Viết báo giữa ‘chảo lửa’ Điện Biên: Bài ca chiến thắng từ những trận đánh kiên cường

07:36 - Thứ Tư, 13/03/2024 Lượt xem: 4995 In bài viết

Trong lịch sử báo chí Cách mạng Việt Nam lần đầu tiên có một tờ báo tổ chức xuất bản tại chiến trường, phát hành tại chiến trường. Đây là tờ báo của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường và sự sáng tạo của những người làm báo Việt Nam.

Phát hành ngay tại mặt trận trong hoàn cảnh cực kì khó khăn

Báo chí của chúng ta cách đây 70 năm xuất bản trong hoàn cảnh cực kì khó khăn, không có giấy, không có mực in, tất cả các phương tiện in ấn phát hành đều rất thô sơ, thế nhưng Quân ủy Trung ương và Bộ tổng tư lệnh đã sớm nghĩ đến vai trò của tờ báo tại mặt trận Điện Biên Phủ. 

Nếu lúc bấy giờ chỉ xuất bản tờ báo ở hậu phương đóng ở ATK Định Hóa - Thái Nguyên sau đó chuyển lên mặt trận Điện Biên Phủ chắc chắn sẽ không kịp thời, nên Tổng cục Chính trị quyết định tổ chức một "Tòa soạn tiền phương" để vừa thu thập tin tức, tổ chức in ấn rồi phát hành ngay tại mặt trận để kịp thời xuất bản và đáp ứng nhu cầu thông tin tại mặt trận cho các chiến sĩ tham gia chiến dịch.

 

Quyết định cho ra đời Báo Quân đội nhân dân ngay tại mặt trận Điện Biên Phủ của Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Tổng cục Chính trị  lúc bấy giờ là một quyết định độc đáo, sáng tạo và hoàn toàn đúng đắn, nhằm phục vụ đắc lực nhất cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

Với chức năng là "tuyên truyền, cổ động và tổ chức tập thể" tờ báo Quân đội nhân dân được ra đời ngay tại mặt trận mang hơi thở của chiến trường, đã trở thành món ăn tinh thần vô giá đối với bộ đội ta ngay trong điều kiện chiến đấu khó khăn, thiếu thốn và gian khổ nhất.

Chăm lo đời sống tinh thần, giáo dục lòng yêu nước, đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi dưỡng trình độ mọi mặt đến từng cán bộ chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch như: dân công, thanh niên xung phong, lực lượng địa phương...

Những người làm báo trong chiến dịch Điện Biên Phủ vừa là phóng viên mặt trận vừa là người lính chiến đấu thậm chí kiêm luôn cả vai trò phái viên tuyên huấn của bộ tư lệnh chiến dịch.

Lực lượng nòng cốt của tòa soạn giữa lòng chảo Điện Biên chỉ có đúng 5 người. Đó là: Đồng chí Hoàng Xuân Tùy (phụ trách chung), Trần Cư (thư ký tòa soạn), Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp (phóng viên) và họa sĩ Nguyễn Bích.

Cuộc hành quân của tòa soạn lên Điện Biên không kém phần gian lao vất vả so với các chiến sĩ đang chiến đấu. Hành trang nặng, cồng kềnh, ngoài tài liệu đồ nghề và quân tư trang, phóng viên đi chiến dịch còn phải mang theo cả xẻng và súng, mỗi người phải đeo hoặc gánh nặng trung bình 25 kg chủ yếu là các máy móc vật liệu, phụ tùng in và cả quần áo, gạo muối, thức ăn.

Nhưng khó khăn nhất vẫn là máy in - những chiếc máy in lăn tay được cải tiến với giấy in, mực in, các hộp chữ và các phụ tùng máy móc tối thiểu.

Cả một "nhà máy in" lưu động nhỏ hoàn toàn nằm trên vai các chiến sĩ. Họ phải lội suối, trèo đèo, băng rừng vượt núi, bền bỉ, dẻo dai vượt qua những làn mưa  bom bão đạn của quân  thù.

Bộ chỉ huy chiến dịch đi đâu là tòa soạn theo đến đó. Lán của tòa soạn và nhà in nằm bên chân đồi Pu Mạ Hoong, chỉ cách hầm của Tổng Tư lệnh và Chủ nhiệm Chính trị mặt trận một cánh đồng, điều đó giúp Báo Quân đội nhân dân kịp thời nắm chắc diễn biến tình hình, định hướng tốt trong tuyên truyền. Nơi ở và làm việc của tòa soạn được bố trí tạo thành hệ thống liên hoàn bên chân đồi Pu Mạ Hoong.

Sức mạnh của các thể loại báo chí về đề tài chiến tranh được thể hiện mạnh mẽ, hiệu quả hơn khi có sự phối hợp chặt chẽ giữa hậu phương và tòa soạn ngay tại chiến trường với các phóng viên chiến trường hay với cộng tác viên là cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Nhà báo Phạm Phú Bằng cho biết, vì chỉ có 5 người nhưng phải thực hiện tròn khâu để ra số báo nên rất chú trọng sử dụng đội ngũ cộng tác viên là đông đảo cán bộ, chiến sĩ đang trực tiếp chiến đấu, giúp cho tin, bài phong phú về thể loại, ngôn ngữ, giọng văn và sát với cuộc sống.

