Cổ phục Việt xuất ngoại

10:05 - Thứ Hai, 25/12/2023 Lượt xem: 4203 In bài viết

Trong sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2023, bên cạnh những chương trình nghệ thuật, còn có các gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm sơn mài truyền thống, tranh dân gian, nghề thủ công… đáng lưu ý là hoạt động giới thiệu, biểu diễn và trải nghiệm cổ phục Việt.

Hoạt động giới thiệu cổ phục trong khuôn khổ Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2023.

Nếu như những năm trước, sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài thường có những hoạt động thời trang, chủ yếu là giới thiệu áo dài cách tân đến người dân và du khách các nước sở tại, thì năm nay, lần đầu tiên chúng ta mang những bộ trang phục cổ để bạn bè quốc tế có thể chiêm ngưỡng và trải nghiệm.

Trong khuôn khổ triển lãm “Hành trình vàng son” tại Nam Phi, Pháp và Nhật Bản, Ban tổ chức sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2023 đã trưng bày các trang phục thời Nguyễn, giúp công chúng đến gần hơn với khái niệm “trang phục truyền thống”.

Triển lãm mang đến những bộ trang phục đặc sắc nhất, thể hiện nét tinh hoa của mỹ thuật cổ và văn hóa truyền thống Việt Nam. Đó là Long bào đại triều phục, được nhà vua mặc trong các buổi thiết triều; áo Nhật bình đỏ thêu họa tiết song phượng được quy định là trang phục dành cho hậu phi và các công chúa; áo Lập lĩnh ngũ thân tay chẽn là loại trang phục phổ biến nhất vào thời Nguyễn vì cả giới quý tộc lẫn thường dân đều có thể mặc.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động giới thiệu trang phục áo dài ngũ thân cho cả nam và nữ, cùng với những trải nghiệm dành cho người dân địa phương và du khách… Tất cả đã giúp quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hóa Việt đến đông đảo bạn bè nước ngoài.

Với nhà thiết kế thời trang Nguyễn Thị Nga, người sáng lập Công ty cổ phần Vạn Thiên Y, đơn vị phụ trách phần giới thiệu cổ phục Việt tại sự kiện Ngày Việt Nam ở nước ngoài năm 2023 thì đây là cơ hội để những người trẻ như chị được giới thiệu, lan tỏa những giá trị của mỹ thuật Việt trong những bộ trang phục có tính ứng dụng cao. Thông qua hoạt động này, những nhà thiết kế trẻ của Vạn Thiên Y mong muốn được tiếp nối giá trị văn hóa truyền thống với một góc nhìn hiện đại.

“Tiêu chí chọn trang phục của chúng tôi, đầu tiên là phải giữ được quy chuẩn liên quan đến văn hóa, lịch sử nhưng bên cạnh đó cũng phải là những hình ảnh dễ nhận biết để mọi người khi nhìn thấy có thể nhận ra những trang phục ấy đến từ Việt Nam, của Việt Nam. Và tất nhiên nó phải đẹp, bắt mắt nữa” - nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga chia sẻ.

Những nghiên cứu, thiết kế cổ phục và những bộ trang phục hiện đại ứng dụng tinh thần mỹ thuật cổ của Vạn Thiên Y cho thấy tình yêu của các bạn trẻ dành cho văn hóa Việt, đưa thời trang gắn với văn hóa, gắn với du lịch và những câu chuyện lịch sử.

Đáng lưu ý, tham gia trình diễn giới thiệu trang phục áo Nhật bình đỏ thêu song phượng trong chương trình nghệ thuật “Hương sắc Việt Nam” tại “xứ sở hoa anh đào” trong những ngày đầu tháng 12 này, nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga đóng vai công chúa Ngọc Hoa, kể câu chuyện về nàng công chúa được chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả cho thương nhân Nhật Bản Araki Sotaro vào thế kỷ XVII.

Trong không gian hoài niệm, trên nền nhạc “Lý mười thương” da diết, hình ảnh nàng công chúa “lá ngọc cành vàng” xa quê hương với bao luyến thương, ngậm ngùi nhưng cũng từ đây, bà trở thành một “đại sứ văn hóa” khi mang áo dài Việt Nam đến Nhật Bản từ thế kỷ XVII.

Chương trình nghệ thuật này đã nhận được sự chào đón, đồng cảm từ phía khán giả ngay từ những nhóm cộng đồng trên mạng xã hội cho đến khi diễn ra thực tế tại Trường Đại học Y khoa Kyushu, Nhật Bản.

Tuy vậy, theo nhận định của Ban tổ chức: Trong một tiết mục trình diễn sân khấu, cộng với nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, nên không tránh khỏi những hạn chế. Điển hình là trang phục trong phần trình diễn không hoàn toàn sát với bối cảnh lịch sử thế kỷ XVII, chủ yếu dùng trang phục mang phong cách thời Nguyễn. Sự hạn chế về dữ liệu nghiên cứu cổ phục Việt ở nhiều thời kỳ khác nhau cũng là điều mà các nhà thiết kế luôn trăn trở.

Là người gắn bó với Vạn Thiên Y, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hiệu cho biết: “Việc nghiên cứu, tìm hiểu cổ phục nước nhà luôn có sự cập nhật, chỉnh sửa để hoàn thiện. Công việc “ngược dòng quá khứ” của tôi gắn với 3 thứ: Sách, photoshop và AI. Từ tư liệu, chúng tôi sẽ thiết kế ra bản mẫu. Tôi dựa vào những tư liệu cơ bản như “Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ”, “Đại Việt sử ký toàn thư”. Chúng tôi còn tra cứu nguồn chữ Hán của những tài liệu này để đảm bảo những gì mình thu nhận được tương đối chính xác. Có những bản dịch tư liệu ra đời cách nay 30 - 40 năm và khi truy nguyên, có những điều chưa hẳn đã đúng”.

Tuy vậy, việc những trang phục hiện đại ứng dụng tinh thần mỹ thuật cổ được “xuất ngoại” đã mở ra những cơ hội, tiềm năng và cũng là sự khích lệ rất lớn đối với những người trẻ say mê văn hóa truyền thống.

Trong nhiều năm qua, các hoạt động đối ngoại, quảng bá hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện trên quy mô lớn, với những đối tác quan trọng trong quan hệ quốc tế và hướng đến những địa bàn xa, còn hiểu biết ít về Việt Nam. Những hoạt động này đã tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế về truyền thống văn hóa, nghệ thuật của nước ta, nâng tầm ảnh hưởng và vị thế của Việt Nam với thế giới. Riêng với lĩnh vực thời trang, những trang phục xưa cũng là những tác phẩm nghệ thuật chứa đựng những tầng ý nghĩa văn hóa ẩn trong hoa văn, họa tiết, trong những câu chuyện về “ăn, mặc, ở” của người Việt, mang tính đại diện cho mỗi thời kỳ lịch sử, mỗi nền văn minh khác nhau của dân tộc.

Nói như nhà thiết kế Nguyễn Thị Nga: “Chúng tôi chưa đi được quá dài và cũng chưa đi được quá sâu nhưng luôn đi bằng sự nghiêm túc trong công việc của mình. Trong những sự kiện ngoại giao văn hóa vừa qua, vượt trên cả sự may mắn, chúng tôi tự hào khi tổ chức các buổi triển lãm, trải nghiệm, biểu diễn liên quan đến cổ phục. Từ đó, người dân và du khách có thể tìm hiểu về chất liệu, nghề thủ công của Việt Nam, qua đó cho thấy một giai đoạn lịch sử vàng son của đất nước”.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top