Hướng nào cho bảo tồn, phát huy di sản tư liệu?

15:11 - Thứ Ba, 16/01/2024 Lượt xem: 4221 In bài viết

Ngoài các di sản trong các cơ quan lưu trữ quốc gia, nhiều di sản tư liệu quý vẫn đang được bảo quản ở các gia đình, dòng họ, địa phương. Việt Nam đã có 9 di sản tư liệu được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh.

Thế nhưng, di sản tư liệu chưa được quy định bởi bất kỳ luật nào trong hệ thống pháp luật của Việt Nam. Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đang là một trong những lý do khiến loại hình di sản này khó bảo tồn và phát huy giá trị trong thực tế.

Bảo tồn, phát huy di sản đã được ghi danh cũng gặp khó khăn

Trong số 9 di sản tư liệu của Việt Nam được UNESCO ghi danh có 3 di sản tư liệu thế giới là Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám. 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; Mộc bản trường học Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943). Như vậy, ngoài các di sản được bảo quản bởi các tổ chức, cơ quan nhà nước, nhiều di sản được ghi danh ở trong nhân dân.

Một góc không gian trưng bày “Châu bản triều Nguyễn - Ký ức một triều đại”. (Ảnh: Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)

Theo giáo sư, viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ, trong số di sản tư liệu có nhiều di sản Hán Nôm như sắc phong, bia ký, trướng văn bằng, mà số này phần lớn được lưu giữ trong các nhà thờ dòng họ, tư  gia… Ngay cả các di sản đã được ghi danh cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Theo ông Mỹ, các di sản như Mộc bản Triều Nguyễn, Châu Bản Triều Nguyễn thuộc các trung tâm lưu trữ quốc gia - nơi có đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có nguồn kinh phí từ nhà nước và tài trợ. Tuy nhiên, di sản tư liệu thuộc sở hữu tư nhân rất khó có điều kiện tiếp cận dự án nhà nước. Hiện tại, di sản tư liệu còn khá mới so với nhận thức của cộng đồng, vấn đề tuyên truyền, để cộng đồng hiểu để bảo vệ, đề cử các danh hiệu và bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu là khá quan trọng.

Cụ thể, với 3 di sản tư liệu đã được UNESCO ghi danh ở làng Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh là  Mộc bản Trường học Phúc Giang, Hoàng hoa sứ trình đồ, Văn bằng và trướng ở làng Trường Lưu (Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu), sau khi được ghi danh, các di sản này được tôn vinh, phát huy dưới nhiều hình thức như: biên dịch, phiên âm, xuất bản thành sách, triển lãm, giới thiệu ở trong nước và nước ngoài.

Tuy nhiên, hầu hết công việc này đều do các dòng họ tự thực hiện và nhiều khi không có sự thống nhất. Trong khi đó, tư liệu có hàng trăm năm, rất khó bảo quản toàn vẹn lâu dài. Kinh phí đầu tư ít so với nhu cầu thực tế. Chuyên gia hiểu để phiên âm, biên dịch quá ít và họ cũng có ít thời gian để dành cho việc này. Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có kiến nghị sớm ban hành các quy định, thể chế để bảo tồn, phát huy hiệu quả các di sản trên.

Tài liệu, hiện vật của nhà văn Sơn Tùng trao tặng Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Đồng quan điểm trên nhưng tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho rằng, công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu đang đặt ra những thách thức không nhỏ cho ngành văn hóa địa phương. Theo ông Cường, Ninh Bình lưu giữ kho tàng đồ sộ về tư liệu di sản, bao gồm hàng ngàn văn bia, sắc phong, thần tích - thần phả, địa bạ, hương ước, ván khắc in kinh, hoành phi câu đối, gia phả trong các đền, chùa, miếu phủ, bảo tàng, tư gia, từ đường dòng họ...

Hiện nay, Ninh Bình là một trong số ít những địa phương còn tồn tại hệ thống văn bia Hán Nôm có lịch sử nối tiếp, liên tục kéo dài gần 1.000 năm ở trong các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh (trong các đền, chùa, miếu, phủ, vách núi, hang động). Văn bia cổ nhất hiện còn được biết đến là các cột kinh Phật do Nam Việt Vương Đinh Liễn cho lập dựng vào năm 973, được phát hiện gần bờ sông Hoàng Long thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư. Trong số các văn bia hiện còn trên địa bàn tỉnh, nhiều văn bia có giá trị lịch sử - văn hóa đặc sắc, tiêu biểu như Cột kinh chùa Nhất Trụ, hệ thống văn bia trên vách núi Non Nước (hiện còn 48 bia), hệ thống văn bia tại Đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, đền thờ vua Lê Đại Hành (Khu di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư), văn bia chùa và động Phong Phú (Ninh Giang, Hoa Lư)...

