"Cuộc đua" ấn tượng của văn học thiếu nhi

09:46 - Thứ Sáu, 07/06/2024 Lượt xem: 5727 In bài viết

Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất (2023-2025) đã nhận được gần 300 tác phẩm của các tác giả từ mọi miền Tổ quốc và tác giả đang sinh sống ở nước ngoài. Bên cạnh các nhà văn chuyên nghiệp còn có nhiều tác giả mới, trong đó người lớn tuổi nhất sinh năm 1932, người nhỏ tuổi nhất sinh năm 2015.

Bạn đọc thiếu nhi hào hứng với tác phẩm của Nhà xuất bản Kim Đồng.

Đó là thông tin ấn tượng được Nhà xuất bản Kim Đồng chia sẻ tại cuộc gặp gỡ các tác giả viết cho thiếu nhi và sơ kết một năm phát động Giải thưởng Văn học Kim Đồng vừa được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng.

Một năm trước (ngày 30/5/2023), Nhà xuất bản Kim Đồng đã công bố thành lập Giải thưởng Văn học Kim Đồng, đến nay, giải thưởng đã có những tín hiệu vui. Ban Tổ chức đã nhận được gần 300 tác phẩm dự giải, đa dạng về thể loại (thơ, truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tự truyện...) của các tác giả trong nước và đang sinh sống tại nước ngoài, ở nhiều lứa tuổi khác nhau. Song song với việc nhận bản thảo dự thi, Ban Thư ký giải thưởng đã tiến hành đọc thẩm định và chọn lọc các tác phẩm đạt chất lượng đưa ngay vào kế hoạch xuất bản.

Đến nay, đã có gần 20 tác phẩm dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất được in thành sách. Đó là các tác phẩm: Bạn có thích làm mèo? (truyện dài của Hoài Thư); Cánh diều hình nốt nhạc (truyện dài của Niê Thanh Mai); Cậu bé Bi Đất (truyện dài của Bôn Đông Huân); Chú dế đêm trăng (tập thơ của Mai Quyên); Cuộc phiêu lưu của còng gió Vân Xanh (truyện dài của Lê Đức Dương); Đại náo nhà ông ngoại (truyện dài của Nguyễn Xuân Thủy); Hải âu đi tìm cha (truyện dài của Trần Thu Hằng); Hạt bắp vỗ tay (thơ của Nguyễn Thánh Ngã)...

Những cuốn sách dự Giải thưởng Văn học Kim Đồng đã tham gia vào đời sống văn học, trở thành những tác phẩm mới dành cho thiếu nhi ngay trong dịp Tết và dịp hè 2024, được các em đón nhận. Một trong những điểm nổi bật của giải thưởng là trong một năm phát động, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức các cuộc gặp mặt trực tiếp các tác giả ở nhiều vùng miền khác nhau, thông qua hội văn học nghệ thuật địa phương để giới thiệu về giải thưởng và vận động các tác giả tham gia sáng tác cho thiếu nhi. Đây là cơ hội để những người làm sách và tác giả, độc giả được giao lưu, chia sẻ chuyên môn cũng như tạo nguồn cảm hứng sáng tác.

Các cuộc vận động sáng tác đã được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Định, Gia Lai, Đắc Lắk, An Giang và Hải Dương. Sơ kết giải thưởng được tổ chức tại Đà Nẵng và Quảng Nam là cơ hội để thông tin về Giải thưởng được giới thiệu với các tác giả tại các địa phương này.

Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Kim Đồng cũng tổ chức các buổi giao lưu giữa nhà văn và độc giả tại trường học để giới thiệu về giải thưởng, cùng các tác giả lắng nghe sở thích, nhu cầu của bạn đọc. Các buổi giao lưu được tổ chức với sinh viên Trường đại học Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định), học sinh Trường trung học phổ thông Pleiku (thành phố Pleiku-Gia Lai) và học sinh Trường tiểu học Lê Quý Đôn (thành phố Long Xuyên-An Giang).

Trao đổi về chặng đường sôi nổi, dù giải thưởng chưa bước vào giai đoạn chung cuộc, bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng, đánh giá: Khép lại một chặng đường, Giải thưởng Văn học Kim Đồng lần thứ nhất đã có được những kết quả khả quan đúng với mục tiêu "phát hiện thêm những cây bút tài năng viết cho thiếu nhi, có thêm các tác phẩm văn học mới, có chất lượng, truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa về con người, đất nước Việt Nam".

Trong dịp hè này, nhiều đơn vị khác cũng đã tổ chức hiệu quả các sân chơi dành cho thiếu nhi, vì thiếu nhi. Có thể kể đến Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn lần thứ năm-2024 với giải thưởng cao nhất "Hiệp sĩ Dế Mèn" được trao cho nhà văn Lý Lan. Từ 135 tác phẩm, lựa chọn ra 11 (tỷ lệ 1 chọi 12) là một công việc thật sự khó khăn.

Phát biểu tại Lễ trao giải, nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập báo Thể thao và Văn hóa - Trưởng ban Tổ chức chia sẻ: Sự tươi mới, với cái chất đương đại của đời sống hôm nay vẫn luôn là điều cần thiết để hấp dẫn công chúng, nhất là trẻ em, đến với văn hóa nghệ thuật, cho dù chúng ta vẫn rất yêu quý các tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển và không ngừng quảng bá những giá trị bất biến đó đến với các thế hệ người đọc. Năm nay, bản thảo truyện tranh Thư viện kỳ bí (của Lê Sinh Hùng, 14 tuổi) được trao giải "Khát vọng Dế Mèn". Ý tưởng viết tác phẩm này xoay quanh hai nhân vật gồm một chú mèo và một chú chó - hai thú cưng của gia đình cậu bé. Khi hai thú cưng đi lạc và không thể trở về, tác giả đã quyết tâm hoàn thành cuốn sách như cách để tưởng nhớ hai "bạn" tuổi thơ thân thiết.

Dù các cuộc thi, cuộc vận động sáng tác chưa phải là bức tranh toàn cảnh về văn học thiếu nhi trong năm qua, nhưng những sân chơi này khẳng định nỗ lực đáng kể của các đơn vị báo chí, xuất bản trong việc truyền cảm hứng xem, nghe, đọc cho trẻ em và cho cả người lớn để từ đó khơi lên nguồn cảm hứng trong trẻo, dồi dào, đầy khát vọng.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top