Hồ Tây - báu vật cần sớm được vinh danh

09:54 - Thứ Tư, 27/03/2024 Lượt xem: 5594 In bài viết

Câu hỏi ấy cứ xoáy vào tâm trí tôi mỗi lần ngang qua danh thắng Hồ Tây. “Tây Hồ chân cá thị Tây Thi” (Hồ Tây đích thị nàng Tây Thi, một người đẹp nổi tiếng muôn đời của Trung Hoa và Á Đông) mà danh sĩ Cao Bá Quát đã ví von độc đáo, nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được vinh danh ở tầm quốc gia và thế giới. Trong khi đó, theo nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu, Hồ Tây thừa sức là một danh thắng cấp quốc gia và là di sản thiên nhiên thế giới.

Nhiều người tỏ ra rất ngạc nhiên, là đến nay Hồ Tây chưa phải là danh thắng quốc gia, được bảo vệ bằng khuôn khổ pháp lý về di sản văn hóa. Cách ứng xử với Hồ Tây như vậy rất cần được soi xét lại, nếu không sẽ có lỗi với tiền nhân.

Lắng hồn núi sông...

Nói không ngoa, Hồ Tây đích thị là một pho sử sống động. Là một danh thắng tuyệt nhãn không chỉ riêng của Hà Nội. Viết về Hồ Tây đã có hẳn chồng sách cao đến đầu người thể hiện dưới nhiều chiều cạnh khác nhau, từ lịch sử, văn hóa, thiên nhiên cho đến văn chương, thơ phú, hội họa… Cố GS Trần Quốc Vượng đã từng nhìn nhận: “Tây Hồ: mặt gương của Hà Nội, lá phổi của Long Thành. Tấm gương lớn trên dưới 500ha ấy, với bề dày bốn nghìn năm lịch sử, đã lắng hồn non sông Hà Nội, đọng lại và xếp lớp biết bao huyền thoại, thơ ca…”.

Còn nhớ, trong thiên bút ký nổi tiếng về “Hồ Tây”, cố nhà văn Tô Hoài cứ láy đi láy lại nhiều lần với câu thơ cổ nổi tiếng của Chương lĩnh hầu Nguyễn Huy Lượng thời Tây Sơn: Lạ cảnh thay Tây Hồ! Lạ cảnh thay Tây Hồ!, rồi ông suy ngẫm: “Không bao giờ, biết ai mà có thể nói hết được về cái đẹp Hồ Tây - tôi ngỡ thế. Từ ngàn xưa tới nay. Lại nữa, hôm nay trong xây dựng Hà Nội đương đẩy nhanh thời gian chỉ lọt vòng một tháng đã bao nhiêu cái mới chồng chất, bề bộn. Những việc, những công trình chưa khi nào có, cứ ngày ngày hiện ra quanh vùng nước mênh mang, mà sóng nổi, sương mù dịu dàng mùa thu bao phủ. Ai tha thiết với Hà Nội mà không bồi hồi, mỗi lần đến với hồ lại thấy mình như có lỗi với chính mình. Những điều đã trông thấy mà nghĩ lại thật cũng chưa thấm vào đâu… Lạ thay cảnh Tây Hồ…”. Nhà văn người Hà Nội sao “lại thấy mình như có lỗi với chính mình”, phải chăng ông chưa làm toát lên được vẻ đẹp vô cùng tận của Hồ Tây hay còn một nguyên do nào khác nữa? Ý tứ đó của ông, dù chưa nói thẳng ra song vẫn gây nên nỗi ám ảnh cho đến tận bây giờ.

