Lễ hội Cầu mưa dân tộc Thái bản Liếng, xã Noong Luống

12:43 - Thứ Tư, 24/04/2024 Lượt xem: 5503 In bài viết

ĐBP - Sáng nay (24/4), tại bản Liếng, xã Noong Luống, UBND huyện Điện Biên tổ chức Lễ hội Cầu mưa dân tộc Thái (ngành Thái đen).

Thầy cúng cầu xin thần linh cho mưa xuống để mùa màng tốt tươi.

Lễ hội Cầu mưa dân tộc Thái là lễ hội được tổ chức vào tháng 4 dương lịch (tháng 3 âm lịch, hay tháng 10 lịch Thái). Đây là thời gian khí hậu vùng Mường Thanh nắng nóng, khô hạn bởi gió Lào thổi về, cũng là dịp người dân còn khá nhàn rỗi, vì vụ lúa mới chưa đến thời kỳ cày bừa (trước kia người Thái chỉ làm ruộng một vụ vào mùa mưa), vụ lúa cũ đã xong từ tháng 11 - 12 của năm cũ. Đây là thời điểm thích hợp để người Thái tổ chức các lễ hội như: Lễ hội Xên bản, Lễ hội Xên mường, Lễ hội Xên pang, Lễ hội Cầu mưa…

Đoàn cầu mưa đi tới các gia đình trong bản xin mưa (các gia đình là chủ mưa).

Ý nghĩa của Lễ hội Cầu mưa là cầu xin thần linh cho mưa xuống để con cháu có nước đầy đồng, đầy sông suối, ao hồ. Để người dân có nước canh tác (làm ruộng) vụ mùa tới, có cá tôm đầy ao hồ, sông suối, cây cỏ tốt tươi trâu bò ăn thoải mái, măng nấm đầy rừng, rau quả đầy vườn; vạn vật sinh sôi, cuộc sống của con người an lành mạnh khỏe, ấm no hạnh phúc.

Các gia đình sẽ tặng đoàn xin mưa gạo, muối, rau xanh để lấy lộc.

Lễ hội Cầu mưa đã tái hiện lại văn hóa đặc sắc của người Thái Đen ở vùng lòng chảo Mường Thanh, huyện Điện Biên nói chung; người Thái Đen ở Bản Liếng, xã Noong Luống nói riêng. Góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái.

Gia chủ té nước vào đoàn xin mưa để cầu may mắn cho đoàn.
Vòng xòe đoàn kết trong Lễ hội Cầu mưa.

Đây cũng là dịp để giáo dục thế hệ trẻ biết yêu thiên nhiên, yêu quê hương đất nước, yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Tạo nên buổi sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Thái, như: Hát đối đáp giao duyên, hát chúc mừng nhau, hát nhớ ơn Đảng, nhớ ơn Bác Hồ; nhớ ơn công lao các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, đem lại hòa bình ấm no hạnh phúc cho nhân dân. Là dịp để Nhân dân giao lưu học hỏi lẫn nhau về lao động sản xuất, ứng dụng khoa học vào chăn nuôi trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình; nuôi dạy con cái chăm ngoan học giỏi, chịu khó lao động giúp đỡ cha mẹ; xây dựng tình đoàn kết tốt trong cộng đồng.

Tin, ảnh: Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top