Độc giả trẻ Việt quan tâm văn học Nhật Bản

09:29 - Thứ Sáu, 22/03/2024 Lượt xem: 5416 In bài viết

Không chỉ sách ehon, truyện tranh manga hay hoạt hình anime mới hấp dẫn độc giả Việt Nam, những năm gần đây ngày càng có nhiều người quan tâm hơn đến văn học Nhật Bản. Số lượng đầu sách đến từ “xứ sở mặt trời mọc” được dịch và giới thiệu đến độc giả Việt nhiều và đa dạng hơn.

Ngày càng nhiều các tác phẩm văn học Nhật Bản được giới thiệu đến độc giả Việt Nam.

Nếu trước kia, văn học Nhật được độc giả Việt Nam biết đến với số ít những tác phẩm như “Tiếng rền của núi”, “Núi đồi yên lặng”, “Khu phố không ánh mặt trời”, “Cánh đồng Bansu”, “Khuôn mặt người khác”, “Kim các tự”, “Đèn không hắt bóng”... thì sang thế kỷ XXI, số lượng đầu sách được chuyển ngữ sang tiếng Việt đã tăng vượt bậc. Điều này nhờ vào sự nỗ lực của các đơn vị xuất bản, các đơn vị liên kết trong việc giới thiệu đến độc giả Việt Nam các tác phẩm văn học Nhật ở nhiều thể loại, từ thơ, truyện ngắn đến tiểu thuyết, từ cổ điển đến đương đại, từ các tác phẩm kinh điển đến dòng best-seller...

Theo Tiến sĩ Trần Thị Thục, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, những năm gần đây việc dịch văn học Nhật ngày càng được đẩy mạnh, trong đó có cả một dòng tiểu thuyết trinh thám Nhật được đông đảo độc giả Việt yêu thích.

Một lý do khác không thể không kể đến là niềm yêu thích văn hóa Nhật thông qua truyện tranh. Đã có một quãng thời gian rất dài, nhiều thế hệ độc giả Việt lớn lên với truyện tranh manga Nhật Bản. Văn hóa Nhật đã trở thành niềm yêu thích và mong muốn khám phá, từ đó các tác phẩm văn học trở thành một kênh tiếp cận và tìm hiểu văn hóa Nhật của độc giả Việt.

“Rừng Nauy” của Murakami đến với độc giả Việt lần đầu tiên vào năm 1997, nhưng phải ở lần xuất hiện thứ hai năm 2006, tác phẩm này mới thực sự trở thành “cú nổ” ở thị trường xuất bản Việt. Dẫu gây ra nhiều tranh cãi, bàn luận xoay quanh nội dung tác phẩm nhưng “Rừng Nauy” vẫn trở thành điểm “khởi động” cho trào lưu văn học Nhật trong cộng đồng độc giả trẻ Việt Nam.

Sau “Rừng Nauy”, một loạt các tác phẩm khác của Murakami “hạ cánh” xuống thị trường xuất bản Việt như “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời”, "Kafka bên bờ biển", "Người tình Sputnik", “Ngầm”, “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ", “Tazaki Tsukuru không màu và những năm tháng hành hương”...

Và kể từ đó, độc giả Việt đã được gặp hàng loạt tác giả Nhật như Ichikawa Takuji với “Em sẽ đến cùng cơn mưa”, “Tôi vẫn nghe tiếng em thầm gọi”, “Thế giới kết thúc dịu dàng đến thế”, “Nếu gặp người ấy cho tôi gửi lời chào”, “Nơi tôi quay về có em đứng đợi”...; Kazumi Yumoto với “Khu vườn mùa hạ”, “Mùa thu của cây dương”, “Organ mùa xuân”...; Higashino Keigo với “Phía sau nghi can X”, “Điều kỳ diệu của tiệm tạp hóa Namiya”, “Hoa mộng ảo”, “Bạch dạ hành”...; Banana Yoshimoto với “Say ngủ”, “Vĩnh biệt Tsugumi”, “Nắp biển”, “Hồ”...; Kaori Ekuni với “Tháp Tokyo”, “Lấp lánh”, “Hoàng hôn rơi xuống”...; Mitsuyo Kakuta với “Tôi bị bố bắt cóc”, “Bản năng”...

Đặc biệt, với sự “vào cuộc” của một số đơn vị liên kết được độc giả trẻ tín nhiệm như Nhã Nam, Tao Đàn, Phương Nam books, Đinh Tị books nhiều tác phẩm nổi tiếng, tác phẩm kinh điển của văn học Nhật Bản đã được xuất bản, tái bản.

Có thể kể đến như “Ngàn cánh hạc”, “Xứ tuyết”, “Cố đô”, “Đẹp và buồn”... của Kawabata Yasunari; “Kim các tự” của Mishima Yukio, “Tàn ngày để lại”, “Một họa sĩ phù thế”, “Cảnh đồi mờ xám”... của Kazuo Ishiguro; “Một mùa thơ dại” của Higuchi Ichiyo”; “Gối đầu lên cỏ”, “Nỗi lòng”, “Sanshiro”... của Natsume Soseki; “Thất lạc cõi người”, “Tà dương”, “Chiếc hộp Pandora”... của Dazai Osamu; “Người đàn bà trong cồn cát”, “Khuôn mặt người khác”... của Kobo Abe.

Dịch giả Đỗ Hương Giang, giáo viên Trường THCS Chu Văn An chia sẻ: “Trong những cuốn sách tôi đã dịch cho Tao Đàn thì cuốn “Sanshiro” của Natsume Soseki và “Chiếc hộp Pandora” của Dazai Osamu đặc biệt được các học sinh đón nhận. Nhân vật chính của hai cuốn tiểu thuyết này hấp dẫn các em bởi đặc điểm tâm sinh lý khá tương đồng: Một tuổi trẻ đầy hoang mang trước xã hội giao thời, một trái tim trong sáng ngơ ngác trong tình yêu, những khát khao dựng xây hay là những câu hỏi đặt ra cho chính mình mà chưa tìm được câu trả lời “tôi là ai”, “bạn là ai”, “tôi đang ở đâu”, “tôi đang làm gì”. Hiện nay học sinh lứa tuổi 13 - 15 vẫn rất thích đọc truyện tranh. Ngoài dòng trinh thám và hành động thì các em bắt đầu thích đọc dòng truyện tranh ngôn tình. Tuy nhiên khi giới thiệu những cuốn sách kinh điển thì các em cũng rất hào hứng và đọc say mê. Đó như là một luồng gió mới góp phần định hướng và hình thành văn hóa đọc, thẩm mỹ cảm thụ cho các em”.

Theo dịch giả Đỗ Hương Giang, tại Việt Nam, lượng học sinh, học viên theo học tiếng Nhật hiện cũng khá đông đảo. Đó chính là những điều kiện thuận lợi để văn học Nhật dễ dàng tiếp cận bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu, khi lớp trẻ sẵn sàng đón nhận lối viết tri thức kén người đọc trong nhiều tác phẩm văn học Nhật thì đó dấu hiệu đáng mừng.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top