Cuộc sống qua ảnh
ĐBP - Đối với nhiều người, nhắc tới Tây Bắc dịp gần xuân sẽ nghĩ ngay đến vùng cao mây mù che phủ. Cùng với đó là nền ẩm thực đậm đà bản sắc lâu đời của người dân vùng cao. Trong đó thịt trâu, thịt lợn… gác bếp có lẽ là nổi tiếng và đặc biệt hơn cả.
Trâu, lợn gác bếp hay còn gọi là thịt khô là món ăn đậm chất truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc, mỗi dân tộc đều có cách tẩm ướp, nêm nếm gia vị riêng. Về hình thức thì gần như nhau, đều tẩm ướp gia vị, gác bếp chờ thịt khô rồi sử dụng.
Điểm chung của thịt gác bếp là để được lâu, từng thớ thịt được tẩm ướp gia vị, bề ngoài màu sẫm khi xé hiện từng thớ thịt đỏ au, đỏ đậm đượm vị. Rất khó để có thể nói thịt gác bếp của riêng dân tộc nào, về hình thức có thể khác một vài điểm nhưng nội dung thì tương tự như nhau.
Trải qua quá trình phát triển, thịt khô gác bếp không chỉ phản ánh đời sống lao động sản xuất của vùng đồng bào dân tộc. Dần dà thịt gác bếp trở thành đặc sản, là món ăn không thể thiếu trong mâm cơm mời khách, là sự đặc trưng của nền ẩm thực Tây Bắc đặc biệt khi tết đến xuân về.
Mỗi dân tộc ở Tây Bắc đều có những cách làm thịt khô khác nhau, ngon ngọt đượm vị thịt thì có dân tộc Dao, cầu kỳ nhiều gia vị hòa quyện trong miệng thì có dân tộc Thái, đơn giản để ăn ngay hoặc chế biến lại thì có dân tộc Mông… Mỗi dân tộc đều có cách chế biến khác nhau, cùng một món những có những biến tấu tạo sự đặc trưng khó lẫn lộn của từng dân tộc. Tới bản vùng cao, hòa cùng không khí vui xuân trăm hoa đua nở là sự rộn ràng của từng nóc bếp, mái nhà, hòa quyện khói lam chiều là từng đợt hương thoang thoảng mùi mắc khén, mùi hạt dổi, sự ngon ngọt, cay nóng đượm vị của từng thớ thịt dày được treo trên than đỏ hồng… Tất cả đều tạo nên sự riêng biệt đượm vị xuân Tây Bắc.