ĐBP - Trước nhu cầu tăng cao của bạn đọc đối với số báo đặc biệt ngày 7/5 kèm phụ trang là bức tranh toàn cảnh “Chiến dịch Điện Biên Phủ” và Công văn đề nghị của UBND tỉnh, Ban Biên tập Báo Nhân Dân quyết định in thêm 100.000 bản và gửi tặng tỉnh 3.000 bản thông qua Văn phòng Báo Nhân Dân tại Điện Biên.
Theo đó, sau nhiều ngày phát hành, số đặc biệt ngày 7/5 của Báo Nhân Dân vẫn được nhiều độc giả tại Điện Biên và các tỉnh, thành trong cả nước tìm kiếm để theo dõi, sưu tầm. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng có Công văn đề nghị Báo Nhân Dân phát hành bổ sung số báo trên cho độc giả Điện Biên có thể tìm đọc, qua đó lan tỏa, tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa các giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ nói chung và bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng. Bởi vậy, từ nguồn xã hội hóa, Báo Nhân Dân quyết định phát hành thêm 100.000 bản phụ trang panorama Chiến dịch Điện Biên Phủ để tặng độc giả trên cả nước. Tại Điện Biên, 3.000 bản phụ trang được phát hành tại Văn phòng Báo Nhân Dân ở Điện Biên, số nhà 56, tổ 10, phường Thanh Trường, TP. Điện Biên Phủ.
Ngay từ sáng ngày 20/5, nhiều độc giả đã có mặt tại Văn phòng Báo Nhân Dân ở Điện Biên để được nhận phụ trang sau nhiều ngày tìm kiếm, chờ đợi. Do số lượng có hạn, mỗi người đến sẽ được nhận 1 tờ phụ trang. Nhiều người tỏ ra thích thú khi được cầm trên tay phụ trang đầy ý nghĩa này.
Được biết, mong muốn của Báo Nhân Dân là phụ trang sẽ đến được với bà con, học sinh vùng sâu, vùng xa. Bởi vậy, ngoài phát hành trực tiếp tại địa chỉ trên, Văn phòng Báo Nhân Dân tại Điện Biên còn tiến hành gửi phụ trang cho các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh; thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện Mường Nhé, Nậm Pồ chuyển đến các trường trên địa bàn.
Ngày 7/5, Báo Nhân Dân phát hành số báo đặc biệt, tăng thêm 8 trang thông tin, gồm 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch và 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Bạn đọc có thể cắt, ghép 4 trang in thành bức tranh panorama dài tới 3,21m và tương tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR. Công nghệ này cho phép người dùng xem một bức tranh panorama động trong chiều không gian vật lý.