Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024:
Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 khép lại tại tỉnh Thái Nguyên sau 15 ngày bùng nổ (từ ngày 11 đến 26-6), với những buổi diễn luôn đông kín khán giả.
Điều đó tiếp thêm động lực mạnh mẽ cho những người làm nghề thăng hoa trên sân khấu và theo đuổi sáng tạo trong nghề. Đây cũng là dịp nhìn nhận về sân khấu kịch nói nước nhà hiện nay, từ đó có những giải pháp thúc đẩy môn nghệ thuật này phát triển, phản ánh hiện thực cuộc sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật trong thời đại mới của nhân dân.
Một cảnh trong vở “Vòng tròn bội bạc” do Nhà hát Kịch Hà Nội thực hiện.
Hội tụ những sáng tạo
Liên hoan Kịch nói toàn quốc là cuộc hội tụ nghề nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp tổ chức 3 năm/lần. Liên hoan năm nay có sự tham gia của gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên của 19 đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập, với 23 vở kịch được dàn dựng từ 22 kịch bản (có 1 kịch bản được 2 đoàn dàn dựng), trong đó 7 kịch bản về đề tài chiến tranh, cách mạng; 7 kịch bản đề tài dân gian, lịch sử; 2 kịch bản về quan hệ gia đình; 6 kịch bản phản ánh thực trạng xã hội chống tiêu cực, chống tham nhũng. Hầu hết kịch bản được sáng tác từ nhiều năm trước, được các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ gia công sáng tạo với cách thể hiện mới, thu hút khán giả.
Khẳng định vị thế “Anh Cả đỏ” của sân khấu kịch nói, Nhà hát Kịch Việt Nam mang đến 2 vở diễn đầy sức “chiến đấu” là “Đêm trắng” và “Biệt đội Báo Đen”. Dấu ấn lớn nhất là vở “Đêm trắng” do tác giả Lưu Quang Hà sáng tác và Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc đạo diễn, dựa trên câu chuyện có thật, khắc họa hình tượng Bác Hồ trong cuộc đấu tranh chống tham ô, lãng phí, gắn với vấn đề rèn luyện đạo đức cán bộ, đảng viên, xây dựng quân đội cách mạng. Dù đã được dàn dựng trên nhiều hình thức nghệ thuật nhưng bản kịch nói dưới bàn tay dàn dựng của Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc trở nên rất mới mẻ, kể câu chuyện theo cách nhìn của người trẻ, với nhịp nhanh, mạnh, gần gũi và không hề giáo điều, có lúc căng thẳng, cao trào, có lúc lại khiến khán giả bật cười...
Một tác phẩm khác cũng xuất sắc không kém đó là “Vòng tròn bội bạc” của Nhà hát Kịch Hà Nội (tác giả Chu Lai, Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu đạo diễn). Vở diễn kể về những người lính bước ra từ gian khổ của chiến tranh và phải đối mặt với cuộc sống hiện thực tàn khốc, khó khăn không kém. Nhưng, họ vẫn giữ phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, luôn bảo vệ nhân dân, bảo vệ chính nghĩa. Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu đã dàn dựng tác phẩm sáng tạo qua việc tận dụng nhiều hình thức nghệ thuật sân khấu đầy bất ngờ.
Trong khi đó, Nhà hát Tuổi trẻ mang đến vở diễn “Bến nước thời gian” với thiết kế lạ bằng bể nước thật nhằm tái hiện bến nước, dòng thời gian, dòng đời có tính ước lệ hấp dẫn thị giác. Các sân khấu xã hội hóa cũng có nhiều điểm nhấn, như Sân khấu LucTeam có vở “Búp bê” mang phong cách biểu hiện ước lệ; Sân khấu Lệ Ngọc chọn vở “Vang bóng một thời” chuyển thể nhuần nhị từ tác phẩm văn học mang tính tự sự sang vở kịch nhiều đối thoại và kịch tính hơn...
Động lực phát triển nghề
Trong những ngày diễn ra liên hoan, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc lúc nào cũng sôi động. Các suất diễn đều được lấp kín khán đài hơn 1.000 chỗ ngồi. Thậm chí, khán giả phải xếp hàng dài trước giờ diễn rất lâu để có chỗ ngồi và hàng nghìn người hào hứng xem qua màn hình phía ngoài.
Nghệ sĩ ưu tú Chiều Xuân (Công ty cổ phần Điện ảnh và Sân khấu Việt Nữ) bày tỏ, những buổi diễn tại liên hoan vừa qua như một giấc mơ đối với nghệ sĩ sân khấu. Sự ủng hộ nhiệt tình của khán giả cho thấy sân khấu, đặc biệt là kịch nói vẫn hấp dẫn và được khán giả quan tâm. Điều này đã truyền lửa và tiếp sức mạnh để những người làm nghề tiếp tục sáng tạo, cống hiến hết mình với sân khấu.
Tuy nhiên, qua liên hoan cũng có thể nhìn ra nhiều vấn đề của sân khấu kịch nói hiện nay. Về chuyên môn, Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2024 đánh giá, năm nay không có kịch bản xuất xứ từ trại sáng tác và càng hiếm kịch bản của tác giả trẻ. Sân khấu dường như đang “chạy trốn” khỏi hiện thực đời sống. Những vấn đề “nóng bỏng” của xã hội chỉ được đề cập chưa đến 1/3 số lượng vở diễn. Lực lượng đạo diễn cũng không còn trẻ, hiếm người tham gia lần đầu. Nhiều đạo diễn có kinh nghiệm, tiếp tục tìm tòi sáng tạo nhưng một số vở không có hình thức mới. Các thành phần sáng tạo trong thiết kế sân khấu, âm nhạc, biểu diễn... có một số gương mặt bứt phá, còn lại vẫn theo lối mòn...
Còn theo Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu, sân khấu muốn phát triển phải tìm tòi tính thời đại trong thể hiện. Thành công từ chính yếu tố này, Nghệ sĩ nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ thêm, ê kíp sáng tạo phải xử lý nội dung vở diễn dễ hiểu, rõ tư tưởng, bắt vào các xu hướng thịnh hành và để lại cảm xúc lạc quan cho người xem.
Xét về tổng thể, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhận định, sân khấu kịch nói đang thay đổi, mới cả nội dung và hình thức. Để nâng cao chất lượng tác phẩm sân khấu kịch nói, thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn, các cơ quan, đơn vị chức năng cần tiếp tục quan tâm, đầu tư về con người và vật chất; có chính sách đãi ngộ đặc thù thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các lớp nghệ sĩ, diễn viên trẻ và tài năng để làm lực lượng kế cận…