Những tờ báo làm nên “Một thời đại trong thi ca”

10:21 - Thứ Năm, 20/06/2024 Lượt xem: 5009 In bài viết

Thơ mới 1932 - 1945, cho đến giờ, vẫn giữ được hào quang của “Một thời đại trong thi ca” Việt Nam.

Để làm nên một thời đại thi ca, có rất nhiều yếu tố thuộc về lịch sử, văn hóa, xã hội, con người, mà trung tâm nhất chính là những bài Thơ mới cùng với thi nhân - tác gia của nó. Tuy nhiên, để khuếch trương, cổ vũ những giá trị mới, cần phải có diễn đàn và báo chí ở thời điểm ấy đã làm rất tốt điều đó.

Xin giới thiệu một số tờ báo chủ lực đã làm nên không khí - truyền thông cho thời đại Thơ mới 1932 - 1945.

Bìa tờ báo “Phong hóa”.

Phong hóa

Tuần báo Phong hóa ra đời ở Hà Nội năm 1932, lúc đầu do Phạm Hữu Ninh sáng lập, nhưng do báo không phát triển được và đứng trước nguy cơ đình bản, sau đó được Nguyễn Tường Tam khôi phục.

Phong hóa tập trung vào các vấn đề xã hội, văn hóa, khoa học, lịch sử, văn chương, đoàn thể, khoảng 20 - 30 trang với nhiều minh họa, biếm họa và quảng cáo.

Với chủ trương làm văn nghệ thuần túy, đổi mới văn học, khai sáng văn minh và kiến tạo văn hóa mới, Phong hóa được xem là tờ báo tiên phong và có uy tín hàng đầu ở Việt Nam thời bấy giờ.

Quy tụ xung quanh Phong hóa là những tên tuổi thời danh như Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Trần Khánh Giư (Khái Hưng), Thế Lữ, Nguyễn Tường Lân (Thạch Lam), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo), Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Tường Cẩm, Hồ Trọng Hiếu (Tú Mỡ), sau này có Xuân Diệu, hình thành nhóm Tự Lực văn đoàn với các tôn chỉ rõ ràng, tiến bộ, dân chủ.

Tờ báo đã thổi một luồng gió mới vào đời sống xã hội, văn chương, lề lối sinh hoạt ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi, tổ chức những hội đoàn, sự kiện thúc đẩy quá trình khai minh, khai hóa.

Báo có sự góp mặt một cách hăng hái của các cây bút như Huy Cận, Nguyễn Bính, Nguyễn Văn Kiện, Đoàn Phú Tứ, Trọng Lang (Trần Tán Cửu), Trần Tiêu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Đinh Hùng, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Cát Tường...

Nhóm Tự Lực văn đoàn có tổ chức, tôn chỉ, mục đích, có thể lệ hoạt động và trao giải thưởng văn học cho các tác phẩm có giá trị. Nhà xuất bản Đời nay của Tự Lực văn đoàn cũng là một cơ sở in ấn phát hành lớn, cho ra đời nhiều ấn phẩm đến hôm nay vẫn còn giá trị với người đọc.

Một trong những đóng góp quan trọng của Phong hóa, liên quan đến Thơ mới là việc cổ vũ lối văn mới, cổ vũ những nhà thơ mới, đả kích, phê phán thơ cũ.

Đặc biệt, mục “Tin thơ” của Lê Ta (Thế Lữ) đã là diễn đàn sôi động bậc nhất của Thơ mới thời bấy giờ. Hơn nữa, và quan trọng nhất chính là Phong hóa đã đăng những bài thơ mới thật hay, bảo chứng cho lối thơ mới với những tên tuổi về sau còn sáng giá như Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Tế Hanh...

Phong hóa bị đình bản đầu năm 1936 vì những đụng chạm đến những nhân vật cấp cao của chế độ nhà nước bản xứ. Nhưng trước đó, tờ Ngày nay đã ra đời, vừa song hành, và sau này như một tục bản của Phong hóa.

Bìa tờ báo “Ngày nay”.

Ngày nay

Ngày nay là tờ báo thứ hai của Tự Lực văn đoàn, số 1 ra ngày 30-1-1935, mỗi tháng 3 số (ngày 1, 10, 20 hằng tháng), do Nguyễn Tường Cẩm làm giám đốc, Nguyễn Tường Lân làm chủ bút.

Trong lời giới thiệu ở số đầu tiên, Tự Lực văn đoàn nêu rõ Ngày nay “là tờ báo của Ngày nay”, “chúng tôi sẽ đưa các bạn đi từ rừng đến bể, từ thành thị đến thôn quê, xem các trạng thái hiện có ở xã hội. Hiện trạng đó các bạn cần và muốn biết hơn hết. Chúng tôi sẽ đi nhận xét lấy sự thực, nói lại để các bạn hay...” (số 1, ngày 30-1-1935, trang 2).

Khác với Phong hóa, Ngày nay được xây dựng với một “phương pháp khác”, lược bỏ bớt yếu tố trào phúng, có thêm tranh và ảnh chụp minh họa.

Sau khi Phong hóa bị đình bản, Ngày nay trở thành cơ quan ngôn luận của Tự Lực văn đoàn, tiếp tục dấn bước trên con đường cải cách văn hóa, xã hội, văn chương, đồng thời “dấn thân vào lãnh vực chính trị” (dẫn theo Huỳnh Văn Tòng, “Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945”, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016, trang 274). Năm 1940, Ngày nay đình bản.

