Giải thưởng Sách Quốc gia cần được nâng lên một tầm cao mới

15:29 - Thứ Sáu, 19/01/2024 Lượt xem: 4451 In bài viết

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới, tối ưu hóa, đẩy mạnh hiệu ứng truyền thông để đưa Giải thưởng Sách Quốc gia lên một tầm cao mới...

Sáng 19/1, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ 6 năm 2023.

Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay đã sửa đổi, bổ sung Quy chế và Điều lệ với một số điểm mới quan trọng, như: Mở rộng đối tượng đề cử giải không chỉ gồm các nhà xuất bản, tổ chức hội nghề nghiệp mà còn bổ sung thêm đối tượng là các cơ quan truyền thông; mở rộng cơ cấu giải, ngoài 3 giải A, B, C, đã bổ sung thêm giải khuyến khích; bổ sung tiêu chí xét chọn giải như thêm tiêu chí “tính lan tỏa” thông qua việc đánh giá số lượng bản in, số lượng thông tin báo chí về cuốn sách, mức độ lan tỏa của sách và khả năng truyền thông nếu sách đoạt giải.

Các đại biểu tham gia hội nghị.

Những điểm đổi mới trong Quy chế, Điều lệ Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay đã thu hút nhiều tác giả, đơn vị xuất bản tham gia với những cuốn sách, bộ sách chất lượng. Cụ thể, có 41 nhà xuất bản gửi sách tham dự với 312 tên sách, 435 cuốn sách, tăng trên 15% số cuốn so với năm 2022. Các cuốn sách, bộ sách đề xuất giải thưởng đều bảo đảm chất lượng, có nội dung phong phú, hình thức đẹp, có tính đa ngành, đa mục tiêu và hướng đến nhiều đối tượng độc giả khác nhau. Nhiều cuốn sách, bộ sách có giá trị lý luận và thực tiễn cao, có tính thời sự và đang được xã hội quan tâm.

Tuy nhiên, Giải thưởng Sách Quốc gia năm nay cũng có nhiều hạn chế: Số lượng các nhà xuất bản tham gia giảm 2 đơn vị, còn 41 nhà xuất bản. Các đối tượng khác như cơ quan quản lý, cơ quan hội, viện nghiên cứu, cơ quan báo chí chưa tham gia. So với đề án, hiện còn thiếu một số giải như Giải thưởng sách được bạn đọc yêu thích, giải sách có số lượng lớn…

Chia sẻ tại hội nghị, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh: “Giải thưởng Sách Quốc gia đã được nâng tầm trong những năm gần đây. Tôi chưa thấy Hội đồng chấm giải nào quy tụ đến hơn 70 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tham gia, trong đó có nhiều chuyên gia đầu ngành và uy tín như Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia. Cá nhân tôi mong muốn Ngành Xuất bản được quan hơn nữa bằng những cơ chế, chính sách cụ thể”.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị.

Đồng chí Tống Văn Thanh, Vụ trưởng Vụ Báo chí – Xuất bản (Ban Tuyên giáo Trung ương), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam khẳng định, chưa khi nào sự quan tâm về sách, về xuất bản lớn như hiện nay. Vì thế, đồng chí mong muốn Giải thưởng Sách Quốc gia phải là lớn nhất, hay nhất, hấp dẫn nhất, thu hút sự tham gia của các nhà xuất bản.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến trong hội nghị này, tiến tới xây dựng đề án chi tiết, quy mô hơn báo cáo lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương để Giải thưởng sách Quốc gia ngày càng khẳng định được vị thế, có sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng xã hội”, đồng chí Tống Văn Thanh nhấn mạnh.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới, tối ưu hóa để đưa Giải thưởng Sách Quốc gia lên một tầm cao mới, trong đó sẽ cố gắng đẩy mạnh hiệu ứng truyền thông. “Sách ngày càng có vai trò quan trọng trong việc chấn hưng văn hóa, bảo vệ hệ giá trị Việt Nam, kết nối giữa các thế hệ trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài. Bởi thế, Giải thưởng Sách Quốc gia phải được coi trọng hơn nữa”, Thứ trưởng diễn giải.

Theo CAND
Bình luận
Back To Top