Sức mạnh âm nhạc trong phát triển công nghiệp văn hóa

09:08 - Thứ Sáu, 29/03/2024 Lượt xem: 4745 In bài viết

Tháng 10-2023, Đà Lạt được UNESCO ghi danh Thành phố sáng tạo âm nhạc. Danh hiệu này đi kèm với những cam kết đầu tư nhằm quảng bá, phát triển âm nhạc gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy, việc xây dựng thành công thương hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc có thể mang lại lợi ích to lớn cho địa phương, tạo sinh kế cho người dân và góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa.

Lululola, chương trình biểu diễn thu hút giới trẻ đến với Đà Lạt.

Một Đà Lạt giàu tiềm năng

Tại Đà Lạt, trong tháng 3-2024, những người yêu âm nhạc đã được thưởng thức lễ hội âm nhạc cổ điển "Vietnam Classical Music Festival 2024" (VCMF). Trong 8 ngày hoạt động với 20 chương trình biểu diễn, VCMF quy tụ hơn 100 nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và quốc tế, thu hút gần 30 nghìn khách tham gia. Đây là một trong những hoạt động mang tính điểm nhấn đầu tiên của Đà Lạt sau khi được công nhận danh hiệu Thành phố sáng tạo âm nhạc.

Trước đó, vào cuối năm 2023, Lễ hội âm nhạc quốc tế Hoa Sen SoundFest cũng được tổ chức tại thành phố ngàn hoa thơ mộng với sự xuất hiện của Dàn nhạc giao hưởng quốc tế Bucharest Symphony Orchestra (Romania) cùng với một số nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam... Đó là tín hiệu cho thấy Đà Lạt đang nỗ lực để trở thành một điểm đến hàng đầu về âm nhạc và du lịch. Thành phố cũng đang xây dựng một chiến lược toàn diện, cụ thể, với sự hỗ trợ của chuyên gia trong, ngoài nước, phối hợp với nhiều tổ chức văn hóa cũng như huy động mọi nguồn lực xã hội để kiến tạo hệ sinh thái âm nhạc đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của công chúng.

Đà Lạt là mảnh đất thơ mộng, cảnh sắc thiên nhiên hài hòa, khí hậu trong lành, đặc biệt là có một nền tảng văn hóa, nghệ thuật với kho báu “âm nhạc” được lưu giữ trong đời sống. Âm nhạc từ lâu đã được xem là một yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa và con người Đà Lạt. Một hệ sinh thái với những nhà hát, hội quán, phòng trà âm nhạc không biết từ bao giờ đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của con người nơi đây, trở thành thú vui thanh tao khi khách du lịch dừng chân tại vùng đất này. Lễ hội hoa, Lễ hội cồng chiêng Tây Nguyên, Lễ hội văn hóa trà hằng năm được tổ chức đều đặn. Nhiều nghệ sĩ đã đến và ở lại Đà Lạt, viết về Đà Lạt. Riêng trong lĩnh vực âm nhạc, thống kê cho thấy có tới hơn 300 ca khúc viết về Đà Lạt.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết, Đà Lạt hiện có 278 doanh nghiệp văn hóa với hơn 5.000 lao động, trong đó có 32 doanh nghiệp với 700 lao động hoạt động về âm nhạc. Nơi đây còn có 32 doanh nghiệp tổ chức biểu diễn nghệ thuật, 37 đơn vị dạy nhạc và gần 100 điểm du lịch văn hóa. Nghệ sĩ, người thực hành âm nhạc và các nghệ nhân âm nhạc truyền thống tại 16 CLB văn nghệ cơ sở, CLB cồng chiêng, 55 ca đoàn và 6 không gian sáng tạo hoạt động âm nhạc trong một môi trường khá thuận lợi nhờ có sự hỗ trợ tích cực của cơ quan quản lý nhà nước và sự tài trợ của doanh nghiệp... Tất cả những yếu tố này tạo cho Đà Lạt một bản sắc riêng, là cơ sở để UNESCO vinh danh Đà Lạt là Thành phố sáng tạo âm nhạc.

Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh riêng, Đà Lạt cũng đang gặp phải nhiều thách thức trong việc xây dựng thành phố thành một điểm đến âm nhạc hấp dẫn. Chẳng hạn như về đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp âm nhạc, Đà Lạt chưa có những cơ sở uy tín, chất lượng. Tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm âm nhạc của thành phố vẫn còn hạn chế. Thực tế đó đòi hỏi một sự thay đổi về tư duy trong các nhà quản lý, làm sao đó để nhận diện rõ hơn về lợi ích to lớn nhờ phát triển công nghiệp văn hóa, sáng tạo và tiêu thụ các sản phẩm âm nhạc. Đà Lạt cần ưu tiên đầu tư đồng bộ nhưng có trọng điểm, với sự tham gia của đông đảo người dân vào các hoạt động liên quan đến âm nhạc, có như thế thì vùng đất cao nguyên này mới có thể tạo ra hấp lực mạnh mẽ đối với du khách.

