Khơi thông nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa
Công nghiệp văn hóa (CNVH) là nhóm ngành mới, giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là nhóm ngành có lợi thế quốc gia của Việt Nam, góp phần tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và quảng bá hình ảnh Việt Nam với thế giới.
Làm thế nào để các ngành CNVH phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có của đất nước đang là bài toán không dễ có lời giải, đối với cả người làm quản lý Nhà nước và các chuyên gia trong lĩnh vực này.
Chật vật vì “cũ người mới ta”?
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, xác định rõ 12 ngành CNVH cần được quan tâm đầu tư phát triển, trong đó có điện ảnh.
Khách quốc tế tìm hiểu, mua đồ thủ công mỹ nghệ khi đến Việt Nam.
Đến nay, điện ảnh cũng là một trong số các ngành CNVH đạt được nhiều thành tựu nhất. Số liệu từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy, trong giai đoạn 2018-2022, điện ảnh là lĩnh vực có xu hướng phát triển nhanh, giá trị sản xuất bình quân tăng 8,03%/năm, giá trị gia tăng bình quân tăng 7,94%/năm, nguồn lực lao động bình quân tăng 8,05%/năm, số lượng cơ sở kinh tế hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh bình quân tăng 8,39%/năm. Doanh thu điện ảnh chiếu rạp năm 2019 đạt trên 4,1 nghìn tỷ đồng (khoảng 178 triệu USD), phim điện ảnh Việt Nam chiếm khoảng 29% doanh thu với khoảng 1,15 nghìn tỷ đồng (50 triệu USD), đây là năm doanh thu điện ảnh Việt Nam vượt mức 16% mục tiêu đề ra tại Chiến lược.
Hành lang pháp lý trong lĩnh vực điện ảnh ngày càng được hoàn thiện (Luật Điện ảnh sửa đổi năm 2022) đã giúp phim trong nước nhận được những ưu đãi, từ đó thu hút sự đầu tư của các đơn vị sản xuất.
Tại Việt Nam, khán giả trẻ chiếm đến 80-90% thị phần khán giả xem phim, đây là tiềm năng lớn để phát triển điện ảnh nội địa, do vậy trong thời gian gần đây nhiều dự án phim đã tập trung khai thác chất liệu văn hóa và lịch sử Việt. Với sự tham gia của các nhà đầu tư, các đơn vị sản xuất phim quan tâm đến những giá trị văn hóa truyền thống, nhiều dự án phim Việt đã đáp ứng cả về tính chất chuyên môn lẫn thị hiếu của khán giả, tăng sức cạnh tranh của phim Việt và qua đó quảng bá văn hóa Việt ra thế giới. Tuy nhiên, không ít người trong và ngoài nghề vẫn cho rằng, điện ảnh Việt vẫn “bắt nhịp” với nhiều quốc gia quá chậm.
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc của BHD, đơn vị có thâm niên trên 20 năm gắn bó với lĩnh vực này từng chia sẻ một câu chuyện dở khóc dở cười. Khi BHD nhập bộ phim Hàn Quốc “Yumi - tình yêu của tôi”, đề nghị một đài truyền hình lớn ở Việt Nam phát sóng, lãnh đạo của nhà đài còn hỏi vặn lại là vì sao lại phải nhập một bộ phim như thế của Hàn Quốc về Việt Nam phát sóng. May mắn là sau đó bà Hạnh đã thuyết phục được để phim lên sóng.
Thực tế sau đó cũng cho thấy, không chỉ có bộ phim này thu hút khán giả Việt Nam mà rất nhiều phim, sản phẩm giải trí Hàn Quốc ăn khách khác đã “mở đường” cho văn hóa, thời trang và các sản phẩm tiêu dùng của xứ sở Kim chi tràn ngập thị trường Việt Nam, len lỏi vào từng gia đình, ngõ phố, xóm làng, từ thành thị đến nông thôn.
