Nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa

09:15 - Thứ Năm, 25/01/2024 Lượt xem: 5283 In bài viết

ĐBP - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai rộng khắp, với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng của các tầng lớp Nhân dân đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Những chuyển biến tích cực

Đến xã Tả Phìn (huyện Tủa Chùa) những ngày đầu tháng 1, chúng tôi được chứng kiến không khí luyện tập văn nghệ hăng say của các chị em trong đội văn nghệ thôn Tả Phìn. Các tiết mục hát, múa dân tộc đặc sắc được dàn dựng để chuẩn bị biểu diễn trong dịp tết Nguyên đán và tham gia trình diễn tại Chợ đêm Tủa Chùa. Theo ông Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Tả Phìn, xã hiện có 9 thôn, với 804 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Mông. Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao có bước phát triển đa dạng, phong phú. Toàn xã hiện có 9 đội văn nghệ, thường xuyên tham gia luyện tập và biểu diễn. Cùng với đó, việc xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện nếp sống văn minh được nhân dân trên địa bàn thực hiện nghiêm túc và có nhiều chuyển biến tích cực. Năm 2023, hơn 63% số hộ đạt gia đình văn hóa; 9/9 thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa.

Năm 2023, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tiếp tục được huyện Tủa Chùa triển khai ở 7 phong trào với 5 nội dung cụ thể. Ban Chỉ đạo phong trào huyện đã hướng dẫn các cơ sở bình chọn và công nhận danh hiệu văn hóa đúng trình tự, bảo đảm công khai, dân chủ, nên số lượng và chất lượng gia đình, tổ, bản, tiểu khu, đơn vị văn hóa ngày càng được nâng lên. Năm 2023, toàn huyện có 8.879 gia đình đạt danh hiệu văn hóa, đạt 74% (tăng 2% so với năm 2022); 110 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu văn hóa, đạt 92% (tăng 2% so với năm 2022); 113 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa, đạt 99%; thị trấn Tủa Chùa duy trì đạt chuẩn văn minh đô thị. 100% đám cưới, đám tang thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Cùng với đẩy mạnh thực hiện các tiêu chí của phong trào, huyện cũng đã dành nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao và nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa thể thao cơ sở.

Tại xã Thanh Chăn (huyện Điện Biên), triển khai phong trào, Ủy ban MTTQ xã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững; thực hiện hiến đất, hiến công xây dựng cơ sở vật chất, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn và chung tay bảo vệ môi trường. Bộ mặt nông thôn mới có nhiều khởi sắc, diện mạo, cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp.

Bà Nguyễn Thị Phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Chăn cho biết: Phong trào thi đua xây dựng môi trường làm việc xanh, sạch, đẹp, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, bài trừ tệ nạn xã hội và mê tín, dị đoan đã được 100% bản, cơ quan, đơn vị trên địa bàn triển khai thực hiện. Các hoạt động bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh nơi công cộng, chung tay phòng chống các tệ nạn xã hội được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng và tích cực tham gia.

Lan tỏa phong trào

Bắt đầu triển khai thực hiện từ năm 2000, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã bao quát nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Triển khai phong trào, công tác chỉ đạo luôn được tỉnh Điện Biên quan tâm, sâu sát, kịp thời, nhất quán từ tỉnh đến cơ sở; xây dựng và thực hiện tốt quy chế làm việc, quy chế phối hợp giữa các cơ quan thành viên để bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất gắn với việc phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức thành viên Ban chỉ đạo các cấp.

Phong trào xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Qua đó, số lượng các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa ngày càng tăng. Năm 2023, toàn tỉnh có 106.692 hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm 77,4%; 1.234 thôn, bản, tổ dân phố đạt danh hiệu thôn, bản, khu dân cư văn hóa, chiếm 85,4%; 13/14 phường, thị trấn đạt danh hiệu phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”, chiếm 92,8%; 1.097 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa, đạt 97%...

Nhiều lễ hội văn hóa hàng năm được duy trì, tổ chức đúng định hướng của Nhà nước và thực sự trở thành ngày hội, mang đậm sắc thái vùng miền, thu hút đông đảo người dân tham gia. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được gìn giữ và phát huy; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, góp phần quan trọng xây dựng và phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của địa phương.

Với những kết quả tích cực được ghi nhận, thời gian tới, tỉnh Điện Biên tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng phong trào; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp về vai trò, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa; phát động và tổ chức tốt phong trào thi đua; khuyến khích mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng, tập thể thực hiện phong trào. Đồng thời, đầu tư, hỗ trợ, bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo phong trào ở các cấp; kinh phí bồi dưỡng nghiệp vụ, khen thưởng các cá nhân, gia đình, tập thể có thành tích xuất sắc; khuyến khích đầu tư xây dựng các cơ sở xã hội hóa về lĩnh vực văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí ở nông thôn. Quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng tổ chức triển khai phong trào cho đội ngũ cán bộ ở cấp huyện và cơ sở.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top