Để nghề truyền thống hòa nhập với hiện đại

08:49 - Thứ Bảy, 06/07/2024 Lượt xem: 5223 In bài viết

ĐBP - Hòa mình vào xu thế hội nhập, các nghệ nhân các nghề, làng nghề truyền thống đã và đang phải cố gắng để tạo ra những sản phẩm phù hợp thị hiếu nhưng vẫn mang đậm hơi thở truyền thống. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các nghề truyền thống trong dòng chảy của thời gian.

Nghệ nhân Hợp tác xã Dệt thổ cẩm bản Pa Xa Lào làm sản phẩm truyền thống.

Các nghề truyền thống được hình thành từ rất lâu trong quá trình phát triển của xã hội nói chung và từng dân tộc nói riêng. Các nghệ nhân nghề truyền thống tạo ra những sản phẩm vừa mang tính hàng hóa, vừa mang tính nghệ thuật và bản sắc của từng dân tộc.

Tại bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên nghề dệt thổ cẩm của người Lào đã xuất hiện từ ngày đầu lập bản, đi cùng người dân qua bao thăng trầm của thời gian và tồn tại đến ngày nay. Trải qua hàng chục năm, nghề dệt thổ cẩm vẫn đang được đồng bào dân tộc Lào nơi đây gìn giữ và phát triển như những báu vật giá trị mang đậm bản sắc văn hóa. Năm 2023, bản Pa Xa Lào được UBND tỉnh ra quyết định công nhận làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm dân tộc Lào.

Người Thái ở bản Nà Tấu 1, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ gìn giữ nghề thủ công mây tre đan truyền thống.

Bà Lò Thị Vân, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm bản Pa Xa Lào cho biết: “Người phụ nữ dân tộc Lào luôn tự hào về nghề dệt truyền thống của dân tộc mình. Niềm tự hào ấy giúp cho nghề truyền thống này vẫn được lưu giữ và duy trì đến ngày nay dù người dân tộc Lào đã có thay đổi nhiều về trang phục thường ngày. Cũng chính vì vậy, để nghề dệt có thể tồn tại và phát triển trong xu hướng hiện đại như ngày nay cũng cần phải tạo ra các sản phẩm mới, độc đáo và hấp dẫn hơn. Ngoài váy áo truyền thống, Hợp tác xã còn sản xuất thêm các loại túi đeo, khăn… để làm quà tặng, sản phẩm lưu niệm. Các mặt hàng này bán khá chạy, nhất là trong các dịp Hợp tác xã đi tham gia các chương trình Tuần lễ Văn hóa - Du lịch tại các tỉnh bạn, như: TP. Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa”. 

Như dịp đi “Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên tại TP. Hồ Chí Minh” tháng 12/2023, chúng tôi mang đến nhiều sản phẩm dệt truyền thống đặc sắc của dân tộc mình và nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân các tỉnh phía nam. Đặc biệt là sản phẩm khăn truyền thống. Với những hoa văn, họa tiết trang trí độc đáo, màu sắc tươi sáng, các sản phẩm khăn tùy theo kích cỡ, vừa có thể làm khăn quàng cổ vừa có thể làm được khăn trải bàn. Nhiều chiếc khăn còn có thể làm thành tranh, đóng khung làm quà tặng hoặc trưng bày trong nhà cũng rất độc đáo. Chỉ cần trong lúc trò chuyện với khách, mình giải thích cho khách hình dung được những ý nghĩa, hình ảnh hoa văn họa tiết trên từng sản phẩm là được. Cũng tại Tuần Văn hóa này, chúng tôi kết nối được với một đơn vị ở bên Pháp, đặt khoảng 1.000 sản phẩm các loại, dự kiến tháng 8 này sẽ lên Điện Biên để làm việc trực tiếp - Bà Lò Thị Vân chia sẻ.

Mô hình thêu may trang phục dân tộc Mông tại xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ.

