Nỗ lực quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới

09:47 - Thứ Sáu, 12/01/2024 Lượt xem: 3663 In bài viết

Năm 2023, chuỗi sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” diễn ra lần lượt tại ba châu lục Âu-Á-Phi (ở các quốc gia Pháp, Nhật Bản và Nam Phi), và đó là những ngày hội sôi động, đáng nhớ đối với công chúng quốc tế và cộng đồng kiều bào ta ở nước ngoài.

 

Người dân Nam Phi tìm hiểu và trải nghiệm nghệ thuật sơn mài Việt Nam trong “Ngày Việt Nam tại Nam Phi 2023”.

"Ngày Việt Nam ở nước ngoài” là chương trình quảng bá quốc gia thường niên được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức từ năm 2010. Sau 13 năm triển khai, thương hiệu sự kiện này đã có mặt ở 18 quốc gia, mang theo nhiều hoạt động giao lưu, kết nối ở cả ba lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.

Năm 2023, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” đến với ba châu lục là châu Âu (Pháp), châu Á (Nhật Bản) và lần đầu tiên đến châu Phi (Nam Phi). Những bát Phở Thìn “Bờ Hồ” nóng hổi, giai điệu đàn tranh thánh thót, cổ phục cung đình lộng lẫy hay nghệ thuật sơn mài tinh tế… đã góp phần “kể” câu chuyện về Việt Nam cho khách tham quan giữa lòng “Kinh đô ánh sáng” Paris nước Pháp, thủ đô Pretoria của “Đất nước Cầu vồng” Nam Phi và thành phố biển sôi động Fukuoka ở miền nam Nhật Bản.

Đây là dịp để bạn bè quốc tế hiểu hơn về đất nước, con người Việt Nam thông qua chiêm ngưỡng triển lãm ảnh các di sản thế giới được UNESCO công nhận tại Việt Nam và “Hành trình vàng son” - nơi trưng bày những bộ đồ thêu tay tinh xảo tái hiện trang phục của vua chúa, quan lại thời Nguyễn; hay trải nghiệm các nét đẹp văn hóa truyền thống như in tranh dân gian Đông Hồ, nặn tò he…

"Ngày Việt Nam ở nước ngoài” là chương trình quảng bá quốc gia thường niên được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Ngoại giao chủ trì tổ chức từ năm 2010. Sau 13 năm triển khai, thương hiệu sự kiện này đã có mặt ở 18 quốc gia, mang theo nhiều hoạt động giao lưu, kết nối ở cả ba lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.

Các chương trình biểu diễn cũng giới thiệu được nhiều sắc màu của nghệ thuật truyền thống Việt Nam, trong đó có nhiều loại hình đã được tổ chức UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, như: Dân ca ví giặm, hát văn, quan họ…

Đại diện Ban Tổ chức, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Hoàng Hữu Anh cho biết: Các chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” luôn nhận được sự quan tâm, tham gia, hưởng ứng rộng rãi của các địa phương, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, bạn bè quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; đóng góp tích cực trong việc thực thi chiến lược ngoại giao văn hóa. Việc tạo không gian trải nghiệm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài còn có ý nghĩa với xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch.

Đáng chú ý, sự kiện “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” những năm trước thường có hoạt động trình diễn thời trang áo dài hiện đại, thì năm nay, lần đầu tiên những bộ trang phục cung đình Việt được phục dựng chỉn chu và giới thiệu đến bạn bè quốc tế.

Đó là Long bào đại triều phục - trang phục nhà vua mặc trong các buổi thiết triều; áo Nhật bình đỏ thêu họa tiết song phượng được quy định là trang phục dành cho hậu phi và các công chúa; áo Lập lĩnh ngũ thân tay chẽn là loại trang phục phổ biến nhất vào thời Nguyễn vì cả giới quý tộc lẫn thường dân đều có thể mặc…, phần nào thể hiện được tinh hoa của mỹ thuật cổ, dấu ấn nghề thủ công truyền thống Việt Nam. Khu vực triển lãm và trải nghiệm mặc thử cổ phục Việt ở cả ba quốc gia đều ghi nhận sự hào hứng đón nhận của người dân nước sở tại và du khách.