Những thành phố sáng tạo âm nhạc tương lai

Không chỉ Đà Lạt, một số thành phố khác của Việt Nam cũng xem âm nhạc như một đòn bẩy kích cầu du lịch, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Năm 2019, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã phê duyệt kế hoạch tổ chức Lễ hội "Hò dô" (HOZO Festival) tổ chức vào tháng 9 hằng năm, sẵn sàng đầu tư để biến địa phương thành một “Thành phố âm nhạc” đúng nghĩa. Mới qua 3 lần tổ chức, điều đáng mừng là Lễ hội Hò dô thu hút một lượng khách năm sau cao hơn năm trước.

Năm 2023, lễ hội diễn ra từ tháng 9 đến tháng 12 với khung chương trình biểu diễn đa dạng, từ nhạc điện tử (EDM), nhạc Rock tới Rap, Jazz, Pop, nhạc truyền thống..., thu hút hơn 200 nghìn khán giả, vượt mong đợi của Ban tổ chức. Những sự kiện âm nhạc trong khuôn khổ liên hoan mang đến cho khán giả niềm cảm hứng đặc biệt về một sự kiện văn hóa nghệ thuật mới lạ, hấp dẫn mang tầm cỡ quốc tế và gắn với thương hiệu thành phố Hồ Chí Minh.

Tương tự, Thủ đô Hà Nội từ lâu cũng là điểm đến hấp dẫn về âm nhạc. Hiện có 2 lễ hội lớn được tổ chức hằng năm tại Hà Nội, đó là "Gió mùa" (Monsoon Music Festival) diễn ra vào tháng 10 hằng năm, và Hay Glamping Music Festival (Hay fest) thường được tổ chức vào tháng 9. Năm 2023, Monsoon đón 80 nghìn người tham dự, còn Hay fest thu hút 10 nghìn người. Đặc biệt, Lễ hội Monsoon sau 5 năm tổ chức thành công đã được Hà Nội chọn là một trong những chương trình trọng điểm của Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025.

Tại các Thành phố âm nhạc trên thế giới, các lễ hội hay chương trình âm nhạc quy mô lớn luôn được chú trọng đầu tư. Bên cạnh các lễ hội lớn là sự hình thành hệ sinh thái âm nhạc, gồm cơ sở hạ tầng. Các giải thưởng, các doanh nghiệp kinh doanh âm nhạc cũng như một cộng đồng yêu mến âm nhạc và có gu thưởng thức âm nhạc độc đáo. Nhìn từ góc độ đó, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hay Huế, Đà Nẵng, Hội An đều có tiềm năng để phát triển âm nhạc với ý nghĩa như một ngành mũi nhọn tạo ra tính đột phá trong phát triển văn hóa du lịch.

Trên thực tế, Hà Nội trong năm 2023 và đầu năm 2024 là nơi diễn ra rất nhiều sự kiện âm nhạc hoành tráng như chương trình biểu diễn của nhóm nhạc Hàn Quốc Black Pink - thu hút gần 68 nghìn khán giả; đêm diễn của nghệ sĩ Mỹ Kenny G với khoảng 40 nghìn khán giả; các show diễn của Đen Vâu và Mỹ Tâm cũng có số lượng người xem lên tới hàng chục nghìn...

Những năm gần đây, khái niệm “du lịch âm nhạc” bắt đầu xuất hiện thường xuyên hơn, cho thấy một thói quen mới của người yêu âm nhạc trên toàn thế giới. Thay vì ngồi nhà để thưởng thức âm nhạc qua internet, phương tiện nghe nhìn hay mạng xã hội, giới mộ điệu sẵn sàng bỏ tiền đến một vùng đất mới, vừa để nghỉ ngơi, du lịch và vừa để thưởng thức những show ca nhạc quy mô lớn. Ở đó, họ được đắm chìm trong âm nhạc của nghệ sĩ thần tượng và có cơ hội khám phá văn hóa bản địa.

Nhìn vào sự kiện ngôi sao ca nhạc Mỹ Taylor Swift biểu diễn ở Singapore vừa qua, có thể hình dung rằng, việc một thành phố tổ chức thành công các sự kiện âm nhạc lớn có thể thu về lợi nhuận khổng lồ như thế nào. Âm nhạc có thể làm thay đổi diện mạo của một thành phố, mang tới nhiều lợi ích kinh tế, tạo sinh kế cho hàng triệu người dân.

Ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam còn non trẻ, nhưng ngoài Đà Lạt, chúng ta có thể xây dựng mô hình thành phố âm nhạc tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh... Để có được điều đó, cần có một sự thay đổi nhận thức trong quản lý văn hóa ở các địa phương, nhận diện sức mạnh của âm nhạc trong phát triển công nghiệp văn hóa và qua đó, xây dựng các chính sách thiết thực, hiệu quả.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top