Không để ca Huế bị nhàm chán, du khách phàn nàn

15:49 - Thứ Tư, 15/05/2024 Lượt xem: 4627 In bài viết

Ca Huế - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đã trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc của vùng đất Cố đô. Tuy nhiên, thời gian qua, một số du khách xem biểu diễn ca Huế nói chung và ca Huế trên sông Hương phản ánh một số tồn tại của loại hình này.

Theo cơ quan chức năng, thời gian qua, việc tổ chức dịch vụ biểu diễn ca Huế trên sông Hương phục vụ du lịch vẫn còn tồn tại một số vấn đề và hạn chế.

Đáng kể nhất là tình trạng giờ xuất bến và cập bến của các thuyền ca Huế trên sông Hương không đúng quy định; một số chương trình ca Huế chưa đảm bảo thời lượng, số lượng người tham gia biểu diễn, chương trình biểu diễn không đúng theo văn bản chấp thuận đã được cấp, lời ca bị cắt xén. Ngoài ra, có sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, hạ giá xuất diễn, bớt thù lao của diễn viên và nhạc công dẫn đến chất lượng bị giảm sút. Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại tình trạng các nghệ sĩ thiếu tôn trọng khách như sử dụng điện thoại trong quá trình tham gia biểu diễn. Bên cạnh đó, không gian trình diễn trang trí, bày biện hàng lưu niệm tại vị trí chưa được phù hợp...

Một tiết mục biểu diễn ca Huế trên sông Hương.

Từ năm 2022 đến nay, Tổ liên ngành kiểm tra hoạt động ca Huế đã tổ chức hàng chục đợt kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất với hàng trăm suất diễn và thuyền tham gia hoạt động ca Huế trên sông Hương. Qua đó, lập biên bản vi phạm và tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với một tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm. Các vi phạm tập chủ yếu như: tổ chức biểu diễn nghệ thuật không đúng nội dung trong văn bản chấp thuận, thuyền tham gia hoạt động ca Huế trên sông Hương chở quá số người, đón trả khách không đúng địa điểm theo quy định…

Trước tình trạng nói trên, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quy chế quản lý và tổ chức hoạt động biểu diễn ca Huế trên địa bàn và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 13/5. Theo nội dung quy chế, chương trình biểu diễn ca Huế phải được Sở Văn hóa và Thể thao (VH-TT) tỉnh Thừa Thiên Huế thẩm định, chấp thuận tổ chức biểu diễn theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 144/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định về hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Việc tổ chức biểu diễn ca Huế thính phòng hoặc ca Huế trên sông Hương là các bài bản ca Huế, có thể kết hợp một số làn điệu dân ca, ngâm thơ, hò vè Huế. Thời lượng biểu diễn tối thiểu 50 phút (không tính phần dịch ra tiếng nước ngoài đối với các chương trình biểu diễn dành cho khách người nước ngoài); có người điều hành chương trình theo đúng nội dung văn bản chấp thuận tổ chức biểu diễn. Trường hợp có thay đổi, đơn vị tổ chức biểu diễn phải thông báo đến Sở VH-TT trước thời gian biểu diễn 2 ngày làm việc. Đối với chương trình ca Huế thính phòng phải đảm bảo có ít nhất 8 diễn viên, nhạc công; có ít nhất 4 trong 5 loại nhạc cụ: đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn bầu. Ngoài ra có thể có nhạc cụ như sáo, phách và các loại nhạc cụ khác phù hợp với chương trình biểu diễn.

Đặc biệt, đối với chương trình biểu diễn ca Huế trên sông Hương phải đảm bảo có ít nhất 7 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đơn với lượng khách dưới 15 người và ít nhất 8 diễn viên, nhạc công khi biểu diễn trên thuyền đôi với lượng khách 15 người trở lên…

Sở VH-TT tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, theo quy chế UBND tỉnh vừa ban hành, chương trình biểu diễn ca Huế phải niêm yết tại các địa điểm bán vé kinh doanh dịch vụ tổ chức biểu diễn ca Huế, trên thuyền ca Huế và giới thiệu cho khách trong quá trình biểu diễn. Hoạt động biểu diễn ca Huế sẽ diễn ra từ 8h đến 24h; địa điểm bán vé nghe ca Huế bố trí tập trung tại Bến Tòa Khâm, phải niêm yết giá vé đã đăng ký tại cơ quan thuế đối với chương trình biểu diễn và vé bán lẻ để du khách rõ và lựa chọn trong quá trình tham gia nghe ca Huế. Diễn viên, nhạc công, người điều hành chương trình trong quá trình tham gia biểu diễn ca Huế phải mang bảng tên, trang phục áo dài truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và văn hóa Huế. Thuyền trưởng, thuyền viên, người phục vụ phải tuân thủ quy định về quản lý hoạt động vận tải khách du lịch bằng đường thủy nội địa và phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước trên địa bàn tỉnh.

Đối với không gian phục vụ biểu diễn, ca Huế thính phòng sẽ khai thác các không gian văn hóa, di sản và các thiết chế văn hóa khác phải đảm bảo tính trang trọng phù hợp với nội dung biểu diễn ca Huế và mang đậm đặc trưng văn hóa Huế. Trong khi đó, ca Huế trên sông Hương phải biểu diễn trên thuyền thông thoáng, đảm bảo vệ sinh; các mặt hàng lưu niệm bày bán trên thuyền phải được bố trí khu vực riêng, không làm ảnh hưởng đến chương trình biểu diễn và phải niêm yết giá công khai… Các thuyền du lịch có hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế phải sử dụng máy phát điện đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn để chất lượng buổi biểu diễn đạt kết quả cao.

Bên cạnh đó, các đơn vị không được tự ý thay đổi nội dung chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, giảm thời lượng, thay đổi bài hát, rút ngắn lời dẫn làm ảnh hưởng chất lượng chương trình biểu diễn ca Huế; không tổ chức biểu diễn ca Huế trên sông Hương khi thuyền đang lưu thông từ điểm xuất phát ra phạm vi neo đậu và xuất phát vào bến trả khách; không thực hiện các dịch vụ, bán vé lẻ nghe ca Huế ngoài phạm vi đăng ký kinh doanh và khu vực bán vé tập trung… Hiện, Sở VH-TT phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông đang hướng dẫn các chủ thuyền trên sông Hương có phục vụ ca Huế lắp đặt hệ thống camera giám sát. Mỗi thuyền phải lắp đặt từ 2 - 3 camera giám sát tại khu vực biểu diễn và có lượng lưu trữ dữ liệu tối thiểu 7 ngày, được kết nối với hệ thống thông tin của Sở VH-TT khi tham gia hoạt động biểu diễn. Việc lắp camera này giúp giám sát, kiểm soát số lượng hành khách cũng như kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp chở quá số lượng cho phép. Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 12 doanh nghiệp đang hoạt động tổ chức biểu diễn ca Huế với gần 520 nhạc công và diễn viên.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top