Phát triển phong trào dân ca, dân vũ

Góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống

09:11 - Thứ Sáu, 15/12/2023 Lượt xem: 5380 In bài viết

ĐBP - Mường Lay với hơn 70% dân cư là đồng bào dân tộc Thái, được biết đến là nơi còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Thái, ngành Thái trắng ở khu vực Tây Bắc. Trong kho tàng văn hóa truyền thống đó phải kể đến các làn điệu dân ca, những điệu múa truyền thống.

Thành viên Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái TX. Mường Lay tập luyện cho các sự kiện biểu diễn, giao lưu vào dịp cuối năm.

Những năm trở lại đây, với sự phát triển không ngừng của đời sống kinh tế - xã hội, , phong trào văn hóa, văn nghệ tại TX. Mường Lay ngày càng phát triển rộng khắp. Tại các thôn, bản trên địa bàn, nhiều câu lạc bộ, nhóm văn nghệ được thành lập, đáp ứng, nâng cao nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Đồng thời, với dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái trắng nên phong trào dân ca, dân vũ chủ yếu là văn hóa truyền thống, rất quy củ, bài bản từ khâu tập luyện đến biểu diễn, giao lưu.

Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TX. Mường Lay cho biết: Hoạt động dân ca, dân vũ ở thị xã những năm qua phát triển mạnh. Ở khắp các tổ dân phố, bản trên địa bàn đều có đội văn nghệ quần chúng. Để phong trào dân ca, dân vũ thêm phát triển cả về chiều rộng và sâu trong cộng động dân cư, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã đã tham mưu cho UBND thị xã chỉ đạo UBND các xã, phường thành lập đội văn nghệ và tiếp tục duy trì hiệu quả các đội văn nghệ phường, bản. Đồng thời, Phòng phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình thị xã thường xuyên hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ cho công chức văn hóa xã hội ở xã, phường trong công tác vận hành, duy trì và phát triển phong trào dân ca, dân vũ. Qua đó, phong trào dân ca dân vũ ngày càng bài bản, phát huy được tác dụng, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân.

Dạo một vòng thị xã mỗi chiều thứ bảy, chủ nhật hàng tuần, tại các nhà văn hóa trên địa bàn đều nghe văng vẳng những bài hát truyền thống của các đội văn nghệ. Trong khuôn viên nhà văn hóa, người hát, người ôm đàn tính, người cầm quạt, những vũ điệu lên xuống nhịp nhàng như xua tan mệt mỏi, lo âu sau một tuần làm việc vất vả. Với mỗi thành viên của các đội văn nghệ, đây là lúc tạm gác lại những lo lắng, mưu sinh hàng ngày, hòa mình vào lời ca, tiếng hát mang âm hưởng dân gian truyền thống.

Trong các đội văn nghệ quần chúng TX. Mường Lay, phải kể đến Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái Mường Lay; đây là câu lạc bộ hoạt động rất tích cực, sôi nổi. Có mặt tại Nhà văn hóa tổ 4, phường Na Lay - địa chỉ gặp gỡ mỗi cuối tuần của Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái TX. Mường Lay, không khí thật vui tươi, rộn rã. Được hình thành từ năm 2016, vài năm trở lại đây, phong trào dân ca, dân vũ phát triển mạnh, nơi đây trở thành địa chỉ lý tưởng cho những người yêu ca nhạc, dân vũ truyền thống gặp gỡ, giao lưu, tập luyện. Trên tường, dưới bàn Nhà văn hóa, không khó để thấy rất nhiều kỷ niệm chương, bằng khen, giấy khen tại các cuộc giao lưu, biểu diễn trong tỉnh và ngoài tỉnh của câu lạc bộ.

Bà Mào Minh Mến, phường Na Lay cho biết: Trước kia đội văn nghệ thành lập chỉ nhằm mục đích giao lưu, gặp gỡ nhau, cũng như vận động để nâng cao sức khỏe thể chất, tinh thần của bản thân. Đến nay, Câu lạc bộ có gần 25 thành viên, mỗi người đều có niềm đam mê, sở thích: Múa, chơi tính tẩu, hát... nhưng đều là văn hóa truyền thống dân tộc Thái trắng mình cả. Ngoài biểu diễn trong các sự kiện của thị xã, Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa Thái Mường Lay còn tích cực tham gia giao lưu, biểu diễn mỗi khi được mời tới các sự kiện văn hóa của tỉnh. Qua các buổi giao lưu, biểu diễn đã góp phần lưu giữ, quảng bá văn hóa truyền thống dân tộc Thái đến cộng đồng.

Có thể thấy việc thúc đẩy, kiện toàn tổ chức, phát triển các hoạt động dân ca, dân vũ truyền thống trong cộng đồng đã góp phần không nhỏ nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân, từ đó xây dựng lối sống lành mạnh, tạo nguồn lực chất lượng cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Bài, ảnh: Trần Nhâm
Bình luận
Back To Top