Tuy nhiên, bà Ngô Thị Bích Hạnh cho rằng, CNVH hiện vẫn còn rất mới với Việt Nam. Các doanh nghiệp và cá nhân trong lĩnh vực này đang phải tự phát triển trong kinh tế thị trường chưa có sự điều tiết về chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho CNVH nên gặp rất nhiều khó khăn và bất cập. Ví dụ, từ rạp chiếu phim của các thương hiệu Việt và vận hành bởi người Việt chiếm khoảng 33% thị phần, 67% là của các công ty Hàn Quốc, trong khi các nước trong khu vực tỷ lệ của nước ngoài chỉ từ 10-30% là tối đa.
Trong 10 năm vừa qua, doanh thu phim Việt chỉ chiếm khoảng từ 18-33% và phim ngoại nhập khẩu đang thắng thế với tỷ lệ khoảng từ 67-82% tổng doanh thu phòng vé. Các nước có nền điện ảnh mạnh trên thế giới như Hàn Quốc có tỷ lệ doanh thu cho phim nội địa trong suốt nhiều năm qua ít nhất 54% và có những năm cao tới 65%. Hiện tại tỷ lệ % giá thuê trên tổng chi phí của các cụm rạp ở Việt nam đang rất cao so với khu vực. Người làm phim không thể tiếp cận được các nguồn vốn từ ngân hàng và các hãng phim không thể vay vốn làm phim vì không có tài sản hữu hình thế chấp mà trong khi phim là tài sản vô hình có giá trị. Thủ tục hành chính còn nhiêu khê. Nếu 1 ngày 1 đoàn phim quay 5 địa điểm, mỗi địa điểm 3 giấy phép con bình quân sẽ cần xin 15 giấy phép con/ngày. Như thế rất khó cho đoàn phim…
Nên tham khảo chính sách của các quốc gia đã phát triển CNVH
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Quốc Trung cũng chỉ ra rằng, thực trạng ngành công nghiệp âm nhạc nước ta hiện nay là nền công nghiệp âm nhạc nhãn hàng (đáp ứng các nhu cầu phục vụ nhãn hàng chứ chưa phải đáp ứng kỳ vọng và mong muốn của công những cũng như những người làm nghề). Hầu hết các dự án âm nhạc, các show diễn của chúng ta cho đến gần đây đều rất hạn chế về nhiều mặt. Hầu hết là các sự lắp ghép vội vàng, thiếu thời gian dành cho tư duy sáng tạo, thiếu sự đồng bộ về công nghệ, lập trình, luyện tập cả nghệ thuật và kỹ thuật. Thời gian thường chỉ bằng 1/10 hoặc ít hơn so với các tiêu chuẩn thường có bên ngoài.
Chưa kể, nghệ sĩ thiếu cọ sát với bên ngoài nên đôi khi dẫn đến cả sư ngộ nhận về năng lực. Điều đó dẫn tới việc các dự án nghệ thuật đều có chất lượng nội dung cũ, ngôn ngữ lạc hậu, không hấp dẫn được khán giả và không đủ tạo nên những trải nghiệm khó quên, tạo nên những thói quen thưởng thức và nhu cầu thu hưởng văn hoá cho người dân, sự thờ ơ của khán giả là nguyên nhân chính các show ca nhạc đều thua lỗ hoặc phụ thuộc vào nguồn tài trợ của các nhãn hàng.
Về giải pháp, theo nhạc sĩ Quốc Trung, để CNVH phát triển và đuổi kịp những nước tiên tiến thì cần sự đồng hành của mọi thành phần tham gia, cần chia sẻ trách nhiệm và cả lợi ích tương lai để cùng nhau phát triển. Cần nhiều hơn những tiếng nói của các doanh nghiệp, các chuyên gia ngành để tư vấn, đóng góp sáng kiến và xoá bỏ đi rào cản hay ranh giới trong và ngoài nhà nước.
