Văn học thiếu nhi và những thách thức

12:36 - Thứ Sáu, 31/05/2024 Lượt xem: 6559 In bài viết

Trong một thế giới có nhiều phương tiện giải trí như hiện nay, văn học thiếu nhi cũng như nhiều loại hình giải trí truyền thống khác cho thiếu nhi đang đứng trước những thách thức, làm sao để tăng sức hấp dẫn, sức hút đối với bạn đọc nhỏ tuổi mà vẫn phải chuyển tải nguyên vẹn những thông điệp và giá trị thẩm mỹ, nhân văn.

Mảng sách thiếu nhi hiện nay rất phong phú nhưng chưa có nhiều sáng tác văn học dành cho thiếu nhi.

Trẻ ít đọc sách và đứng trước nhiều cạm bẫy hơn

Một trong những vấn đề mà nhiều phụ huynh quan tâm và đau đầu tìm cách cải thiện, đó là tình trạng ít đọc của trẻ nhỏ. Thời đại cách mạng công nghệ 4.0, những món đồ công nghệ cao đương nhiên có sức hút rất lớn đối với trẻ nhỏ. Với một thiết bị điện tử cầm tay như tab, ipad hay điện thoại thông minh, một đứa trẻ có thể ngồi cả ngày “cày game”, không quan tâm đến bất cứ một điều gì khác. Vấn nạn này không chỉ phổ biến ở trẻ em thành phố, mà còn lan rộng cả ở các vùng nông thôn, bởi sức hấp dẫn của các thiết bị điện tử nối mạng gần như là tuyệt đối.

Chính vì thế, sách không phải là lựa chọn đầu tiên của nhiều trẻ nhỏ, đặc biệt là trong dịp nghỉ hè. Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng lên tiếng: “Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều những loại hình giải trí hấp dẫn. Trong bối cảnh công nghệ, kỹ thuật phát triển như vũ bão hiện nay việc đọc sách ở trẻ em dường như ít đi”.

Các em nhỏ tại một buổi giao lưu tác giả - tác phẩm tại Phố Sách Hà Nội.

Ông cũng cho rằng, các nhà văn hiện nay phải thực lòng chấp nhận những thách thức, khó khăn khi đối mặt trước những loại hình giải trí hấp dẫn khác: "Khổ một nỗi, chúng ta không thể chống lại sự phát triển của xã hội được, phải thích nghi với nó như sống chung với lũ. Nhà văn phải sống chung với những thách thức để tạo nên những tác phẩm hay hơn nữa, đặc biệt là những tác phẩm dành cho trẻ em”.

PGS, TS Phạm Xuân Thạch còn nhấn mạnh đến những nguy cơ khi trẻ em bị hút vào các trò giải trí công nghệ mà xa rời sách: “Trẻ em bây giờ luôn luôn phải đối diện trước những cạm bẫy. Các em bây giờ phải chịu những gánh nặng khủng khiếp cả trong học hành và trong cuộc sống. Chính vì thế, trẻ em cần bạn chứ không cần thầy qua sách. Chúng cần những người bạn đồng hành, hiểu và tôn trọng chúng và nhìn chúng như những người đã có vài năm trưởng thành để tâm sự cùng, đi qua những khó khăn của cuộc sống này”.

Để thu hút được bạn đọc nhỏ tuổi, các đơn vị xuất bản đã phải liên tục thay đổi hình thức, mẫu mã, cũng như nội dung các loại sách phong phú, hấp dẫn hơn.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng từng đề cập đến những khó khăn mà trẻ em hiện nay gặp phải khi phải đương đầu với nhiều nguy cơ: “Trong tình trạng xã hội hiện nay, rất nhiều vấn đề chúng ta có thể viết để giáo dục các em, bởi vì nhiều em suốt ngày ngồi máy tính, điện thoại, mà trong đó có rất nhiều thứ xấu. Chúng ta có thể giáo dục các em bằng những cuốn sách hấp dẫn, từ đó làm thay đổi suy nghĩ của các em về hưởng thụ cuộc sống – vốn rất tệ hại trong suy nghĩ của các em hiện nay”.

