Yên Tử lắng sâu cội nguồn văn hóa

14:58 - Thứ Tư, 24/01/2024 Lượt xem: 5750 In bài viết

Đường về Yên Tử (TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) hanh hao gió nhẹ. Hàng đại cổ thụ viền lá hanh vàng, còn ít bông trắng đã mãn chắt chiu tỏa hương cuối mùa. Sang đông, lá rụng về cội, thân cành khẳng khiu mà vẫn vững chãi giữa cao xanh hút linh khí non thiêng. Đoàn chúng tôi lần bước trên từng bậc đá. Cội tùng tỏa bóng. Những xù xì bạc mốc trên thân là minh chứng cho nước gội thời gian. Cây vẫn đứng đó mấy trăm năm trơ gan cùng tuế nguyệt.

Đứng trong khuôn viên tháp tổ Trần Nhân Tông, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh thắp nén hương thơm dâng lời khấn nguyện. Lời vị thượng tọa trầm ấm giới thiệu với đoàn phật tử về ngôi tháp cổ lưu giữ xá lợi của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Giữa khoảng sân rộng lát đá xanh, tòa tháp nhuốm nét rêu phong. Các tầng tháp xây đơn giản, trên đỉnh có hình búp sen đá. Tháp quay về hướng Nam, bên trong đặt tượng thờ Phật hoàng. Pho tượng tạc theo thế liên hoa tọa, hai tay đang niệm chú. Bệ tượng hoa văn rồng mây, hoa cúc, hoa sen mềm mại, tinh tế, mang đặc điểm phong cách nghệ thuật thời Lê sơ.

 Đoàn du khách thăm viếng tháp tổ Trần Nhân Tông.

Chúng tôi bước trên những thềm bậc đá để lên chùa Hoa Yên, còn được gọi là chùa Cả, tọa lạc trên sườn ngọn núi cao nhất của dãy núi Yên Tử, thuộc cánh cung Đông Triều. Nơi dựng chùa tương truyền là nơi rồng nằm. Thượng tọa Thích Đạo Hiển giảng giải: “Chùa được xây dựng từ thời Lý, ban đầu tên chữ là Vân Yên tự có nghĩa là mây mờ. Ở trên non cao, mây trắng bay qua ngàn ngạt, chùa lúc ẩn lúc hiện mờ ảo trong mây. Khi lên vãn cảnh chùa, Vua Lê Thánh Tông thấy cảnh trí hữu tình, mây kết thành hoa giăng trước thiền môn nên đổi tên thành chùa Hoa Yên. Tên chữ là Hoa Yên tự”. Đứng trước khuôn viên chùa đưa tầm mắt ra xa có thể nhìn toàn cảnh hình sông thế núi điệp trùng tựa trận đồ. Sông sâu núi hiểm tựa thành lũy ngăn bước quân thù. Nơi Đông Bắc phên giậu của Tổ quốc tưởng như vẫn luôn có ánh mắt dõi theo của bậc tiền nhân để “non sông nghìn thuở vững âu vàng”.

Đường lên non cao có hàng cây tùng, trúc tỏa bóng. Những thân tùng cổ vẫn đứng hiên ngang nhuốm linh khí đất trời. Còn hàng trúc xanh nối tiếp truyền đời, ngời lên vẻ đẹp ngay thẳng, thanh bạch, tao nhã. Dòng thiền do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập có tên Trúc Lâm (rừng trúc) ẩn chứa trong đó nhiều triết lý sâu xa.

Trở lại thăm Yên Tử trong một hội thảo khoa học về Quảng Ninh, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam chia sẻ: “Đến Yên Tử là về đất Phật để cảm nhận sâu sắc hơn tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nơi địa linh, núi hùng vẫn luôn hiển hiện hào khí dân tộc, cội nguồn văn hóa. Trong mỗi ngọn núi, thân cây, mái chùa, ngọn tháp đều thấm đẫm tinh thần của bậc tiền nhân lan tỏa để hậu thế tìm về nương náu và cảm nhận những giá trị chất chứa nơi non thiêng Yên Tử”. 

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top