Đường nào để rộng cửa hồi hương cổ vật?

08:55 - Thứ Năm, 11/01/2024 Lượt xem: 3559 In bài viết

Năm 2023 khép lại bằng một sự kiện vui cho giới yêu cổ vật khi kim ấn “Hoàng đế chi bảo” chính thức trở về Việt Nam sau 70 năm lưu lạc ở nước ngoài. Nhưng số quốc bảo may mắn được hồi hương chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nguyên nhân trên hết phải “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

“Chảy máu” cổ vật Việt

Từ năm 1990, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn đã âm thầm theo dấu cổ vật Việt đang lưu lạc ở nước ngoài. Ông nhận thấy cổ vật nước ta hiện có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Hầu hết bảo tàng lớn ở Nhật Bản lưu giữ rất nhiều đồ gốm cổ Việt Nam như: gốm men ngọc và gốm hoa nâu thời Lý - Trần, gốm hoa lam thời Lê, gốm thời Mạc… Bảo tàng Lịch sử và Nghệ thuật hoàng gia Brussels, Bỉ sở hữu gần 3.000 cổ vật Việt Nam. Thậm chí nơi đây có phòng triển lãm mang tên “Nghệ thuật Việt Nam” trưng bày nhiều đồ gốm, đồ đồng, cổ vật Champa, đồ ký kiểu triều Nguyễn…. Các bảo tàng ở Pháp chủ yếu giới thiệu đồ cổ thời nhà Nguyễn.

Kim ấn “Hoàng đế chi bảo” trở về Việt Nam sau 70 năm lưu lạc ở nước ngoài.

Trong số cổ vật Việt ở xứ người, rất nhiều cổ vật thuộc hàng quốc bảo, thậm chí chưa từng được giới nghiên cứu trong nước biết đến. Thời điểm năm 1998, dòng gốm Chu Đậu còn rất mờ nhạt ở Việt Nam nhưng ghé thăm các bảo tàng ở Nhật Bản, giới nghiên cứu Việt Nam lần đầu được chiêm ngưỡng những món đồ gốm Chu Đậu quý hiếm, toàn bích từ dáng kiểu đến men màu. Một bảo tàng khác ở Paris trưng bày thanh Thái A kiếm, là bảo kiếm của vua Gia Long.

Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu cho biết hiện bộ đàn đá đầu tiên trên thế giới (có niên đại khoảng 3.000 năm) đang được Bảo tàng Con người ở Pháp lưu giữ là cổ vật được phát hiện tại Đắk Lắk năm 1949. Bà cũng choáng ngợp trước hơn 100 cổ vật Champa của Bảo tàng Guimet ở Paris. Trong đó có ba hiện vật xứng đáng liệt vào hàng quốc bảo là: tượng thần Siva ngự trên tòa sen làm bằng sa thạch thuộc thế kỷ XI-XII; tượng thần Visnu cưỡi chim thần Garuda thế kỷ VIII-IX làm bằng sa thạch có lớp tô màu đỏ phủ bên ngoài, là pho tượng Champa duy nhất có tô màu được biết đến từ trước đến nay; linga bằng bạc có gắn kosa bằng vàng thế kỷ VIII.

Thông thường các cổ vật trên do nhà sưu tập tư nhân, nhà nghiên cứu của nước họ hiến tặng hay chính bảo tàng săn mua ở các sàn đấu giá. Theo thăng trầm lịch sử, nhiều thương buôn, nhà nghiên cứu đến Việt Nam đã mang về những món đồ văn hóa đặc trưng của xứ sở này. Số ít cổ vật do chính người Việt khi di cư ra nước ngoài mang theo.

Riêng ở Pháp, số cổ vật do những người lính lê dương từng tham chiến ở Đông Dương hiến tặng khá nhiều. Sau vụ “Kinh đô thất thủ” vào tháng 7 - 1885, không chỉ thanh bảo kiếm của vua Gia Long mà rất nhiều báu vật của triều đình Huế bị thực dân Pháp cướp đoạt trắng trợn.