Là một nhà Hà Nội học, sinh thời nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc đã dành biết bao thời gian suy ngẫm để rồi cho ra đời cuốn sách nổi tiếng “Mặt gương Tây Hồ”, và được GS Hà Văn Tấn đánh giá: “Mặt gương Tây Hồ” đã cho ta biết về không gian văn hóa qua thời gian văn hóa ở một thắng cảnh của Thăng Long”. Ở lời nói đầu của cuốn sách này, tác giả đã “chốt lại” rằng: “Du lịch quanh Hồ Tây không chỉ để biết không gian văn hóa mà còn được mở rộng cả thời gian văn hóa. Làm một vòng quanh hồ, không chỉ ngắm cảnh hồ đẹp, mây trời đẹp, đình chùa đẹp mà còn là dịp trở về cội nguồn với Lạc Long Quân khi ông diệt hồ tinh, với ông trạng Lê Văn Thịnh và nghi án hóa hổ, với Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài, với Nam Đồng thư xã, một nhà sách tiến bộ vào năm 1926-1927, với bến đò Phú Xá, dải đất đầu tiên của Hà Nội được đón Bác Hồ…”.

Hồ Tây đậm đặc giá trị là vậy nhưng ai nào biết ở nơi đó vẫn đang hoàn toàn vắng bóng sự tôn vinh của thế hệ hôm nay. Cái tặc lưỡi, “cơm chưa ăn gạo còn đó”, vội gì, như một cách lý giải hoặc thoái thác trách nhiệm. Cách đây 10 năm, tôi tham dự cuộc hội thảo “Bảo tồn, phát triển và phát huy giá trị Hồ Tây - danh thắng quốc gia” do Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với UBND quận Tây Hồ, Hội Xây dựng Hà Nội và các sở: Văn hóa - Thể thao, Xây dựng, Quy hoạch - Kiến trúc, tổ chức. Cuộc hội thảo thu hút đông đảo giới nghiên cứu, nhà quản lý tham gia. Tại hội thảo này, TS Đào Ngọc Nghiêm, Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội, cho rằng, Hồ Tây là khu vực đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và di sản văn hóa. Nhiều đền chùa còn được bảo tồn đến ngày nay như chùa Trấn Quốc, phủ Tây Hồ, đình Quảng Bá, chùa Tảo Sách... Điều đó cho thấy, khu vực này xứng đáng được được làm hồ sơ danh thắng quốc gia.

Ông Phạm Sỹ Liêm, khi đó là Phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cũng cho rằng, Hà Nội gây ấn tượng với du khách không chỉ là “ba sáu phố phường” mà còn là cây xanh, mặt nước. Hồ Tây là danh thắng quý song người dân và du khách không biết mà chỉ thường nói đến hồ Hoàn Kiếm. Nêu ví dụ, Trung Quốc có Tây Hồ ở thành phố Hàng Châu đã được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, mang lại doanh thu trên 1 tỉ nhân dân tệ cho ngành du lịch, ông Liêm đề nghị Hà Nội cần phấn đấu để Hồ Tây không chỉ là danh thắng quốc gia mà còn là danh thắng thế giới.

Cũng có mặt tại hội thảo này, ông Trương Minh Tiến, lúc đó là Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội đã nhất trí với ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời cho biết Sở đồng thuận cao với việc đề xuất xây dựng hồ sơ đưa Hồ Tây là danh thắng quốc gia và trình cấp có thẩm quyền xem xét để có điều kiện bảo tồn, phát huy giá trị danh thắng này tốt hơn. Khi đó ông Tiến cũng nêu cái khó nhất sau khi xếp hạng danh thắng, khu vực một sẽ được bảo vệ nghiêm ngặt, khu vực hai của Hồ Tây sẽ được xây dựng các công trình nhằm tôn tạo, phát huy giá trị. Song đời sống dân sinh vẫn diễn ra hàng ngày nên khu danh thắng này sẽ phải quản lý như mô hình một di sản sống. Sau cuộc hội thảo với hơn 30 bản tham luận, nhiều nhà nghiên cứu tiếp tục đề xuất với Hà Nội cần nhanh chóng xây dựng hồ sơ trình cấp thẩm quyền công nhận Hồ Tây là danh thắng quốc gia. Thế nhưng mọi việc mãi không thể chuyển động.

