Công nghiệp văn hóa Việt Nam: Sự chuyển động và gợi mở chính sách

10:45 - Thứ Hai, 25/12/2023 Lượt xem: 4571 In bài viết

Với đặc trưng sáng tạo và công nghệ, công nghiệp văn hóa (CNVH) là hướng đi mới, thậm chí tạo nên hướng đột phá trong phát triển kinh tế tri thức, kinh tế văn hóa để phát triển kinh tế quốc gia theo chiều sâu. Tại Việt Nam, CNVH đang mang đến sự thay đổi cơ cấu của các ngành có liên quan, một số lĩnh vực dần vươn lên trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm; đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ văn hóa của người dân và góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam.

 Phát huy sức mạnh mềm của văn hóa

Từ tháng 9-2016, khi Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cho đến thời điểm hiện nay, chúng ta có thể thấy rất rõ, sự ra đời của chiến lược chính là nỗ lực của Việt Nam trong công cuộc đổi mới nhằm tháo gỡ nút thắt, thay đổi nhận thức để hình thành nên một khung chính sách có khả năng tạo ra sự đổi thay và hội nhập của các ngành CNVH.

Chiến lược đã đặt ra mục tiêu xây dựng 3 trung tâm CNVH là: Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. 3 năm sau, vào ngày 30-10-2019, Hà Nội trở thành thành phố thiết kế sáng tạo đầu tiên của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới thành phố sáng tạo toàn cầu (UCCN) của UNESCO. Thành công của Hà Nội không chỉ khẳng định khả năng hiện thực hóa mục tiêu đặt ra của chiến lược mà còn truyền cảm hứng và quyết tâm để các thành phố khác tăng cường khả năng kết nối quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của những sản phẩm, dịch vụ CNVH trên thị trường theo hướng đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.

Thời trang được xác định là một trong những lĩnh vực thuộc Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang có những bước tiến nổi bật.  Ảnh: VIỆT TRUNG

Việc Chính phủ ban hành Đề án “Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo trong hệ thống thành phố sáng tạo của UNESCO” vào đầu năm 2023 đã tạo điều kiện cho các thành phố của Việt Nam có được sự chuẩn bị tốt cho các lựa chọn phát triển CNVH khi gia nhập UCCN. Đây cũng chính là đề án có khả năng hỗ trợ hiệu quả, để đầu tháng 11 năm nay, chúng ta trở thành quốc gia duy nhất tại khu vực Đông Nam Á có 2 thành phố gia nhập mạng lưới. Đó là Đà Lạt, thành phố sáng tạo âm nhạc cùng Hội An, thành phố thủ công và nghệ thuật dân gian. Sự xuất hiện của 3 thành phố sáng tạo trên bản đồ các thành phố sáng tạo toàn cầu là một căn cứ vững vàng để Việt Nam có thể xác định mục tiêu trong giai đoạn tiếp theo là trở thành trung tâm CNVH thu hút và hội tụ sự sáng tạo tại khu vực Đông Nam Á.

Bước sang thế kỷ 21, quá trình tăng tốc của toàn cầu hóa văn hóa trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một mặt góp phần thúc đẩy sự chuyển dịch của các trung tâm CNVH trên toàn thế giới, mặt khác còn làm gia tăng cạnh tranh về tính đa dạng của các biểu đạt văn hóa thể hiện trong các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ văn hóa trên. Trong bối cảnh đó, Công ước 2005 bảo vệ phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của UNESCO được thông qua và Việt Nam-với tư cách là thành viên có trách nhiệm của UNESCO, đã thể hiện sự đóng góp tích cực bằng hành động thông qua việc ban hành chiến lược. Quá trình triển khai chiến lược đã khẳng định, các chính sách được xây dựng thể hiện rõ khả năng bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa, từng bước quảng bá hình ảnh, bản sắc và gia tăng sức hấp dẫn, thuyết phục của sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