Trong bản báo cáo trình lên Toàn quyền Đông Dương Richaud ngày 28/02/1889, chính Khâm sứ Trung Kỳ Paul Rheinart cũng phẫn uất: "Nhân vụ biến cố ở Huế, một số lớn bảo vật đã bị cướp đoạt và người ta phải hổ thẹn khi nghĩ tới những cảnh tượng đã xảy ra vào dịp đó: con voi bằng vàng đúc rất khéo, rất quý giá, bị chặt làm đôi vì sự tranh chấp giữa hai kẻ muốn giành được cho mình một phần nguyên chất của bảo vật. Điểm đáng buồn hơn cần phải nhắc lại, là một vị tướng lãnh, thiếu tướng Prudhomme, đã chẳng ngần ngại chiếm đoạt những vật phẩm quý giá, và chẳng hề có ai nghĩ cách giác ngộ lương tri của mãnh nhân ấy, báo chí cũng không đả động gì…”.

Nạn buôn bán trái phép và trộm cắp đồ cổ rầm rộ trong giai đoạn 1990-2000 cũng là thách thức khiến nước ta “chảy máu” cổ vật. Tình trạng này đã khiến vị giám đốc Bảo tàng Thực hành Frankfurt, Đức xót xa thốt lên: "Việc trộm cắp cổ vật, nạn buôn bán trái phép và sự quản lý lỏng lẻo đã đóng vai trò trong việc mang các tác phẩm nghệ thuật của các quốc gia khác đến châu Âu. Dù cho đang có sự gia tăng các luật lệ, nhưng những bảo vật của các nước khác trên thế giới vẫn tiếp tục được mua bởi các nhà sưu tập, kể cả những bảo tàng - những kẻ đã giả đui giả điếc về nguồn gốc và chủ nhân thực thụ của những báu vật ấy".

Đau xót và nghịch lý ở chỗ: từ các con đường trên, khi Việt Nam hiếm có cơ hội lưu giữ, trưng bày các bảo vật quý hiếm của cha ông để lại thì nhiều bảo tàng, nhà sưu tập ngoại quốc đang sở hữu chúng. Hiện tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế sở hữu 100 món pháp lam nhưng không có bộ đồ uống trà nào trong khi Bảo tàng Mỹ thuật Rennes, Pháp lại sở hữu đến ba bộ!

Long đong đường về cố quốc

Việc đòi lại cổ vật bị tước đoạt vô cùng khó khăn vì pháp luật của các nước thường có những điều khoản bảo vệ tài sản văn hóa của quốc gia khác đã bị cướp bóc và mang về chính quốc trong thời kỳ thực dân. Để đưa cổ vật về quê mẹ, không còn cách nào khác ngoài việc đấu giá, mua lại cổ vật.

Bộ ấm trà bằng vàng thời Nguyễn được hai nhà sưu tập hồi hương thành công từ nhà đấu giá Drouot, Pháp vào tháng 12/2023.

Vài năm trở lại đây, một số cổ vật quý hiếm bắt đầu được hồi hương. Có thể kể đến cuốn sách phong bằng bạc mạ vàng do vua Thiệu Trị tấn phong cho vợ là bà Vũ Thị Viên, từ hạng Lương tần lên hạng Lương phi vào năm 1846, được hãng Sotheby's đưa ra đấu giá năm 2010 đã được nhà sưu tầm Cao Xuân Trường đấu với giá 100.000 đôla.