Xung quanh Hồ Tây hiện có rất nhiều di tích lịch sử.

Đầu tư để Hồ Tây xứng tầm danh thắng quốc gia

Mới đây nhất, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ về tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020-2023; nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024-2025 và những năm tiếp theo trên địa bàn quận Tây Hồ.

Kết luận về buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: “Quan điểm là bằng mọi giá phải lưu giữ, bảo tồn và phát huy toàn diện những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây”, đồng thời đồng ý chuyển giao việc quản lý Hồ Tây về quận Tây Hồ thay vì 8 Sở, ngành cùng quản lý như trước đây. Cùng với đó, các Sở, ngành cần chung tay cùng quận Tây Hồ quản lý Hồ Tây theo chức năng nhiệm vụ để địa danh này thực sự phát triển, trở thành một điểm đến văn hóa, du lịch tiêu biểu của Thủ đô. Bí thư Thành ủy giao quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành xây dựng đề án cụ thể để khai thác hiệu quả những tiềm năng, giá trị của Hồ Tây và vùng phụ cận. Khi triển khai thực hiện, lưu ý sự chung tay, chung sức của các Sở, ban, ngành thành phố trong việc hỗ trợ tích cực để cùng quận hoàn thiện và thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy những giá trị của hồ Tây và vùng phụ cận.

Tín hiệu rất đáng mừng là, từ sự chỉ đạo của người đứng đầu Hà Nội, Hồ Tây - tâm điểm của một vùng linh địa- là “báu vật” của quốc gia sẽ được các cấp, các ngành quan tâm một cách thật sự theo hướng đẩy nhanh việc xây dựng hồ sơ khoa học, trình cấp thẩm quyền xem xét, công nhận là danh thắng quốc gia. Tuy nhiên, dư luận cũng có lý khi lo ngại rằng “Hà Nội không vội được đâu”, vì công việc ở Hà Nội “nhiều như nước sông Hồng” cộng với thái độ làm việc cẩn trọng và việc lập hồ sơ xếp hạng cũng chưa thuộc diện phải gấp gáp, “nước sôi lửa bỏng” nên cứ từ từ…

Hơn nữa, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tại cuộc họp với Quận ủy Tây Hồ, có lẽ lần đầu tiên dư luận báo chí và xã hội mới biết được thông tin, với một Hồ Tây rộng chỉ trên 500ha mà có đến 8 Sở, ngành cùng tham gia quản lý. Như vậy, biểu hiện tình trạng “cha chung không ai khóc” trong quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Hồ Tây không phải là không có. Trong triết lý dân gian, hằng số của vấn đề này vẫn được lặp lại qua câu nói chan chứa sự quanh co, rằng “Đi đâu mà vội mà vàng…”.

Một lẽ nữa khiến ai cũng đau đáu là trong “chương trình hành động” của Ban quản lý Hồ Tây được đưa ra gần đây, toàn chủ yếu những dịch vụ và dịch vụ vớí “trò chơi bướm lượn”, mà không hề thấy sự tính toán hướng đến xây dựng hồ sơ cho Hồ Tây. Nói cách khác, đọc qua bản hành động của Ban quản lý Hồ Tây người ta chỉ thấy yếu tố dịch vụ, thương mại mà quên đi việc bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị Hồ Tây. Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội đã gọi Hồ Tây là “báu vật”, nhưng tiếc rằng, sự ứng xử qua cách hành động của cơ sở, không thể coi nó là “báu vật”. Hồ Tây, nếu phải quản lý, bảo vệ và phát huy cần dựa trên tảng nền của cái chính là văn hóa, của những giá trị tự thân riêng có, hàm chứa những giá trị tự ngàn xưa. Còn nếu phải là “hành chính” quản lý, Hồ Tây vẫn là Hồ Tây muôn thuở bao đời nay mà thôi.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top