Ký ức về những mùa xuân Việt Bắc

09:57 - Thứ Năm, 25/01/2024 Lượt xem: 7088 In bài viết

Mùa xuân này bà Triệu Mùi Say đã 75 tuổi. Thời gian như bóng câu qua cửa, em bé người Dao ngày nào nay đã trở thành một bà lão. Câu chuyện của bà Say bắt đầu từ mùa xuân năm 1958, cách nay tròn 66 năm...

Xuân về nơi rẻo cao. Ảnh: Lê Việt Khánh

Năm 1958, Triệu Mùi Say cùng chị gái Triệu Mùi Liều nhập học Trường Thiếu nhi vùng cao Khu tự trị Việt Bắc - ngôi trường dân tộc nội trú mới thành lập năm 1957, một năm sau ngày thành lập Khu tự trị Việt Bắc. Say bắt đầu đời sống tập thể, hòa mình cùng khoảng 200 con em các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Lô Lô, Cao Lan... đến từ những bản làng xa xôi ở 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang.

Ngày mới đến trường, Say cũng như nhiều bạn khác nói tiếng Kinh chưa sõi. Đám trẻ 8 - 9 tuổi còn chưa biết tự vệ sinh cá nhân, các cô bảo mẫu phải giúp tắm rửa, gội đầu, giặt quần áo... Rồi Say và các bạn bắt đầu biết xếp hàng tập thể dục, chào cờ; xếp hàng vào bếp ăn cơm; biết gấp chăn màn ngay ngắn như bộ đội; biết cầm cái ca, bát sắt có “xỏ khuyên” để tráng nước sôi trước khi ăn...

Mùa xuân năm 1959, bạn bè Say ai cũng háo hức ngóng Tết sau mấy tháng xa nhà. Nhà trường phát quần áo mới cho các em. Con gái thì áo bông hoa chéo các màu, đồng phục áo hoa, quần đen; con trai thì áo bông chéo xanh, đồng phục áo trắng, quần xanh. Thật bất ngờ là những món quà của các bạn thiếu nhi Cộng hòa Dân chủ Đức gửi tặng cũng kịp chuyển đến. Con gái được nhận váy, tất, nơ buộc tóc, búp bê; con trai thì quần áo, bóng chuyền... Hôm trường cho nghỉ Tết, mỗi học sinh được phát thêm một hộp mứt và một cái bánh chưng vuông để mang về nhà. Lần đầu tiên Say biết đến hộp mứt với hình vẽ cành đào mùa xuân và những con chim én giang cánh bay, từ đó tỏa ra mùi hương ngọt ngào của va ni, bên trong là những viên lạc bọc đường, mứt bí trắng, cà rốt đỏ, mứt gừng cay... Và đây cũng là lần đầu tiên Say biết đến chiếc bánh chưng vuông của người miền xuôi có nhân thịt và đỗ xanh giã nhuyễn, thơm mùi hạt tiêu, khác với bánh chưng gù, bánh chưng dài, bánh gio... của đồng bào vùng cao.

Nhà trường bố trí ô tô đưa học sinh về ăn Tết và hẹn đón các em quay về trường sau dịp nghỉ. Không khí thật nhộn nhịp. Đám trẻ ở tỉnh xa được ưu tiên đi trước. Xe chuyển bánh, tiếng reo hò vang lên: “Về ăn Tết vui nhé!”, “Hẹn gặp lại sau Tết nhé!”... Và đây cũng lần đầu tiên bé Say có được số tiền 1 đồng rưỡi trong túi. Hôm ấy Say tự mua cái bánh giầy to bằng miệng bát ăn cơm và nửa khoanh giò về làm quà cho gia đình, mà chỉ hết có một hào. Kỷ niệm ấy làm Say nhớ mãi.

Ở quê Say, ngày 26 tháng Chạp là phiên chợ Tết. Người Kinh bán thịt lợn, các loại quần áo mới, hương nén, húng lìu, hạt tiêu, nước mắm... Người Tày, Nùng bán hương đen, vải chàm, bánh khảo, khẩu sli, đường phên, đường mật... Người Dao bán nong nia dần sàng, mật ong, hương trầm... Nhiều người mang lợn gà, bánh chưng, bánh giầy, lá dong, rau quả các loại, kẹo vừng, kẹo lạc... đến chợ bán để có tiền sắm Tết. Bọn trẻ náo nức quanh người lớn, sung sướng vì được đi chơi chợ Tết.

Những ngày Tết qua đi nhanh chóng. Say và các bạn quay lại trường, ngoài học tập, vui chơi thì còn được giao việc phù hợp để tăng gia sản xuất. Các anh chị lớn cuốc đất trồng rau, những em nhỏ tuổi thì gom thức ăn thừa để nuôi lợn. Năm 1960, trường nuôi được con lợn giống Yorkshine trắng hồng, to hơn một tạ. Dù còn nhỏ nhưng Say vẫn nhớ lời thầy cô dặn: “Trong khi các bạn cùng trang lứa còn vất vả, ăn đói, mặc rét, các em được đến trường nội trú, được học chữ, được ăn no, mặc lành là sự may mắn, là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của Đảng, Chính phủ và đồng bào các dân tộc, nên mỗi em phải nỗ lực học tập, phấn đấu, rèn luyện để có ích cho xã hội”.