Pháp, Nhật Bản và Nam Phi đều là những nước đối tác quan trọng với Việt Nam, cũng là những nền văn hóa giàu bản sắc ở ba châu lục. Do đó, chương trình “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” năm 2023 đã nghiên cứu kỹ và có những điều chỉnh phù hợp ở từng địa bàn, bảo đảm truyền tải được hình ảnh đất nước và con người Việt Nam giàu truyền thống mà vẫn năng động, hiện đại và thân thiện, hiếu khách; đồng thời thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia, dân tộc.

Nam Phi là điểm đến đầu tiên và cũng là điểm đến xa nhất của “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” năm 2023. Chương trình vinh dự chào đón Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và đoàn đại biểu cấp cao nhân dịp chuyến thăm chính thức tới Nam Phi (tháng 9/2023). Nam Phi là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi, song cộng đồng người Việt ở đây còn thưa thớt và số du khách Nam Phi tới Việt Nam còn ít.

Không gian văn hóa Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng Nam Phi. Các vị khách hào hứng trải nghiệm mặc thử, chụp ảnh check-in cổ phục Việt Nam, hay chăm chú làm theo hướng dẫn của nghệ nhân Đặng Đình Thường để nặn tò he truyền thống Việt thành những hình ảnh biểu tượng Nam Phi như hươu cao cổ, hoa phượng tím, trang sức thổ dân… và mang về trưng bày hoặc làm quà tặng bạn bè, người thân.

Trong chương trình ở Paris, nhiều nội dung đã được lựa chọn để làm nổi bật mối quan hệ hữu nghị giữa hai đất nước, hai nền văn hóa Việt Nam và Pháp. Họa sĩ Lương Minh Hòa mang đến bộ sưu tập sơn mài khắc với chủ đề “Các công trình kiến trúc Pháp ở Việt Nam” và được nhiều khách mời yêu thích. Bộ ảnh nghệ thuật chủ đề “Việt Nam tôi yêu” của bà Armelle DG, Phu nhân nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam, cũng là minh chứng sinh động cho tình cảm gắn bó của một người Pháp với đất nước và con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, điểm nhấn tại Pháp không thể không nhắc đến khu vực giới thiệu ẩm thực Việt. Trong tiết trời lạnh giá tháng 11, hơn 500 bát phở bò theo công thức gia truyền vừa là lời chào mến khách gửi tới bạn bè quốc tế, vừa là món quà đầy ý nghĩa dành cho những người Việt Nam xa quê hương.

Với chương trình “Ngày Việt Nam tại Nhật Bản 2023”, Ban Tổ chức mong muốn tôn vinh tinh thần hữu nghị bền chặt giữa hai quốc gia, hai dân tộc qua chương trình nghệ thuật khéo léo lồng ghép những câu chuyện lịch sử nổi tiếng như chuyện tình của công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sorato, hay tình bạn đẹp giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro.

Không gian văn hóa Việt Nam tại đây cũng mang đến màn giao lưu trà đạo đầy ấn tượng, giúp công chúng hai nước có thể cảm nhận nét tương đồng lẫn sự khác biệt giữa nghệ thuật thưởng thức trà shan tuyết của Việt Nam với trà xanh truyền thống của Nhật Bản.

Đáng chú ý, chuỗi hoạt động năm qua không chỉ có sự phong phú và nhiều nét đổi mới mà còn ghi nhận sự tham gia tích cực của những nghệ sĩ, nghệ nhân trẻ tuổi và thế hệ kế thừa các giá trị tinh hoa văn hóa Việt Nam. Chẳng hạn như: nghệ sĩ đàn tranh Đoàn Minh Tài (Thành phố Hồ Chí Minh); Vạn Thiên Y - nhóm bạn trẻ đam mê nghiên cứu mỹ thuật và phục dựng cổ phục; biên kịch kiêm ca sĩ dân ca Lê Thanh Phong (Nghệ An); Phở Thìn “Bờ Hồ” (Hà Nội)…

Có thể nói, “Ngày Việt Nam ở nước ngoài” qua mỗi năm lại để lại dấu ấn sâu đậm hơn trong lòng bạn bè quốc tế và là sự kiện được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài mong đợi, tự hào. Trong thành công chung tôn vinh văn hóa và bản sắc Việt Nam, cùng với nỗ lực không ngừng nghỉ đến từ đơn vị tổ chức (Bộ Ngoại giao Việt Nam) là sự đồng hành từ các địa phương, doanh nghiệp, nhà thực hành văn hóa với chung mục tiêu, khát vọng quảng bá văn hóa, nâng tầm hình ảnh đất nước ở khắp muôn nơi.

Theo NDĐT
Bình luận
Back To Top