Năm năm sau, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đấu giá thành công chiếc xe kéo của thái hậu Từ Minh (thân mẫu vua Thành Thái) ở Pháp. Năm 2021, một doanh nghiệp tư nhân hiến tặng cho Thừa Thiên Huế hai cổ vật gồm chiếc mũ quan và áo Nhật bình thời Nguyễn do họ đấu giá thành công ở nước ngoài với giá hàng trăm ngàn euro. 2023 được coi là năm bội thu của hành trình hồi hương cổ vật khi các nhà sưu tầm Việt Nam sở hữu được bộ đồ uống trà bằng vàng thuộc đời Khải Định, các tập Thánh chế thi và Thánh chế văn do vua Minh Mạng trước tác. Vui mừng nhất phải kể đến hành trình quy cố hương của kim ấn “Hoàng đế chi bảo” vào tháng 11. Kim ấn tròn 200 tuổi này là quốc ấn quan trọng nhất của triều Nguyễn. Sau hơn một năm đàm phán cam go giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhà đấu giá Millon, Pháp, cuối cùng kim ấn đã được một tư nhân ở Bắc Ninh mua.

Có thể thấy, cổ vật được hồi hương chủ yếu nhờ công các nhà sưu tầm tư nhân tham gia đấu giá ở hải ngoại chứ rất ít bóng dáng bảo tàng công lập. Nhà sưu tập cổ vật Trần Đình Sơn cho biết: “Chúng ta cứ dựa vào bảo tàng và nguồn kinh phí nhà nước thì rất khó đưa được cổ vật về quê hương. Nếu mức đấu giá được người khác trả cao hơn, các bảo tàng không thể chủ động đấu lại vì nguồn kinh phí nhà nước có hạn mức nhất định. Còn phía tư nhân thì lại khác. Đi đấu giá thì chắc chắn họ đã chuẩn bị nguồn tài chính dồi dào và rất yêu thích món đồ đó”.

Đồng quan điểm, nhà nghiên cứu Trần Đức Anh Sơn phân tích, giá bán sau cùng thường cách biệt rất xa với giá ban đầu. Đây là một thách thức lớn cho những bảo tàng công lập bởi lẽ không ai biết trước cổ vật sẽ được đấu giá bao nhiêu để đề xuất nhà nước cấp kinh phí mua những cổ vật này. Sự thất bại trong việc đấu giá bức tranh “Chiều tà” do vua Hàm Nghi vẽ năm 1915 của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế vào năm 2010 là một ví dụ.

Ngoài ra, bảo tàng công lập tại Việt Nam muốn mua cổ vật nào đó, sau khi được cấp có thẩm quyền cho phép, thì phải thành lập hội đồng xét duyệt (gồm đại diện bảo tàng, các nhà chuyên môn, đại diện ngành tài chính, công an…). Khổ nỗi nhiều thành viên hội đồng không thực sự am hiểu giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, kinh tế của cổ vật nhưng lại can thiệp quá sâu. Trong khi tại các bảo tàng nước ngoài, việc mua cổ vật hoàn toàn do các chuyên gia của bảo tàng quyết định. Lãnh đạo bảo tàng chỉ chuẩn y và cấp kinh phí để mua, không can thiệp vào việc giám định giá trị của cổ vật. Các chuyên gia sẽ bị mất việc hoặc chịu trách nhiệm hình sự nếu mua phải đồ giả hoặc thông đồng “thổi giá”.

Trông chờ hoàn toàn vào nhà sưu tập tư nhân khiến việc mang cổ vật về nước vẫn được chăng hay chớ vì vấp phải rào cản. Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn cho hay: “Tôi được biết nhiều Việt kiều hiện đang sở hữu những sưu tập cổ vật Việt Nam rất có giá trị. Họ muốn hồi hương chúng nhưng còn e ngại vì không biết rõ chính sách của nhà nước Việt Nam. Khi mang về nước, họ gặp khá nhiều rắc rối ngay từ cửa khẩu hải quan. Rõ ràng chúng ta chưa có chính sách thích hợp để hồi hương cổ vật. Chúng ta cũng chưa có điều khoản cụ thể nào cho phép các tổ chức và cá nhân trong nước được tham gia đấu giá cổ vật ở nước ngoài hoặc cho phép thành lập thị trường đấu giá cổ vật chuyên nghiệp ở Việt Nam. Vì thế khi có thông tin về cổ vật Việt Nam đang rao bán ở nước ngoài, các bảo tàng, nhất là bảo tàng công lập, không biết dựa vào cơ sở pháp lý nào để đề xuất với các cấp có thẩm quyền cho phép tham gia đấu giá. Mặt khác, việc nắm bắt quá ít thông tin về cổ vật Việt ở nước ngoài, kể cả khi nó được rao bán trong các cuộc đấu giá khiến chúng ta luôn chậm chân”.

