Vấn đề kỳ này

Khai thác hiệu quả giá trị văn hóa, du lịch

06:16 - Thứ Năm, 18/04/2024 Lượt xem: 5786 In bài viết

ĐBP - Điện Biên có 19 dân tộc cùng sinh sống, mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa khác nhau. Nhờ đó, Điện Biên có một hệ thống di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc, như các thực hành tôn giáo, tín ngưỡng, nghi lễ, phong tục, tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian...

Hiện nhiều di sản đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, như Nghệ thuật Xòe Thái tỉnh Điện Biên; Tết Nào pê chầu của người Mông đen (bản Nậm Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng); Lễ hội đền Hoàng Công Chất - Thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên); Lễ Tủ cải (Lễ đặt tên âm - tên thứ hai cho người con trai đã trưởng thành) của người Dao quần chẹt (bản Huổi Lóng, xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa); Tết Bun Huột Nặm (Tết Té Nước) dân tộc Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên...

Hệ thống di sản văn hóa vật thể của tỉnh gắn với điều kiện địa lý, tự nhiên, với đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân. Đó là các thửa ruộng bậc thang nổi tiếng của dân tộc Thái và các dân tộc vùng Tây Bắc; không gian văn hóa các bản làng nằm ở thung lũng ven núi, những mái nhà sàn cao ráo, thoáng mát được trang trí bởi khau cút (biểu tượng trên nóc nhà đầu hồi cửa chính của người dân tộc Thái) đa dạng về kiểu dáng.

Ở khu vực huyện Điện Biên Đông, huyện Tuần Giáo, Tủa Chùa… người Mông khéo léo dựng các nếp nhà gỗ có kiến trúc độc đáo, phù hợp với điều kiện khí hậu đặc trưng địa phương. Với vùng biên giới giáp Lào, các bản của người Lào, Khơ Mú với những nếp nhà sàn nằm sát nhau. Mỗi nếp nhà, mỗi phong tục đã góp phần làm nên một Điện Biên giàu bản sắc.

Bên cạnh các di tích lịch sử “độc nhất vô nhị” cấp quốc gia đặc biệt, hệ thống di sản văn hóa phong phú của 19 dân tộc, là điều kiện thuận lợi để Điện Biên khai thác, phát triển ngành “công nghiệp không khói”, tăng thu ngân sách cho tỉnh.

Trong chuyến thăm và làm việc gần đây, đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương chia sẻ rằng, do vị trí địa lí xa các thành phố lớn, giao thông cách trở, việc tập trung phát triển công nghiệp không phải là lợi thế của Điện Biên. Vì chi phí vận tải, dịch vụ logistics... sẽ đội giá thành sản phẩm lên cao, khó cạnh tranh với thị trường. Cho nên, Điện Biên nên lựa chọn giải pháp “đột phá” là phát triển du lịch gắn với dịch vụ. Thị trường du lịch của tỉnh sẽ phát triển mạnh mẽ sau khi đã nâng cấp sân bay; cùng với đó là dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Năm Du lịch quốc gia - Điện Biên 2024, với hàng loạt chuỗi sự kiện văn hoá cấp quốc gia và khu vực, cấp tỉnh. Đây là cơ hội để quảng bá tiềm năng du lịch, mời gọi du khách gần xa đến với Điện Biên ngày càng nhiều hơn.

Thực tế thì từ đầu năm đến nay, nhất là 2 tháng gần đây, lượng khách du lịch đến Điện Biên tăng cao. Nhiều thời điểm “cháy phòng nghỉ”, các công ty lữ hành phải từ chối nhận khách, cho thấy, nếu có giải pháp, chính sách đột phá, phù hợp, sẽ thu hút khách du lịch đến Điện Biên ngày càng đông, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Vui lòng khách đến, níu chân du khách dài ngày hơn, thời gian qua, tỉnh từng bước hình thành thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với lợi thế và tiềm năng của tỉnh như: Du lịch lịch sử; du lịch văn hóa; du lịch sinh thái - khám phá; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng... đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại địa phương.

Để khai thác hiệu quả di tích lịch sử, bản sắc văn hóa phong phú, Điện Biên đang tập trung thực hiện tốt Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 07/5/2021 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu là tạo đột phá, phát triển toàn diện cả về phạm vi, quy mô, tính chất để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Xây dựng Điện Biên trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của vùng Trung du miền núi phía Bắc vào năm 2025, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế gắn với bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, di tích lịch sử, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân...

Theo Nghị quyết, đến năm 2025, nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; số ngày lưu trú trung bình của khách từ 3 ngày trở lên; tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm, đạt 1,3 triệu lượt khách, trong đó 300 ngàn lượt khách quốc tế. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân trên 15%/năm, đạt 2.400 tỷ đồng năm 2025, tạo việc làm trực tiếp cho trên 15.000 lao động.

Đề ra hướng đi đúng trong phát triển du lịch, bảo tồn văn hoá, không những thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh mà còn tạo được lòng tin, sự đồng thuận cao trong nhân dân.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top