Mặc dù bảo vệ và thúc đẩy văn hóa là một việc vô cùng quan trọng nhưng bản thân các sản phẩm và dịch vụ văn hóa còn đóng góp xuyên suốt vào nhiều mục tiêu phát triển bền vững-bao gồm cả những mục tiêu về thành phố sáng tạo, công việc ổn định và tăng trưởng kinh tế, giảm bất bình đẳng, bảo vệ môi trường, thúc đẩy bình đẳng giới, đổi mới, hòa bình và hòa nhập xã hội. Chính vì thế, vai trò của các ngành CNVH tại Việt Nam thông qua việc triển khai chiến lược đang dần dần được khẳng định vừa góp phần trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế-xã hội và vừa góp phần vào hiệu quả của các can thiệp phát triển.

Giai đoạn 2018-2022, bình quân 5 năm tốc độ tăng trưởng về số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành CNVH đạt 7,21%/năm; năm 2022, trên 70.000 cơ sở đang hoạt động có liên quan đến ngành CNVH và bình quân lực lượng lao động thu hút khoảng 1,7 triệu đến 2,3 triệu người, tăng 7,44%/năm. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước đạt 1,059 triệu tỷ đồng (44 tỷ USD).

So sánh số liệu thống kê sau 7 năm của chúng ta với tình hình chung trên thế giới, có thể thấy, Việt Nam đang là quốc gia “tầm trung” về phát triển CNVH và dư địa phát triển vẫn còn nhiều. Vì, các sản phẩm, dịch vụ của ngành CNVH đã có tỷ lệ giá trị gia tăng cao hơn so với chi phí sản xuất, góp phần tiết kiệm tài nguyên, phát huy và kết hợp được các yếu tố tự nhiên, văn hóa, bản sắc dân tộc, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Giấc mơ trung tâm công nghiệp văn hóa Đông Nam Á

Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu doanh thu của các ngành CNVH đóng góp 7% GDP, để văn hóa không chỉ là ngành “tiêu tiền” mà thực sự là ngành “kiếm ra tiền”. Tuy nhiên, sau gần 7 năm thực hiện chiến lược, CNVH vẫn chưa được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật, thiếu chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý để phát triển lĩnh vực mới, đầy tiềm năng này, trong đó các chính sách về huy động nguồn lực đóng vai trò then chốt.

Thực tế phát triển của các ngành CNVH đang đòi hỏi chúng ta cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ điểm nghẽn trong thực thi thể chế, xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển những sản phẩm, dịch vụ văn hóa gắn với các yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Về mục tiêu, cần xác định: Đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm CNVH năng động của khu vực Đông Nam Á.

Về các giải pháp, chính sách: Cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tối ưu hóa nguồn lực cho phát triển các ngành CNVH. Để tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa, cần rà soát sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới các chính sách pháp luật nhằm tạo động lực cho sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, xuất khẩu văn hóa, phát huy cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa và các chính sách thúc đẩy về kinh tế trong văn hóa, văn hóa trong kinh tế, thị trường văn hóa. Hoàn thiện thể chế, chính sách để huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa tập trung vào sử dụng có hiệu quả nguồn lực Nhà nước, huy động nguồn lực xã hội và tối ưu hóa nguồn lực nội sinh từ văn hóa. Hoàn thiện hệ thống chính sách, điều chỉnh xây dựng Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó đặt trọng tâm nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa, hình thành cấu trúc ngành có trọng tâm, trọng điểm, có tầm nhìn. 

Xây dựng quỹ CNVH và xây dựng cơ sở dữ liệu các ngành CNVH, hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.

Những thách thức mà Việt Nam đang đối mặt luôn hàm chứa những gợi mở về cơ hội để lựa chọn con đường phát triển phù hợp trong tương lai. Có nghĩa là, đã đến lúc Việt Nam cần vượt ra khỏi các giới hạn của cách tiếp cận thiếu tính toán toàn diện về CNVH để hướng tới sự phát triển bền vững.

 Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam ban hành kèm theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8-9-2016 (Chiến lược 1755), xác định các ngành CNVH Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh. 

Theo QĐND
Bình luận
Back To Top