Cuộc sống qua ảnh

Tết té nước dân tộc Lào bản Pa Xa Lào

16:01 - Thứ Tư, 10/04/2024 Lượt xem: 11895 In bài viết

ĐBP - Tết té nước (Bun Huột Nặm) - Tết Cổ truyền của dân tộc Lào, tại bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên đã lần đầu tiên được phục dựng với nhiều nghi lễ độc đáo và khác biệt so với cộng đồng dân tộc Lào ở khu vực khác trong tỉnh Điện Biên.

Để có thể thực hiện sự kiện Tết té nước, đầu tiên thầy mo sẽ thực hiện nghi thức cúng lễ Khăm Bản. Thời gian tổ chức cúng sẽ được già làng, thầy mo họp bàn thống nhất, thông thường sẽ trước một ngày của hội té nước. Lễ Khăm Bản là nghi thức mời chủ đất (tương tự như thổ công, là người đầu tiên khai phá, lập bản Pa Xa Lào), thần linh cư ngụ cai quản bản làng về dự lễ, đồng thời thông báo, xin phép được tổ chức Tết té nước.

Sau khi đã được chủ đất, thần linh cho phép, dân bản sẽ tiến hành chuẩn bị các lễ vật cho ngày Tết té nước. Các lễ vật đa số là bánh kẹo, hoa quả, các sản vật của địa phương. Tất cả mọi người cùng vui chơi, xem biểu diễn văn nghệ, múa lăm vông, buộc chỉ cổ tay, rước lễ vật, té nước.

Về ý nghĩa, phong tục té nước bản Pa Xa Lào giống dân tộc Lào sinh sống ở trong tỉnh Điện Biên, đều có nghĩa là gột rửa những điều xui xẻo, cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, con người, vạn vật khỏe mạnh tươi tốt.

Mặc dù vậy, với nguồn gốc xuất xứ khác nhau, một số nghi thức thực hiện Tết té nước tại bản Pa Xa Lào cũng có nhiều điểm khác biệt. Tại bản Pa Xa Lào, trong quá trình thực hiện nghi lễ, người dân sẽ cấm bản. Để có thể tham dự lễ, mọi người đều cần trang bị một chiếc khăn choàng cổ, đây là điều bắt buộc mọi người đều phải có. Cùng với đó, khi buộc chỉ cổ tay, nhận lời chúc may mắn từ thầy cúng, những người cao tuổi thì cần dâng lễ vật (thường sẽ là tiền mệnh giá nhỏ), đồng thời người nhận lễ vật sẽ là những bé gái với ý nghĩa phồn thực, ấm no và sung túc cho bản làng.

Đối với đồng bào dân tộc Lào, Tết té nước là sự gột rửa điều không may mắn, thể hiện tập tục, tín ngưỡng, sự thành kính, biết ơn với người khai phá thành lập bản, thần linh và tổ tiên, đồng thời còn là dịp các gia đình quây quần gặp mặt nhau sau thời gian lao động vất vả, tăng cường khối đoàn kết, giúp đỡ nhau của các thành viên trong cộng đồng dân tộc.

Thầy cúng cùng người dân sắp sửa lễ vật dâng lên chủ đất (người khai phá, lập bản) để tổ chức Tết té nước.
Đoàn người bê lễ vật về khu thờ cúng chung của bản.
Khu thờ cúng sẽ chỉ cho phép đàn ông được vào, các lễ vật của người phụ nữ được trao lại cho đàn ông, những người thực hiện lễ cúng.
Là năm đầu tiên phục dựng Tết té nước (Bun Huột Nặm), chính vì vậy lễ Khăm Bản được hiểu là mời chủ đất, thần linh về ăn uống, thông báo, xin phép cho bản được tổ chức tết.
Chỉ nhiều màu được chuẩn bị sẵn, cắt ngắn buộc vào tre.
Tại bản Pa Xa Lào, khi buộc chỉ cổ tay cần dâng lễ vật (thường sẽ là tiền mệnh giá nhỏ), đồng thời người nhận lễ vật sẽ là những bé gái với ý nghĩa phồn thực, ấm no và sung túc cho bản làng.
Người dân, du khách được thầy cúng, người cao tuổi thực hiện nghi lễ buộc chỉ cổ tay cùng những lời chúc may mắn.
Sau khi buộc chỉ là nghi thức vẩy nước may mắn với lời chúc không ốm đau bệnh tật, mọi điều tốt đẹp thuận lợi sẽ tới.
Tất cả mọi người cùng rước lễ vật ra suối Nậm Núa.
Thầy mo sẽ đại diện người dân dâng lễ vật, đồng thời chính thức bước vào hoạt động vui chơi, té nước.
Người dân, du khách vui hội té nước, dân tộc Lào quan niệm Tết té nước ai bị té càng nhiều sẽ càng gặp may mắn trong năm mới.
Đông đảo người dân, du khách tham gia Tết té nước cùng hòa mình vào điệu lăm vông truyền thống dân tộc Lào.

 

Trần Nhâm
Bình luận
Back To Top