Trong đó, Cột kinh Phật chùa Nhất Trụ đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015, bộ sưu tập cột kinh Đinh Liễn đã được lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận bảo vật quốc gia năm 2023. Tuy nhiên, đa số văn bia trên địa bàn tỉnh được đặt ngoài trời, hoặc trên các vách núi đá tự nhiên (bia ma nhai), chịu tác động rất lớn của thời tiết, sự phong hóa tự nhiên của đá, xâm thực của rêu mốc, cây cối dẫn đến nứt vỡ, mờ chữ. Bên cạnh đó, do tác động của chiến tranh, nhận thức hạn chế của một bộ phận người dân, quan điểm thời đại nhiều thời kỳ khác nhau, một số văn bia đã bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn.

Cần quy định về đối tượng và phạm vi điều chỉnh

Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Mạnh Cường, hiện nay, tại Ninh Bình, hàng ngàn bản sắc phong có niên đại từ thời Hậu Lê đến thời Nguyễn, các địa bạ, thần tích - thần phả, ván khắc in kinh, gia phả... được lưu giữ tại các di tích, tư gia, từ đường dòng họ, trong đó có những di sản chưa được bảo quản đúng mức, nhiều tài liệu xuống cấp, mục nát; công tác bảo vệ còn nhiều khó khăn dẫn đến còn hiện tượng mất trộm chưa tìm lại được. Trong khi đó, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa có các quy định để định nghĩa, nhận diện, ghi danh cũng như các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu. Vì vậy, Ninh Bình phải vận dụng các quy định về bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích, danh lam thắng cảnh nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu trên địa bàn tỉnh.

Một vị khách quốc tế tham quan tài liệu lưu trữ quốc gia.

Phó cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng cho rằng, bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu đang có nhiều vấn đề phải bàn. Tài liệu lưu trữ là di sản tư liệu, hiện đang được điều chỉnh bởi Luật Lưu trữ. Nhưng nếu tài liệu lưu trữ được ghi danh vào danh sách di sản của Việt Nam hay thế giới, được công nhận bảo vật thì bị điều chỉnh bởi các quy định về di sản văn hóa. Chưa kể, hiện nay, nếu coi tài liệu lưu trữ là di sản tư liệu, di sản văn hóa thì sẽ có những mâu thuẫn. Lý do là có những tài liệu lưu trữ được công bố nhưng cũng còn nhiều tài liệu còn phải bảo mật, có những tư liệu là di sản quý nhưng cũng không được phép tiếp cận một cách phổ biến.

Về vấn đề trên, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng thừa nhận, nhiều quốc gia trên thế giới như Pháp, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã quy định di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa. Tại Việt Nam, di sản tư liệu là loại hình thuộc di sản văn hóa nhưng chưa có quy định về đối tượng và phạm vi điều chỉnh của loại hình di sản tư liệu và các quy định liên quan đến di sản tư liệu.  Chương trình Ký ức Thế giới do UNESCO khởi xướng từ năm 1992 nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản tư liệu.Việt Nam tham gia chương trình này từ năm 2007. Sau 15 năm là quốc gia thành viên tham gia chương trình nhưng di sản tư liệu tại Việt Nam chưa có hành lang pháp lý để bảo vệ và phát huy giá trị.

Các nhân chứng Trại Davis giao lưu và thăm lại khối tư liệu đã tặng lưu trữ quốc gia.

Trong khi đó, ngoài 9 di sản tư liệu đã được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ghi danh, thời gian tới, di sản tư liệu của Việt Nam sẽ còn tiếp tục được UNESCO xem xét, ghi danh cấp khu vực và thế giới và ngày càng có xu hướng gia tăng. Hiện nay, di sản tư liệu sau khi được ghi danh chưa có đầy đủ chương trình, đề án, kế hoạch để bảo vệ và phát huy giá trị của chúng. Chưa kể, di sản tư liệu của Việt Nam ở các địa phương, gia đình và dòng họ đa dạng về loại hình, tài liệu, tư liệu rất tiềm năng, cũng có di sản tư liệu có nguy cơ bị mai một, biến mất… Vì vậy, cần quy định mới loại hình di sản tư liệu trong Luật Di sản văn hóa.

Cũng theo Cục Di sản văn hóa, việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

Hiện tại, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang được giao xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)  nên sẽ dành một chương riêng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu. Trong đó sẽ có đầy đủ các quy định, từ các khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh, cho đến các biện pháp tiếp nhận quản lý, trách nhiệm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; thẩm quyền thẩm định các dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu; quy định về bản sao đối với di sản tư liệu.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top