Mỹ thuật đương đại Việt Nam: Trang bị kiến thức, kỹ năng để ra khơi

07:42 - Chủ Nhật, 21/07/2024 Lượt xem: 4107 In bài viết

Những năm gần đây, nhiều sự kiện mỹ thuật quốc tế và khu vực được tổ chức tại Việt Nam, thu hút hàng nghìn nghệ sĩ đương đại đến nước ta thực hành, giao lưu nghệ thuật.

Đây là cơ hội cho các nghệ sĩ tạo hình trong nước tương tác, học hỏi và nhìn nhận về vị thế của mình, từ đó bước ra thế giới. Bên cạnh những cầu nối như vậy, bản thân nghệ sĩ cũng cần trang bị đầy đủ, toàn diện về kiến thức, kỹ năng và sự sáng tạo để ra khơi, khẳng định mình và ghi dấu ấn cho mỹ thuật Việt Nam đương đại.

Họa sĩ Trịnh Minh Tiến (trái) giới thiệu tác phẩm nghệ thuật được thực hiện trên nắp ca pô ô tô.

Những cầu nối sáng tạo

Cuộc thi và Triển lãm tranh đồ họa các nước ASEAN là hoạt động nghệ thuật khu vực do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, giao Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế tổ chức, đã trải qua 3 mùa thành công và bước sang mùa thứ tư, dự kiến tổ chức vào tháng 12 tới tại Hải Phòng. Ở 3 kỳ tổ chức trước, đều diễn ra tại Hà Nội, đã có hàng trăm tác giả ở các nước ASEAN tham gia và chất lượng tăng theo từng kỳ. Gần đây nhất - năm 2020, sự kiện đã thu hút 345 tác phẩm của 182 tác giả từ 10 quốc gia thành viên ASEAN.

PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam nhận xét, hoạt động này là cú hích giúp cho lĩnh vực đồ họa nước ta dần đổi mới, hình thức thể hiện rộng mở, đa diện. Điển hình là tác phẩm “Cách ly” của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh, hay tác phẩm “Ông nội” của họa sĩ Phạm Khắc Quang…

Bên cạnh đó, UOB Painting of the Year - cuộc thi nghệ thuật quốc tế lâu năm tại Singapore (từ năm 1982) là một trong những sự kiện về mỹ thuật danh tiếng nhất khu vực Đông Nam Á, đã mở rộng tổ chức tại Việt Nam từ năm 2023. Họa sĩ Trịnh Minh Tiến với tác phẩm hội họa đặc sắc “Thủy phủ” lấy cảm hứng từ hình ảnh Nhà thờ Lớn Hà Nội trong mưa in bóng trên nắp ca pô xe ô tô đã chiến thắng giải cao nhất ở hạng mục Nghệ sĩ thành danh. Họa sĩ còn được tham gia UOB Painting of the Year 2023 khu vực Đông Nam Á và được kết nối đến với sự kiện Art Central Hong Kong - nơi quy tụ nhiều tài năng nghệ thuật khắp châu Á.

Ra đời từ năm 2005, triển lãm giao lưu quốc tế của Liên minh nghệ thuật châu Á đã đi qua nhiều quốc gia trên thế giới và lần đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 4-2024 với tên gọi “Những làn sóng nghệ thuật - Art Vogue D’ Nation”. Triển lãm quy tụ nghệ sĩ của Singapore, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và các đại diện Việt Nam như: Đặng Tuấn, Nguyễn Thế Hùng, Ly Trần…

Trong khi đó, khởi đầu từ năm 2016, Hanoi Art Connecting, do Asia Art Link phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức, đã trở thành cuộc tụ hội nghệ thuật uy tín, kết nối nghệ sĩ mỹ thuật thế giới. Ở mùa thứ sáu (năm 2023), sự kiện thu hút 156 nghệ sĩ đến từ Việt Nam và 27 quốc gia trên thế giới, thuộc các mảng nghệ thuật hội họa, đồ họa, điêu khắc, sắp đặt…

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, các cuộc thi, sự kiện nghệ thuật quốc tế là cầu nối nghệ thuật Việt Nam với quốc tế và là cơ hội tuyệt vời để các nghệ sĩ nước nhà thể hiện tài năng, được công nhận trên thị trường nghệ thuật quốc tế.

Sẵn sàng bước ra biển lớn

Thông qua những sự kiện mỹ thuật mang tính quốc tế, các nghệ sĩ tạo hình trong nước được học hỏi, cập nhật xu hướng nghệ thuật mới nhất, nâng cao trình độ sáng tác và tự tin mang nghệ thuật của mình đến với công chúng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Họa sĩ Trịnh Minh Tiến cho biết, việc được chiêm ngưỡng số lượng lớn các tác phẩm đồ sộ và đa dạng tại các sự kiện mỹ thuật quốc tế giúp anh cảm nhận mỹ thuật đương đại không chỉ giới hạn trong những hình thái truyền thống mà cần sự phát triển, pha trộn và sáng tạo nhiều hình thái nghệ thuật mới. Điều này rất hữu ích cho hành trình phát triển của người họa sĩ.

Là người đồng sáng lập Asia Art Link và tham gia hội đồng nghệ thuật của nhiều hoạt động mỹ thuật quốc tế uy tín tại Việt Nam, họa sĩ Trịnh Tuân nhìn nhận, để ra khơi, nghệ sĩ Việt cần trang bị đủ cho mình kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ tốt; đồng thời tận dụng những cơ hội, cuộc giao lưu mỹ thuật quốc tế và khu vực để tiếp cận xu hướng, bước chân ra khỏi vùng an toàn.

Đồng quan điểm, họa sĩ Nguyễn Thị Châu Giang, thành viên Hội đồng Nghệ thuật cuộc thi UOB Painting of the Year cho hay, internet và sự giao lưu giữa các nước trên thế giới đang diễn ra mạnh mẽ là cơ hội cho nghệ sĩ Việt Nam cất tiếng nói và có vị thế hơn. Song, để ghi dấu ấn, nghệ sĩ Việt Nam phải có đủ hành trang hòa nhập với thế giới, trong đó có tiếng nói riêng, bản sắc dân tộc của mỗi người là rất quan trọng. Ngoài yếu tố kỹ thuật thì thông điệp truyền tải và cá tính sáng tạo sẽ làm nên những bứt phá.

Là giám tuyển nghệ thuật giàu kinh nghiệm, ông Ace Lê chia sẻ, các họa sĩ Việt thường định giá tác phẩm của mình bằng cách nhìn đồng nghiệp vẽ chủ đề, chất liệu tương tự nên dễ thất bại. Bởi, ra quốc tế, đa số đánh giá dựa trên kinh nghiệm triển lãm của nghệ sĩ, cùng với ý kiến chuyên gia, nhà sưu tập, giám tuyển, truyền thông… Do đó, theo giám tuyển Ace Lê, họa sĩ Việt Nam cần tạo dựng nền tảng, hiểu rõ thị trường vận hành và hệ sinh thái mình tham gia để có những bước tiến hợp lý.

Có hành trang kiến thức khá đầy đủ, cộng với những cầu nối nghệ thuật, họa sĩ Việt có thể sẵn sàng bước ra thế giới và ghi dấu ấn mới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top