Những cộng tác viên "ruột" của tờ báo xuất bản nơi chiến trường khi ấy có đồng chí Thép Mới, Trần Đĩnh (báo Nhân dân), Nguyễn Văn Nhất (Đài tiếng nói Việt Nam), Hoàng Tuấn (Thông tấn xã Việt Nam), nhà báo Lê Kim (Trưởng ban Tuyên huấn Trung đoàn 36, Sư đoàn 308)...

Các văn nghệ sĩ có các nhà thơ, nhạc sĩ nổi tiếng: Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Đỗ Nhuận, Mai Văn Hiến, Triệu Đại...

Các nhà báo, nhà thơ, nhà văn, họa sĩ đều có những đóng góp tích cực ghi lại những khoảnh khắc lịch sử hào hùng, phản ánh chân thực, sinh động nhất về diễn biến chiến sự, cuộc sống sinh hoạt, tấm gương chiến đấu... ở Điện Biên Phủ.

Bên cạnh các mảng đề tài chiến tranh mang tính xã luận, chính luận chững chạc, đanh thép, không thể không nhắc đến mảng thơ châm biếm đả kích, tiểu phẩm trào lộng trong các số báo xuất bản giữa mặt trận. Đọng lại trong tâm trí bạn đọc từ những năm tháng ấy phần nhiều chính là các vần thơ đả kích. Theo nhà báo Lê Kim, điều đó không có nghĩa là những câu thơ, câu văn vần này hay hơn, ý nghĩa hơn mà chủ yếu do chúng dễ đọc, dễ thuộc hơn nên tác dụng tuyên truyền cũng lớn hơn. Thơ châm biếm đả kích địch từ đó vừa mang tính văn học vừa phản ánh thực tế nóng hổi, thời sự hàng ngày.

Tranh biếm họa in trong Báo Quân đội Nhân dân xuất bản tại mặt trận.

33 số báo 'anh hùng ca'

Ngày 28/12/1953, số đầu tiên của Báo Quân đội nhân dân tiền phương xuất bản. Tin tức, bài viết, gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ, kinh nghiệm đào hầm, tổ chức hậu cần, các phóng sự điều tra về tình hình sức khỏe bộ đội, vấn đề hậu phương người lính trong cải cách ruộng đất, vấn đề giải quyết tư tưởng sau mỗi trận đánh, những bức thư động viên bộ đội của Bác Hồ, chỉ thị của cấp trên, cùng thơ ca, hò vè, thơ đả kích địch… đã làm cho tờ báo dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của bộ đội và nó đã góp phần đắc lực vào công tác chính trị chiến dịch.

Ngày 11/5/1954, số báo 147 chạy tít lớn tràn trên trang nhất của tờ báo, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam công bố: "Quân ta đã toàn thắng trên mặt trận Điện Biên Phủ". 

Đến ngày 16/5/1954 Tòa soạn tiền phương xuất bản số báo 148 với những bài nhận định thắng lợi, các điện văn chúc mừng bên cạnh bài tường thuật cảnh đầu hàng của hàng ngàn binh lính Pháp tại chiến trường Điện Biên Phủ. Đây là số báo đặc biệt và cũng là số báo cuối cùng của Tòa soạn báo tiền phương trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ với nội dung chủ yếu là mừng chiến thắng.

Báo Quân đội nhân dân trong chiến dịch Điện Biên đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử. Tính đến ngày đó, Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận Điện Biên được tổng cộng 33 số.

Tờ báo của chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định được sự thành công, tính "độc đáo" và "phong phú" của mình.

Thành công bởi nó đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thiêng liêng cao cả là tuyên truyền, cổ vũ tinh thần chiến đấu của bộ đội, dân công tham gia chiến dịch.

"Độc đáo" vì trong suốt các thời kỳ lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc Việt Nam không có tờ báo nào được tổ chức và xuất bản ngay tại mặt trận đạt được thành công và hiệu quả đến vậy.

"Phong phú" vì trên mỗi tờ báo đều đăng tải rất nhiều vấn đề về cộng tác viên, có cả cộng tác viên tại mặt trận, tại hậu phương và thậm chí cộng tác viên là những hàng binh của quân viễn chinh Pháp khi đã được giác ngộ.

Cùng với những nội dung mang tính giáo dục tư tưởng, chính trị, các bài trao đổi kinh nghiệm, phản ánh đời sống, sinh hoạt của bộ đội đã tạo nên ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao sinh hoạt và chiến đấu, tạo nên sức khỏe cả tinh thần và thể chất để chiến đấu hăng hái hơn, hiệu quả hơn.

Báo Quân đội nhân dân tiền phương tại mặt trận Điện Biên Phủ là một tờ báo thành công và độc đáo xứng đáng là "vũ khí đặc biệt" của bộ đội ta, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top