Nghi lễ và trò chơi kéo co là di sản văn hóa (DSVH) đa quốc gia, gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh và ước vọng tốt đẹp của cộng đồng. Ngày nay, kéo co vẫn ăn sâu, bám rễ vào đời sống nhân dân, có nhiều cơ hội để nâng tầm trở thành loại hình di sản đặc sắc của nhân loại.
Chung một sợi dây
Tiếng trống hội rền vang, các thanh niên Mạn Chợ và Mạn Đìa lưng trần ngồi xen kẽ với chân co, chân duỗi, trình diễn màn kéo co ngồi độc đáo. Dây song được kéo đi, kéo lại qua một trụ gỗ vững chắc, phải mất 15 phút tranh tài mới phân thắng bại.
Là tiên chỉ trong trò kéo co ngồi nhiều năm qua, ông Mai Tư Lĩnh (Ban Quản lý di tích đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, TP Hà Nội) cho biết, kéo co ngồi từng có thời gian bị lãng quên, nhưng hiện được phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tổ chức đều đặn vào ngày 3-3 âm lịch hằng năm. Hiện phường Thạch Bàn có 3 đội kéo co: Mạn Đìa, Mạn Chợ, Mạn Đường. Ông Lĩnh bày tỏ: “Chúng tôi luôn vận động thanh niên trong phường từ 16 tuổi trở lên tham gia học và luyện tập kéo co. Ngoài ra, hằng năm, các trường học trên địa bàn quận Long Biên tổ chức nhiều cuộc tìm hiểu lịch sử truyền thống của đền Trấn Vũ và nghi lễ, trò chơi kéo co ngồi".
Trình diễn trò kéo co ngồi đền Trấn Vũ. Ảnh: VIỆT TRUNG |
Với người dân làng Ngải Khê (xã Tân Dân, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội), kéo co được gọi là kéo mỏ, có lịch sử hơn 150 năm. Người dân nơi đây sẽ chọn hai cây tre, mỗi cây dài 6-7m. Số đốt của tre từ gốc lên đến ngọn được tính theo sinh-lão-bệnh-tử, chọn sao cho đốt cuối cùng ở ngọn phải ứng với "sinh". Ngọn tre được hơ vào lửa cho dẻo, vặn lại thành mỏ, móc 2 cái vào nhau và dùng lạt buộc chặt để làm dây kéo mỏ. Sau phần tế lễ, ban tổ chức mời đại diện xóm trên, xóm dưới vào kéo mỏ; sau đó, đại diện cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng vào kéo với mong muốn cầu mưa thuận gió hòa, cuộc sống bình an.
Ở tuổi 72, ông Nguyễn Văn Khánh, Phó trưởng ban Công tác mặt trận thôn Ngải Khê luôn trăn trở với trò kéo mỏ của làng. Theo ông Khánh, trước đây trò kéo mỏ được tổ chức 2 năm/lần vào ngày 6 tháng Giêng và 25-3 âm lịch. Hiện nay, trò kéo mỏ làng Ngải Khê chỉ được tổ chức 1 lần/năm do hạn chế kinh phí. Ông Nguyễn Văn Khánh cho hay: “Dân làng Ngải Khê đều mong muốn tổ chức kéo mỏ 2 lần/năm như truyền thống".
Năm 2015, nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam, Hàn Quốc, Philippines và Campuchia được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh vào danh mục DSVH phi vật thể đại diện của nhân loại. TS Lê Thị Minh Lý, Phó chủ tịch Hội DSVH Việt Nam nhận định: “Dù mỗi cộng đồng, đất nước có tên gọi, cách thực hành khác nhau về nghi lễ và trò chơi kéo co nhưng đều hướng tới mục tiêu cầu sức khỏe cho nhân dân, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Điểm chung của nghi lễ và trò chơi kéo co của Việt Nam với các nước là chung một sợi dây-biểu tượng của sự gắn kết cộng đồng”.
Khai thác giá trị bền vững của kéo co
Ở Việt Nam, kéo co xuất hiện ở nhiều địa phương, có mặt trong đời sống sinh hoạt văn hóa-thể thao của nhân dân. Từ thực trạng kéo co của người Tày ở Lào Cai, ông Dương Tuấn Nghĩa, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai cho rằng, cần sớm đưa hoạt động kéo co vào giảng dạy trong trường học để học sinh hiểu hơn về nét đặc sắc văn hóa của dân tộc. Ngoài ra, ngành thể thao nên tổ chức riêng một giải kéo co tầm quốc gia nhằm tạo sức hút, lan tỏa tới đông đảo người dân. Ông Dương Tuấn Nghĩa đề xuất: “Các cấp, ngành cần hỗ trợ kinh phí tới các địa phương, đặc biệt là vùng cao trong việc bảo vệ và phát huy nghi lễ, trò chơi kéo co".
Với kinh nghiệm góp phần phát triển kéo co trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch đặc sắc tại Hàn Quốc, ông Ko Daeyoung, đại diện Hội Kéo co Hàn Quốc cho biết: “Từ năm 2015 đến nay, chúng tôi có nhiều hoạt động trình diễn kéo co ở châu Á. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với các đơn vị xuất bản sách, làm vật phẩm kỷ niệm về kéo co, cũng như đưa kéo co vào giáo dục trong trường học. Tôi tin với giá trị to lớn và ý nghĩa nhân văn, chúng ta có thể tạo nên một cộng đồng kéo co lớn mạnh, có sức lan tỏa trên thế giới”.
Thực trạng, quá trình bảo vệ và phát huy giá trị kéo co ở Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Ví dụ, để kiếm một dây song không phải đơn giản và tốn nhiều chi phí. Theo PGS, TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam, kéo co vừa là môn thể thao, vừa có yếu tố tinh thần, tâm linh, khát vọng, thể hiện sự đoàn kết nhân dân, gắn kết cộng đồng. PGS, TS Đỗ Văn Trụ nhận định: “Việt Nam cần có một hội hoặc một câu lạc bộ kéo co mang tầm quốc gia; cần tổ chức các giải đấu, những cuộc giao lưu kéo co giữa các vùng miền. Nếu các hoạt động này được triển khai, Hội DSVH Việt Nam sẵn sàng tài trợ một phần kinh phí”.