Những tia hy vọng

Trước sự đấu tranh kiên trì của các nước có di sản văn hóa bị cướp bóc trong thời kỳ thuộc địa, bị thất thoát do chiến tranh và nạn buôn bán cổ vật trái phép, các quốc gia “cựu thực dân” ở châu Âu dần thay đổi quan điểm trong việc trả lại cổ vật về cội nguồn. Nhờ vậy, từ năm 2005, các nước này đã có những động thái mạnh mẽ trong "lộ trình hoàn trả di sản văn hóa" cho các nước bị đánh cắp. Tiên phong là Hà Lan, Ý, Pháp, Đức, Anh… khi họ dần trao trả nhiều cổ vật cho các nước châu Phi và châu Á.

Bình pháp lam triều Nguyễn và thanh Thái A kiếm của Vua Gia Long ở Pháp.

Tín hiệu vui thứ hai đến từ sự gia tăng hội cổ vật địa phương và nhà sưu tập trẻ tuổi. Giỏi ngoại ngữ, kết giao rộng trong thế giới phẳng nên họ nhanh chóng nắm bắt thông tin và sang nước ngoài đấu giá những cổ vật quý đem về nước. Tại triển lãm “Thanh ngoạn” hồi đầu năm 2023, bốn nhà sưu tập trẻ Thân Việt Hùng, Nguyễn Đông Nhựt, Huỳnh Chí Thanh, Nguyễn Thị Tuyết đã giới thiệu gần 200 món đồ đặc sắc, trong đó không ít cổ vật trở về từ Pháp, Mỹ.

Theo giới chuyên môn, để rộng cửa cho “châu về hợp phố”, ngoài việc khắc phục những bất cập trong cơ chế thủ tục, thay đổi hành lang pháp lý thì Việt Nam nên học tập kinh nghiệm các nước trong khu vực. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia rất thành công việc hồi hương cổ vật bằng nhiều chính sách linh hoạt. Họ miễn thuế suất nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục với tất cả vật phẩm văn hóa, lịch sử, mỹ thuật … có niên đại trên 100 năm. Những người giàu được chính phủ vận động mua  cổ vật và sẽ được miễn giảm thuế thu nhập nhờ vào các hoạt động hiến tặng. Họ cử chuyên gia đi khắp thế giới để nghiên cứu, thống kê, lập hồ sơ khoa học cho những cổ vật. Nếu chưa thể đưa hẳn về nước thì họ thương lượng với chủ sở hữu để tạm thời trưng bày cho công chúng trong nước tận mắt chiêm ngưỡng.

PGS. TS Lê Thị Liên, Viện Khảo cổ học, cho rằng việc trao đổi cổ vật lưu động giữa các nước là cách làm hay khi điều kiện bảo quản, gìn giữ cổ vật ở Việt Nam chưa thể chuyên nghiệp bằng nước ngoài. “Không chỉ bảo tàng công lập mà các bảo tàng, bộ sưu tập tư nhân ở nước ta đều có vấn đề về khâu bảo quản, trưng bày. Do vậy tôi nghĩ trừ những món đồ là tài sản quốc gia, bằng mọi giá phải đưa về thì một số trường hợp, chúng ta nên để cổ vật lại nước ngoài và trao đổi lưu động nếu họ lưu giữ và phát huy giá trị của nó hiệu quả hơn chúng ta” - bà bày tỏ.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top