Triển lãm bộ sưu tập về các linh thú trong văn hóa Việt Nam

06:08 - Chủ Nhật, 14/07/2024 Lượt xem: 4652 In bài viết

Ngày 13-7, tại di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức khai mạc triển lãm mỹ thuật “Từ Tính Tứ Linh” của họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ.

Triển lãm “Từ Tính Tứ Linh” giới thiệu tới công chúng 34 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ. Ảnh: Hoàng Lân

Triển lãm “Từ Tính Tứ Linh” giới thiệu tới công chúng 34 tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ. Đây là bộ sưu tập tranh giới thiệu các linh thú trong văn hóa lịch sử Việt Nam, tập trung ở 4 triều đại tiêu biểu: Lý, Trần, Hậu Lê và Nguyễn.

Từ tính là đại diện cho nét khoan hòa, dung dị, kín đáo và gần gũi với con người nhờ tín ngưỡng thờ tổ tiên, dung hòa giữa Phật giáo và Nho giáo. Ngoài tứ linh gồm Long - Lân - Quy - Phượng (Phụng), trong văn hóa tín ngưỡng của người Việt còn xuất hiện nhiều linh thú khác. Đây sẽ là cơ hội để mọi người biết đến nhiều hơn về các câu chuyện, những sự tích, những quan niệm cổ xưa hình thành nên tín ngưỡng của tộc người Việt và còn lưu giữ cho đến ngày nay.

Công chúng xem triển lãm. Ảnh: Hoàng Lân

Hoạ sĩ Nguyễn Thanh Vũ, sinh năm 1995, tốt nghiệp đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh và niềm có đam mê lớn với hội họa đặc biệt là sơn dầu. Với niềm đam mê lớn với văn hóa lịch sử nước nhà, tiếp nối bộ sưu tập “Kỳ ẩn Việt Nam”, bộ sưu tập “Từ tính tứ linh” lần này sẽ giới thiệu về các hình tượng linh thú trong văn hóa người Việt xưa (thời Lý) đến nay.

Chia sẻ về quá trình thực hiện tác phẩm, họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ cho biết, anh gặp khá nhiều hạn chế về tư liệu. “Di sản triều Nguyễn còn nhiều, nhưng những công trình từ thời Lê, Lý, Trần thì lại bị tàn phá đáng kể”, họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ nói.

Họa sĩ Nguyễn Thanh Vũ. Ảnh: Hoàng Lân

Trong quá trình thực hiện, Nguyễn Thanh Vũ đã đi nhiều nơi trong nước để trải nghiệm không gian, hiện vật như Cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long… Thậm chí, anh còn ra nước ngoài như Campuchia và Thái Lan để học về nghệ thuật của người Chăm, hiểu được sự khác biệt giữa nghệ thuật Chăm ở Việt Nam với các nước láng giềng.

Tại triển lãm, Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, triển lãm là kết quả dựa trên lao động nghệ thuật nghiêm túc của tác giả. Điều này cũng thể hiện cách nhìn của họa sĩ trẻ về lịch sử, văn hóa, qua đó tạo nên các tác phẩm sáng tạo, giúp giới trẻ dễ dàng tiếp cận với di sản.

Triển lãm kéo dài đến ngày 28-7 tại Nhà Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top