Cuộc sống qua ảnh
ĐBP - Nằm yên bình bên dòng Nậm Ngam, người Lào ở bản Na Sang 1 và Na Sang 2, xã Núa Ngam vẫn gìn giữ được nghề nhuộm chàm, dệt vải của ông cha truyền lại để làm nên những bộ trang phục rực rỡ sắc màu. Điều đặc biệt là những màu sắc, nguyên liệu tạo nên các trang phục đó đều được lấy từ tự nhiên, những cây, củ mọc trên rừng hoặc được trồng quanh nhà để tiện thu hái…
Chắc hẳn ai được tận mắt chứng kiến những bộ trang phục truyền thống của phụ nữ dân tộc Lào ở Na Sang đều phải trầm trồ về sự rực rỡ, độc đáo và đặc sắc của chúng. Nhưng ít ai biết được rằng, để có được những bộ trang phục đó, người phụ nữ dân tộc Lào đã phải rất vất vả qua nhiều công đoạn khác nhau. Đầu tiên là trồng cây bông vải trên nương, thu hoạch về thì cán hạt, se sợi. Sau đó thì tiến hành nhuộm chàm. Cuối cùng, qua bàn tay khéo léo mới đến dệt vải để tạo ra những tấm vải nhiều màu, họa tiết, hoa văn hết sức đặc trưng mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Lào. Tất cả các công đoạn đều trải qua theo một trình tự nhất định, đặc biệt là khâu nhuộm chàm.
Để nhuộm chàm, người Lào Na Sang thu hái một loại lá cây mà họ gọi là cây chàm. Lá cây hái về mang về vò nát, ngâm với nước từ 2 – 3 ngày. Sau đó vớt hết lá ra, cho nước vôi trong vào là thu được dụng dịch màu chàm tự nhiên. Tiếp đó, họ cho sợi bông đã se vào nhuộm, vắt, đập cho ráo nước rồi đem phơi khô. Cứ làm nhiều lần với các trình tự như thế cho đến khi đạt được màu ưng ý, thường là màu đen hoặc xanh đậm… Với những màu khác, người Lào Na Sang cũng làm gần như tương tự nhưng chỉ thay nguyên liệu ban đầu là các loại lá cây, củ… khác nhau.
Ban đầu, người Lào ở Na Sang chỉ nhuộm vải, dệt trang phục cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhận thấy nghề dệt không chỉ là bản sắc mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, những người phụ nữ ở Na Sang đã cùng nhau thành lập Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang, làm ra nhiều sản phẩm hơn để bán ra thị trường. Qua đó, góp phần gìn giữ, phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc Lào, giữ cho “màu rừng” tươi mãi trên từng tấc vải…