Theo nghiên cứu của Huỳnh Văn Tòng, Ngày nay tục bản cho đến ngày 18-8-1945 (“Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945”, trang 274). Căn cứ vào tư liệu mà chúng tôi có được, số cuối cùng của Ngày nay ra ngày 7-9-1940 (số 224).

Liên quan đến Thơ mới, Ngày nay vẫn duy trì định hướng văn chương, là nơi đăng tải, giới thiệu tác giả, tác phẩm và khuếch trương thanh thế của Thơ mới.

Bìa tờ báo “Phụ nữ tân văn”.

Phụ nữ tân văn

Phụ nữ tân văn là tờ tuần báo (ra ngày thứ năm) khai sinh ở Sài Gòn năm 1929, do bà Nguyễn Đức Nhuận làm chủ nhiệm, Đào Trinh Nhất làm chủ bút, với các biên tập viên như Phan Khôi, Nguyễn Thị Manh Manh, Hồ Biểu Chánh, Tản Đà, Thiếu Sơn, Bửu Đình, Vân Đài cùng sự cộng tác của Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim,… Tờ báo này hướng đến đại chúng, tập trung vào những việc đời sống, xã hội, phụ nữ, trẻ em và văn chương.

Mặc dù tuyên bố “không làm chính trị” nhưng kỳ thực, một số bài viết trên Phụ nữ tân văn có quan điểm chống nhà nước thực dân. Năm 1939, tờ báo bị đóng cửa vì lý do đó.

Với ban biên tập uy tín, sự chu đáo, nhanh nhẹn của những người có trách nhiệm và một đường lối hoạt động có tính nhập cuộc, Phụ nữ tân văn là một thế lực của báo chí đương thời.

Thơ mới đã được in trên Phụ nữ tân văn, trong đó có bài “Tình già” của Phan Khôi (ngày 10-3-1932), như một bảo chứng của Thơ mới - “trình chánh giữa làng văn”, cùng với đó là những bài diễn thuyết, bênh vực Thơ mới của nữ sĩ Nguyễn Thị Manh Manh.

Thanh Nghị

Thanh Nghị là một tờ báo “Nghị luận, Văn chương, Khảo cứu”, ra đời tháng 6-1941 tại Hà Nội do Vũ Văn Hiền, Phan Anh, Vũ Đình Hòe sáng lập (Vũ Đình Hòe làm chủ nhiệm). Trụ sở báo di chuyển qua nhiều địa điểm. Ban đầu Thanh Nghị có trụ sở ở số 65 Boulevard Rollandes (nay là đường Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội), tiếp theo là 102 Hàng Bông, 214 Hàng Bông, 15 Hàng Da.

Ban Biên tập và cộng tác viên của Thanh Nghị cũng là những cây bút tên tuổi, sáng giá của trí thức Việt Nam thời bấy giờ như Vũ Đình Hòe, Hoàng Xuân Hãn, Đinh Gia Trinh, Nguyễn Văn Tố, Nguyễn Văn Huyên, Đỗ Đức Dục, Ngụy Như Kon Tum, Đào Duy Anh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Tuân, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Xuân Khoát, Vũ Đình Liên, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Vũ Bội Liêu, Nghiêm Xuân Yêm, Đặng Thai Mai, Nguyễn Trọng Phấn, Trương Chính…

Các mục Chính trị - Kinh tế - Văn hóa - Lịch sử - Giáo dục được các tác giả bàn luận, khảo cứu một cách bài bản, sâu sắc. Đồng thời, những tác phẩm văn chương của các nhà văn danh tiếng đã đưa Thanh Nghị trở thành một tiếng nói Nghị luận - Văn chương - Khảo cứu uy tín lúc bấy giờ.

Ra đời năm 1941, dĩ nhiên, khi đó Thơ mới đã hoàn toàn thắng lợi và không còn là câu chuyện thời sự, tuy vậy, Thanh Nghị vẫn dành trang đăng thơ Xuân Diệu, Huy Cận, Vũ Đình Liên, Huyền Kiêu, Phạm Văn Hạnh, Xuân Sanh, những bài khảo cứu về thơ ca của Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh, Diệu Anh, Vũ Bội Liêu...

Đáng lưu ý là việc Đoàn Phú Tứ, Phạm Văn Hạnh, Nguyễn Xuân Sanh tham gia in thơ và diễn giải thơ ca trên Thanh Nghị như một sự khơi dòng cho Thơ mới sau giai đoạn rực rỡ (1936 - 1939), đưa Thơ mới tiến sang một giai đoạn khác với những biểu hiện cụ thể từ quan điểm và thực hành sáng tạo của Xuân Thu nhã tập.

Bên cạnh đó, còn có một số tờ báo cũng được nhắc đến với dấu ấn khích lệ, cổ vũ Thơ mới, góp phần định hình một thời đại trong thi ca Việt Nam như Bắc Hà, Tràng An, Tiếng dân, Tiểu thuyết thứ Bảy, Người mới, Tao đàn, Trung Bắc tân văn, Tân thiếu niên... khắp Bắc - Trung -Nam thời bấy giờ.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top