Ở xã biên giới Nà Bủng, huyện Nậm Pồ - nơi có gần 100% người Mông sinh sống, nhiều phụ nữ trong xã đã thành lập mô hình thêu may trang phục dân tộc Mông làm hàng hóa. Không chỉ tạo nguồn thu nhập cho gia đình, mô hình ý nghĩa này còn đang góp phần bảo tồn duy trì nghề truyền thống của dân tộc. Dệt, thêu thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời, gắn liền với đời sống hàng ngày và mang đậm nét văn hóa độc đáo của người Mông. Từ lợi thế này, mô hình thêu may trang phục dân tộc Mông của chị em phụ nữ xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ ra đời từ năm 2021, tập hợp các chị em biết thêu thùa, may vá trên địa bàn xã để cùng nhau tạo ra những sản phẩm thổ cẩm đưa bán ra thị trường.

 Chị Tráng Thị Cầu, Chủ nhiệm Mô hình thêu may trang phục dân tộc Mông, xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ cho biết: “Sản phẩm thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông được thực hiện qua nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của đôi bàn tay người phụ nữ như là trồng lanh, se sợi, in sáp, nhuộm chàm và thêu thùa… Ngoài bộ trang phục truyền thống, hiện nay, chị em còn cách tân thành nhiều kiểu dáng, mẫu mã để phù hợp với lứa tuổi, vóc dáng và mục đích sử dụng, nhưng vẫn giữ được nét truyền thống độc đáo của trang phục dân tộc Mông. Cùng với việc, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, các sản phẩm thổ cẩm của phụ nữ xã Nà Bủng không chỉ phục vụ nhu cầu tại địa phương mà còn được ưa chuộng và sử dụng tại nhiều nước như Thái Lan, Mỹ... Trung bình mỗi năm, nghề may trang phục truyền thống đem lại thu nhập cho các hội viên từ 30 - 50 triệu đồng”.

Nghề thêu giày của người Hoa (Xạ Phang) được công nhận là nghề truyền thống năm 2023.

Dưới bàn tay khéo léo của chị em phụ nữ dân tộc Mông, từng đường kim, mũi chỉ trau chuốt đã tạo nên những sản phẩm thổ cẩm độc đáo và đẹp mắt. Vừa giúp chị em phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo vừa là cơ hội để huyện Nậm Pồ giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống quý báu để khai thác phát triển du lịch trong thời gian tới. Bà Trần Thị Yến, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ cho biết: “Lúc đầu chỉ có 10 - 20 chị nhưng bây giờ mô hình đã lên được 30 chị và hàng năm sản phẩm bán ra càng nhiều và kết nối càng nhiều. Cùng với đó chúng tôi cũng hướng dẫn cho các chị trong mô hình, đặc biệt là chị chủ nhiệm bằng hình thức là ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối qua facebook, zalo, quảng bá qua các trang thông tin điện tử. Hoặc cho chị tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, đồng hành với các huyện, cuộc thi ở tỉnh để chị học hỏi thêm mô hình hay, cách làm hay để tiếp tục phát triển mô hình của mình”.

Người Lào ở bản Na Sang 1 dệt vải theo phương pháp truyền thống.

Ngoài ra, hiện nay còn không ít những nghề truyền thống đã có bước chuyển mình theo dòng chảy của thời gian. Ví dụ như nghề làm bánh khẩu xén truyền thống tại TX. Mường Lay đã sản xuất ra các loại bánh làm từ sắn hoặc làm từ gạo, với hương vị ngọt hoặc ít đường tùy theo nhu cầu của khách sử dụng. Điều đó cho thấy, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, các làng nghề, nghề truyền thống đã và đang từng bước hòa nhập nhưng không hề hòa tan trong xu thế phát triển của xã hội. Các sản phẩm của họ tuy có cải tiến, thay đổi mẫu mã nhưng tựu chung vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc, vẫn là những sợi dây lưu giữ, kết nối, lan tỏa văn hóa truyền thống của dân tộc tới cộng đồng.

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top