“Viết văn như trồng vườn”

Trồng vườn, không chỉ cần đất, ánh sáng và nước, mà còn cần có sự quan tâm chăm sóc, sự tỉ mỉ chu đáo của người trồng cây. Và công việc viết văn cũng vậy. Đó là quan điểm của nhà văn Trần Thùy Dương. Viết văn cho thiếu nhi cũng như chăm sóc một vườn hoa, có sự bay bổng, vui tươi, vừa phải có sự chắt lọc ngôn từ. Viết văn cho các bạn nhỏ giống như người làm vườn, ở đó chúng ta gieo những hạt mầm lên sự ngây thơ, và điều đó sẽ đi cùng các bạn nhỏ cho đến khi trưởng thành, già đi và trao truyền điều đó lại cho những thế hệ kế tiếp.

Nhà văn Trần Thùy Dương khẳng định: “Tôi tin rằng cũng sẽ có những tác phẩm văn học có những tình tiết vừa vui vẻ, vừa suy tư, ở đó tác giả có sự sắp xếp ngôn từ có sự trau chuốt, và cả những ý nghĩa đẹp đẽ để lan truyền những giá trị tốt lành, những giá trị Chân Thiện Mỹ trong văn chương. Để cho văn học trở thành người bạn tinh thần của các bạn nhỏ, khi các bạn gặp những vấp váp, khó khăn trong cuộc đời, nhưng các bạn ấy sẽ nhớ đến những câu chuyện với những nhân vật đã từng trải qua những khó khăn như thế nào, các bạn sẽ được nâng đỡ tinh thần và vượt qua được”.

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, từng giành giải viết cho thiếu nhi với tác phẩm “Bỏ trốn” cách đây 40 năm chia sẻ bí quyết: “Không có một bí quyết gì cả, chỉ có tấm lòng mình muốn truyền đạt gì cho các thế hệ sau. Tôi thấy khi mình yêu ai đó, thì thường viết thơ tình rất hay. Tôi thường chỉ viết thơ tình, thậm chí toàn thơ thất tình, nhưng khi mình rất yêu các em hoặc con của mình, sẽ gửi gắm vào đó tâm trạng của mình”.

Còn nhà nghiên cứu, PGS, TS Văn Giá lại lưu tâm đến vấn đề khơi gợi cảm xúc ở các em: “Xã hội ngày nay chỉ chăm chú chạy theo chỉ số thông minh (IQ) ở trẻ em mà quên mất rằng, chỉ số cảm xúc (EQ) cũng vô cùng quan trọng. Lòng thương, lòng tốt, tình thương vô cùng quan trọng. Tôi rất trân trọng những tác phẩm nuôi dưỡng những tình cảm này cho trẻ. Điều này giúp chúng ta văn minh hơn”.

PGS, TS Văn Giá cho rằng, văn chương áp dụng chỉ số về cảm xúc, lòng thương xót sẽ đem lại cho những đứa trẻ tình yêu thương, lòng nhân ái, biết mở rộng trái tim với mọi điều: “Nếu chỉ quan tâm đến trí thông minh là chưa đủ, phải quan tâm cả đến cảm xúc. Đọc một tác phẩm văn chương phải khiến người ta xúc động. Văn học thiếu nhi hiện nay đang thiếu điều này”.

Văn học thiếu nhi hiện đang nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các tác giả, các đơn vị xuất bản và nhất là bạn đọc. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, nhiều cuộc thi, cuộc vận động sáng tác văn học cho thiếu nhi đã được phát động, như của Nhà xuất bản Kim Đồng, Báo Thể thao và Văn hóa của Thông tấn xã Việt Nam với Giải thưởng Dế Mèn, và cả Hội Nhà văn Việt Nam… Độc giả nhỏ tuổi mong chờ sẽ có những tác phẩm lớn, với đầy đủ những giá trị nhân văn, Chân – Thiện – Mỹ nhưng vẫn mang hơi thở thời đại sẽ sớm xuất hiện, mang lại những nguồn cảm hứng, khơi gợi những cảm xúc đẹp và tình yêu cuộc sống, con người.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top