Đưa tri thức phù hợp với nhu cầu của cơ sở

16:14 - Thứ Hai, 29/01/2024 Lượt xem: 5127 In bài viết

Từ năm 2009 đến nay, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương cùng các địa phương đã triển khai Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (viết tắt là Đề án) và đạt được những thành công nhất định.

Mục tiêu của Đề án trong thời gian tới là tiếp tục đa dạng nội dung, phù hợp với cơ sở, tăng cường sách điện tử, thu hút thêm người đọc. 

Thành quả 15 năm đưa sách về cơ sở

Trải qua 15 năm, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố 593 đầu sách (bao gồm cả đĩa CD-ROM, CD Audio), với tổng số hơn 14,4 triệu bản in. Trang thư viện điện tử của Đề án (thuviencoso.vn) được xây dựng từ đầu năm 2020, số hóa hơn 400 đầu sách. Những cuốn sách đa dạng về đề tài như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, mặt trận và các tổ chức đoàn thể; phổ biến kiến thức chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa-xã hội, khoa học kỹ thuật...

Hiệu quả của Đề án được thể hiện thông qua các con số khảo sát: Hơn 75% số cán bộ được hỏi đều đã tiếp cận với các thể loại sách của Đề án; hơn 50% số cán bộ được hỏi đánh giá chất lượng nội dung và hình thức sản phẩm Đề án là tương đối tốt... Các địa phương khi tiếp nhận sách đã phân chia hợp lý theo đối tượng người đọc. Đối với những sách công cụ phục vụ cán bộ, công chức được giữ lại tại trụ sở; những sách phổ biến pháp luật, khoa học thường thức, khuyến nông... được đưa về nhà văn hóa, trung tâm học tập cộng đồng để phục vụ nhân dân. Ở một số địa phương xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình phát huy giá trị tủ sách cơ sở như: Hội thi tìm hiểu sách Đề án, mô hình “Điểm sáng pháp luật” đưa sách pháp luật đến doanh nghiệp và các địa điểm công cộng, vận động tặng sách để tủ sách cơ sở thêm phong phú... Tiêu biểu là TP Hồ Chí Minh, toàn thành phố có 1.758 tủ sách cơ sở với 13.921 đầu sách; với nhiều cách làm sáng tạo đã thu hút hơn 1 triệu lượt người đọc.

Người dân thôn Đông, xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc đọc các sách thuộc Đề án. Ảnh do Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật cung cấp 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai, tổ chức thực hiện Đề án vẫn còn một số khó khăn, hạn chế, nổi lên là: Chủ trương tinh giản biên chế, thu gọn đầu mối, nhiều thư viện cấp huyện, cấp xã tiếp tục bị sáp nhập, thậm chí xóa bỏ. Loại hình thư viện, tủ sách, phòng đọc cộng đồng do chính quyền xã quản lý bị cắt kinh phí từ ngân sách, chuyển giao cho cộng đồng quản lý, cơ bản rất khó tồn tại. Ngoài ra còn sự thiếu chủ động trong khai thác, sử dụng, lan tỏa sách; ở nhiều nơi cơ sở vật chất chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu trang thiết bị phục vụ người đọc...

Tiếp tục nâng cao chất lượng Đề án

Để giải quyết những khó khăn, bất cập trong triển khai Đề án, theo bà Nguyễn Hoài Anh, Phó giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật: Cần nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách, mở rộng, tăng cường số lượng và đề tài sách cấp phát cho các địa phương; đầu tư kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ người đọc; thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố; tăng cường công tác truyền thông trên các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội nhằm giới thiệu mục đích, ý nghĩa của Đề án, những mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở cơ sở; khen thưởng, biểu dương các mô hình hay, cách làm thiết thực, hiệu quả góp phần lan tỏa sức hút của Đề án tới cộng đồng.

Đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, chuyển đổi số trở thành một xu thế tất yếu; bên cạnh nhu cầu sử dụng sách giấy truyền thống, cán bộ và nhân dân ở cơ sở còn muốn tiếp cận những sản phẩm của xuất bản số như: Tiếp cận và đọc sách trên internet, mạng xã hội; đọc sách trên các ứng dụng phần mềm... Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Cần tập trung chú trọng đa dạng hóa các phương thức xuất bản, tăng cường phương thức xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên các nền tảng số. Đề án cần xuất bản thêm nhiều đầu sách nói, sách hình ảnh, sách đa phương tiện bằng nhiều thứ tiếng phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến cho cán bộ, các tầng lớp nhân dân ở cơ sở, phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số.

Điều quan trọng nhất để Đề án tiếp tục phát huy mục đích xuyên suốt vẫn là cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung các tài liệu của Đề án. Cấp ủy, chính quyền nhiều địa phương kiến nghị: Ban chỉ đạo Đề án nên thường xuyên tổ chức đoàn công tác đi nắm tình hình thực tế tại địa phương để tìm hiểu xem người dân cần đọc sách về lĩnh vực nào, từ đó mới có thể biên soạn những cuốn sách mới có nội dung phù hợp với thị hiếu, trình độ của nhân dân, cán bộ; hạn chế tối đa việc rút gọn những cuốn sách có nội dung không phù hợp.

Theo QĐND
Bình luận

Tin khác

Back To Top