề rèn để phát triển nghề liên quan mật thiết đến vấn đề bảo tồn văn hóa tộc người.

Năm 2022, nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thế nhưng, cũng như nghề rèn, nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông trên địa bàn huyện Tủa Chùa cũng trong tình trạng chưa phát huy được giá trị, hiệu quả sau khi được công nhận.

Để gìn giữ và phát huy giá trị, những năm qua ông Sình A Tâu, thôn 4, xã Sính Phình miệt mài sưu tầm, truyền dạy cho con cháu những điệu khèn Mông truyền thống. Đam mê tiếng khèn từ nhỏ, trải qua hàng chục năm học hỏi, tích lũy để có được kho kiến thức phong phú về những điệu múa khèn, ông Tâu rất vui mừng khi nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông đã được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tuy nhiên, ông cũng rất lo lắng khi bản sắc dân tộc này có nguy cơ bị mai một, do giới trẻ hiện nay quan tâm nhiều đến luồng văn hóa ngoại lai hơn là những bản sắc văn hóa dân tộc. Ông Tâu lo rằng khi những người như ông mất đi thì ai sẽ là người giữ gìn tiếng khèn Mông!

Ông Sình A Tâu chia sẻ: Từ bao đời nay, tiếng khèn là sợi dây gắn kết cộng đồng, là một phần văn hóa không thể thiếu của người Mông. Cây khèn giống như bảo vật mang giá trị tâm linh, gắn liền với đời sống tinh thần và luôn được gìn giữ cẩn thận. Trong nhịp sống hiện đại, khi nhiều giá trị văn hóa truyền thống có nguy cơ bị mai một thì việc truyền lửa để gìn giữ giá trị văn hóa của tiếng khèn Mông là điều hết sức ý nghĩa và cần thiết. Vì vậy, tôi mong muốn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa để khèn Mông được gìn giữ và phát huy.

Không chỉ nghề rèn hay nghệ thuật chế tác và múa khèn của người Mông chưa phát huy được giá trị mà còn nhiều di sản khác (đã được công nhận và chưa được công nhận) đang có nguy cơ mai một, như: lễ Tủ Cải của dân tộc Dao; nghề làm giày thêu của người Xạ Phang; nghệ thuật thêu, vẽ hoa văn bằng sáp ong…

Theo ông Đặng Tiến Công, Phó phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa, để gìn giữ và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn, huyện đã triển khai thực hiện các kế hoạch: Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số; kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc; Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”; bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Thời gian qua, huyện Tủa Chùa chú trọng việc tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của 7 dân tộc trên địa bàn thuộc 7 loại hình: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống và tri thức dân gian. Từ đó nhận diện đánh giá thực trạng và đề ra các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị, tránh nguy cơ mai một. Đồng thời, lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bên cạnh đó, duy trì việc thực hiện chính sách trợ cấp hàng tháng đối với 3 nghệ nhân ưu tú trên địa bàn. Tiếp tục tạo điều kiện để các nghệ nhân ưu tú, người nắm giữ di sản truyền dạy cho người dân địa phương để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đồng thời là căn cứ để xét tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân cho các nghệ nhân và người nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể.

Để không bị mai một, việc đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể là điều cần thiết. Thế nhưng, để di sản phát huy giá trị hậu vinh danh đang là điều băn khoăn của không riêng huyện Tủa Chùa. Bởi phần lớn là thiếu kinh phí để có thể duy trì tổ chức, thực hiện. Việc bảo tồn, phát huy vốn di sản văn hóa dân tộc hiện nay cần có sự chắt lọc những tinh túy, các giá trị truyền thống đặc sắc, nhưng đồng thời cũng phải bắt nhịp cuộc sống hiện đại, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của công chúng. Cùng đó, cũng không thể để các nghệ nhân nhận danh hiệu xong rồi để đó, mà phải có những “mảnh đất” để các nghệ nhân nuôi dưỡng, phát triển tài năng, tâm huyết, chẳng hạn như tổ chức các hội thi, hội diễn, đi giao lưu, biểu diễn với các địa phương trong cả nước; hỗ trợ kinh phí cho các nghệ nhân truyền nghề...

Bài ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top