Bên cạnh đó, cần xây dựng các chính sách hỗ trợ cho sự tiếp cận các thiết chế văn hoá hay những nhà văn hoá cộng đồng nhằm phổ cập văn hoá tới công chúng; các hình thức hợp tác công tư; chính sách hỗ trợ cho những thể nghiệm, những nghệ sĩ trẻ, những tiềm năng hay tài năng để có thể phát triển, giới thiệu sản phẩm tới công chúng trong nước. Thiết lập các quỹ văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới để tạo cầu nối đem âm nhạc và nghệ sĩ của Việt Nam ra nước ngoài học hỏi, giao lưu, cọ xát cũng như giới thiệu văn hóa Việt Nam tới cộng đồng quốc tế. Giản lược các thủ tục pháp lý còn chồng chéo và vướng mắc nhằm tạo tiền đề thuận lợi cho các nhà sản xuất có cơ hội được xây dựng và tổ chức các chương trình biểu diễn sáng tạo, chất lượng giới thiệu tới công chúng.
Bàn về phát triển CNVH Việt Nam qua đối sánh, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia đã thành công trong phát triển CNVH, trong đó có Hàn Quốc, TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VHTTDL cũng nhận định: Đóng góp cho sự nhảy vọt thần kỳ của nền kinh tế Hàn Quốc có vai trò của nền công nghiệp nội dung văn hóa với làn sóng K-pop, K-drama... xuất khẩu văn hóa ra toàn thế giới. Một trong những chuyển biến cấp tiến làm nên thành công của Hàn Quốc là việc chuyển hướng chính sách CNVH từ kiểm soát về chính trị sang coi CNVH là trọng tâm của các chiến lược phát triển kinh tế hướng về xuất khẩu vào đầu những năm 1990. Chính sách phát triển các ngành CNVH được triển khai đồng bộ cùng đầu tư của Chính phủ vào các ngành chiến lược khác như công nghệ thông tin và truyền thông, hướng nền công nghiệp này theo hướng “xuất khẩu” các sản phẩm văn hóa mang thương hiệu Hàn Quốc ra thế giới.
Với nhiều quốc gia khác cũng tương tự. Tại nước Anh, Bộ Văn hóa, Truyền thông và Thể thao đã xác định 13 ngành thuộc các ngành công nghiệp sáng tạo gồm quảng cáo, đồ cổ, kiến trúc, thủ công, thiết kế, thời trang, điện ảnh, phần mềm giải trí, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, phần mềm, và truyền hình và phát thanh. Từ năm 2019, các ngành kinh tế sáng tạo đóng góp hơn 115 tỷ bảng Anh, chiếm 5,9% nền kinh tế Anh và nhiều hơn tổng giá trị ngành công nghiệp vũ trụ, tự động hoá, khoa học cuộc sống, dầu mỏ và khí đốt cộng lại...
Bà Hòa cũng cho rằng, từ kinh nghiệm một số quốc gia tiêu biểu đang dẫn dắt ngành CNVH sáng tạo trên thế giới, có thể thấy Chính phủ các nước đều tiến hành các biện pháp, chính sách ở các cấp độ khác nhau để hỗ trợ sự phát triển của các ngành CNVH, bao gồm việc xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, cung cấp hỗ trợ tài chính công trực tiếp hoặc gián tiếp cho các thiết chế văn hóa công, các nghệ sĩ, các tổ chức phi chính phủ, huy động nguồn lực và sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân... trong việc tiếp cận các phương tiện sản xuất, phân phối các hoạt động văn hóa, hàng hóa và dịch vụ văn hóa, triển khai các chương trình đào tạo, ươm mầm nghệ sĩ trẻ tài năng, cơ chế bảo vệ bản quyền tác giả...
Việt Nam có thể nghiên cứu chính sách và thực tiễn triển khai của một số quốc gia hàng đầu trong phát triển CNVH, rút ra kinh nghiệm, giải pháp thiết thực nhằm giải phóng sức sáng tạo, phát huy giá trị văn hóa với tư cách là động lực cho sự phát triển bền vững.