Ngày 13-3-1960, nhà trường thông báo hôm nay sẽ có khách. Say và các bạn không ngờ rằng vị khách ấy chính là Bác Hồ. Khi Bác đến, đám trẻ hò reo: “Bác Hồ! Bác Hồ!” và ùa đến bên Người. Say được đứng gần Bác. Trong tấm ảnh quý chụp cùng Bác còn có các anh chị, các bạn Triệu Thị Tặng, Đặng Văn Lâm, Triệu Thị Lưu, Đào Thị Lý, Đào Minh Thanh... Hôm ấy Bác đi thăm trường lớp, thăm nhà bếp, thăm khu tăng gia... Bác khen trường nuôi được con lợn to, trồng được nhiều rau tốt, trường lớp sạch đẹp và căn dặn thầy trò phải đoàn kết, thi đua dạy và học, cố gắng tăng gia để cải thiện bếp ăn, đảm bảo sức khỏe... Chị Đào Thị Lý bắt nhịp cho cả trường hát bài “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Bác bắt nhịp cho cả trường hát bài “Kết đoàn”...

Nhờ chăm chỉ, nỗ lực nên cô bé Say được trường chọn vào nhóm học sinh 2 năm học 3 lớp. Năm 1958 mới học vỡ lòng, nhưng năm 1960 sau khi đón Bác, Say đã thi hết lớp 4. Mùa hè năm 1963, học xong lớp 6, Say được trường cử đi trại hè quốc tế Artek bên bờ Biển Đen (thuộc Liên Xô cũ) cùng 9 bạn người Kinh đến từ các nơi trong nước. Trong 2 tháng dự trại hè, Say và các bạn được đến thủ đô Mátxcơva, viếng Lăng Lênin, tham quan Hồng trường, gặp các nhà du hành vũ trụ... Trên hành trình đi tàu liên vận quốc tế, các em còn được ghé thăm Bắc Kinh, tham quan quảng trường Thiên An Môn, Cố cung...

Do Trường Thiếu nhi vùng cao Khu tự trị Việt Bắc không có cấp 3 nên năm 1964, học hết cấp 2 Say cùng các bạn được “gửi” sang Trường Bổ túc Công nông để bắt đầu một chặng đường mới. Đây cũng là những năm tháng cực kỳ gian khó khi cả nước phải đương đầu với cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ I của đế quốc Mỹ. Đến kỳ nghỉ Tết thì các thầy cô đều vô cùng lo lắng, bởi đường về nhà của các em là cả một chặng hiểm nguy khi máy bay Mỹ đánh phá khắp nơi. Khác với những năm học cấp 1, cấp 2 được ô tô đưa về tận huyện nhà thì Tết này Say và các bạn phải cuốc bộ từ Chợ Mới, Bắc Kạn về Thái Nguyên.

Tết năm 1965, làng bản nghèo xác xơ nhưng người trong bản vẫn diện bộ đẹp nhất để đi chơi chợ, sắm Tết ở phiên chợ chiều Đình Cả. Dẫu chiến tranh, bom đạn nhưng phiên chợ vẫn chứa đựng niềm vui như nó vốn thế...

Sau khi tốt nghiệp lớp 10 năm 1967, Triệu Mùi Say trở thành cán bộ Đài Phát thanh Khu tự trị Việt Bắc, làm công việc biên dịch, phát thanh viên tiếng Dao, rồi biên tập viên, phóng viên buổi phát thanh tiếng Mèo - Dao. Đó cũng là những năm tháng máy bay Mỹ đánh phá ác liệt. Đài phải sơ tán vào rừng, phóng viên đi công tác phải địu con, đeo máy thu, đạp xe hàng chục cây số... Để đảm bảo chương trình phát thanh phục vụ đồng bào đón Tết, công nhân bá âm, phóng viên, phát thanh viên phải làm ngày làm đêm.

Sau gần 10 năm công tác ở Đài, Triệu Mùi Say thi đỗ vào lớp Đại học Báo chí khóa 2 (1975 - 1979) của Trường Tuyên huấn Trung ương. Đất phố giữ chân người, sau khi tốt nghiệp bà ở lại Thủ đô vừa làm báo, vừa làm công tác xuất bản, biên tập và biên dịch sách song ngữ (Tày, Nùng, Mông, Dao, Thái) ở Nhà xuất bản Văn hóa rồi Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc... Năm 1997, bà chuyển sang công tác tại Ủy ban Dân tộc, năm 1998 được bổ nhiệm Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc rồi nghỉ hưu năm 2004.

Tết đến xuân về, diện bộ trang phục người Dao, bà Triệu Mùi Say lại rưng rưng với ký ức về một thời thanh xuân nơi núi rừng Việt Bắc.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top