Hiểu về cội nguồn và văn hóa qua “Nếp cũ”

08:59 - Thứ Ba, 20/02/2024 Lượt xem: 5676 In bài viết

Đã có nhiều cuốn sách viết về phong tục, tín ngưỡng, văn hóa, con người Việt Nam, và “Nếp cũ” của nhà nghiên cứu văn hóa Toan Ánh là một trong số ít những bộ sách phong phú và có hệ thống hơn cả.

Cho đến nay, bộ sách đã được tái bản nhiều lần và một trong những lý do để in lại, theo NXB Trẻ, là nhằm cung cấp cho người đọc những hiểu biết cần thiết về cội nguồn của dân tộc, về những phong tục tập quán, lễ nghĩa phong hóa xưa nay của ông cha ta. Qua đó biết được những điều tốt đẹp, nhận chân giá trị đích thực những gì thuộc về văn hóa cổ truyền, những cái hay, cái lạ của ông cha từ thời mở nước và giữ nước.

Nhà nghiên cứu Toan Ánh cho rằng: “Gia đình là nền tảng của xã hội, có gia đình mới có xã hội, nhất là gia đình Việt Nam lại càng là một nền tảng vững chắc của xã hội Việt Nam. Khảo xét về phong tục Việt Nam, phải bắt đầu từ gia đình Việt Nam với những tục lệ đã chi phối gia đình: Sinh - tử - giá thú, để dần dần đi tới phong tục về xã hội”. Trên gia đình còn có gia tộc. Nếu gia đình là một bụi cây nhỏ thì gia tộc là cả một khóm rừng, khóm rừng che chở cho bụi cây, nhưng bụi cây dù nhỏ cũng góp phần làm cho khóm rừng thêm rậm rạp. Muốn biết khóm rừng phải đi từ bụi cây, muốn hiểu xã hội phải đi từ gia đình. Vì lẽ đó, “Con người Việt Nam” nên là cuốn sách được đọc “khởi động” của bộ sách “Nếp cũ”, qua những trang viết được tác giả nghiên cứu tỉ mỉ, từ “những người thân thuộc trong nhà là những ai” đến việc hôn nhân, sinh con, nuôi con, thi cử, nhà cửa, tang lễ của không chỉ người dân thường mà còn của các vị đế vương, của một số đồng bào dân tộc ít người.

Sau cuốn “Con người Việt Nam”, người đọc có thể tìm đến đề tài mình quan tâm trong “Nếp cũ” qua “Tín ngưỡng Việt Nam”, “Làng xóm Việt Nam”, “Hội hè đình đám”, “Cầm kì thi họa”, “Hương nước hồn quê”, “Bó hoa Bắc Việt - Thú vui tao nhã”... Ở đó, khi thì tác giả giới thiệu và phân tích những đặc trưng của thú vui tiêu khiển dân gian của người Việt ở một số địa phương được hình thành do hoàn cảnh địa lý thời tiết, lúc gửi đến người đọc những giá trị tinh thần của người Việt xưa thông qua 4 hình thức là chơi đàn - đánh cờ - làm thơ - vẽ. Ở đó, tác giả viết về những phong tục tập quán và nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt phụ nữ Đồng bằng Bắc Bộ.

Nhà nghiên cứu cũng đưa độc giả đến với nhiều hội hè đình đám mang đậm dân tộc tính, công phu sưu tầm và trình bày rõ ràng, mạch lạc, dễ nhớ về các tôn giáo với những nghi thức thờ phụng của các tín ngưỡng dân gian. Cùng với việc cung cấp hiểu biết về tổ chức làng xóm xưa của Việt Nam, từ cổng làng, đình làng, đường làng, cây đa đầu làng, lũy tre làng, cánh đồng làng, chợ làng... - những hình ảnh này có thể đã dần dần mất đi - để lưu giữ những hình ảnh, kiến thức về những ký ức đã tạo nên tâm thức, con người Việt Nam, tác giả cũng sưu tầm và giới thiệu nhiều bài ca dao, tục ngữ, thơ... với mong muốn giúp ích được phần nào trong việc duy trì những áng văn chương để góp phần vào việc phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bộ sách “Nếp cũ” do NXB Trẻ ấn hành. Ở phiên bản mới nhất, bộ sách được thiết kế theo phong cách cổ kính, đồng bộ cùng nội dung đem đến giá trị sưu tầm cao cho những độc giả yêu thích mảng đề tài văn hóa.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top