Giải pháp nâng cao hiệu quả bảo vệ bản quyền sách trên không gian mạng

08:59 - Thứ Năm, 18/07/2024 Lượt xem: 3829 In bài viết

Bước vào kỷ nguyên số, cơ hội để truyền tải và tiếp cận thông tin ngày một dễ dàng hơn. Song hành cùng với sự nhanh chóng và tiện lợi đó, những vấn đề liên quan đến quyền tác giả của các nội dung trên nền tảng số được đặt ra hơn bao giờ hết.

 Ảnh minh họa. Nguồn: CM

Theo số liệu nghiên cứu (năm 2022) của Media Partners Asia, Việt Nam đứng thứ ba trong khu vực (sau Indonesia và Philippines) về tỷ lệ vi phạm bản quyền trên không gian số. Tính theo đầu người, Việt Nam đứng thứ nhất, với khoảng 15,5 triệu người xem bất hợp pháp, làm thất thoát khoảng 348 triệu USD. Vi phạm quyền tác giả trên không gian số được thể hiện với nhiều hình thức khác nhau và ảnh hưởng đến hầu hết các nội dung văn hóa, nghệ thuật: văn học, hội họa, âm nhạc, điện ảnh... Chưa bao giờ, vấn nạn xâm phạm quyền tác giả đối với các nội dung trên nền tảng số gióng lên hồi chuông báo động không chỉ cho các lực lượng chức năng mà còn là các cá nhân, tập thể liên quan như hiện nay.

Nhiều trang web công bố các “sản phẩm văn hóa lậu” ngày càng “nở rộ”, hoạt động ngang nhiên, bất chấp các quy định của pháp luật. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới nhằm làm cho người tiêu dùng và cơ quan chức năng khó phát hiện, cụ thể: Các đối tượng vi phạm có xu hướng chuyển dịch từ phương thức truyền thống, sang phương thức thương mại điện tử thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok... không có giới hạn địa lý. Ngoài ra, những hành vi xâm phạm quyền tác giả này còn được tiếp tay bởi nhiều “người dùng” khi đọc, xem các bản sao chép lậu trên mạng. Thậm chí, có nhiều người sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật để sản xuất những nội dung khác đưa lên mạng xã hội mà không cần xin phép hay trả tác quyền. Hơn nữa, các hình thức, phương pháp vi phạm bản quyền hết sức tinh vi và biến đổi liên tục, luôn che giấu thông tin chi tiết, thực hiện xuyên biên giới từ nước ngoài cung cấp dịch vụ vào Việt Nam.

Hành vi xâm phạm quyền tác giả trên không gian mạng ảnh hưởng đến rất nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Riêng ở lĩnh vực xuất bản, loại hình xâm phạm bản quyền nhiều nhất phải kể đến là các tác phẩm văn học và mỹ thuật. Các hành vi xâm phạm được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, như: sao chép, định dạng lại các nội dung, sau đó đăng tải trên website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng di động; bán sách lậu thông qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử; phát sóng trực tiếp (live stream) đọc sách trên mạng xã hội, hoặc tóm tắt, đánh giá (review) sách...

Ngoài ra, nhiều đối tượng thực hiện in và bán sách giả sách gốc ở nước ngoài (đã được mua tác quyền tại Việt Nam). Bán giá thấp hơn so với bản sách được cấp quyền xuất bản của các nhà xuất bản có uy tín. Hoặc có nhiều trường hợp tùy tiện dịch sách được bảo hộ tác quyền nhằm mục đích xuất bản sách giả, kinh doanh thương mại. Giá thành những sách vi phạm bản quyền này do không bao gồm chi phí tác quyền nên giá bìa sẽ rất thấp.

Trước vấn nạn xâm phạm bản quyền xuất bản phẩm trên không gian mạng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng như hiện nay, bà Phan Thị Thu Hà Chủ tịch HĐTV - Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ đưa ra kiến nghị một số giải pháp cơ bản, như: Cần quy định rõ về cách thức, cơ chế quản lý người dùng trên các trang mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, Nhà nước cần có quy định rõ về việc quản lý xác minh danh tính của “người dùng” trên mạng xã hội. Cụ thể, cần có một quy định pháp luật yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp quản lý các trang mạng xã hội thiết lập cơ chế lưu thông tin người dùng bằng căn cước công dân, số điện thoại, địa chỉ liên hệ và bắt buộc phải cung cấp những thông tin này cho cơ quan nhà nước khi có yêu cầu.

Cùng với đó, xây dựng một cơ chế phối hợp chung giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ lưu trữ, các nhà mạng với các đơn vị xử lý các vấn đề vi phạm bản quyền; tăng cường công tác giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về quyền sở hữu trí tuệ trong cộng đồng.

“Để tăng cường ý thức đó, cần có sự nỗ lực lớn của các đơn vị làm xuất bản trong việc truyền thông đến độc giả về chất lượng sách, dấu hiệu nhận dạng sách thật, kể cả những địa chỉ, cửa hàng, gian hàng uy tín trên các sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, cơ quan báo đài, truyền thông trong việc tuyên truyền ý thức mua và đọc sách thật, sách có bản quyền đến với độc giả.”- bà Phan Thị Thu Hà phân tích.

Bà Phan Thị Thu Hà nhấn mạnh: Cần duy trì hành lang pháp lý vững chắc để bảo vệ các đơn vị làm xuất bản trước các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng, đồng thời cần có chế tài, xử lý thật nặng đối với những hành vi xâm phạm bản quyền đã bị phát hiện. Các cơ quan thực thi pháp luật cần đẩy mạnh việc theo dõi, xử lý nghiêm các hành vi xâm phạm bản quyền trên không gian mạng hoặc có biện pháp hỗ trợ kịp thời các đơn vị xuất bản khi các đơn vị đó phát hiện xuất bản phẩm của mình bị xâm phạm.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top