Hội thảo quốc tế về danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn sẽ diễn ra từ ngày 29/9 đến ngày 1/10 tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định 1974/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Hội thảo quốc tế “Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp”.
Theo Quyết định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp với Sở VHTT&DL tỉnh Thái Bình tổ chức hội thảo quốc tế "Lê Quý Đôn, cuộc đời và sự nghiệp". Thời gian tổ chức hội thảo từ ngày 29/9 đến ngày 1/10 tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình, theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Khu lưu niệm danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn ở xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. (Ảnh: Sở VHTTDL Thái Bình) |
Hội thảo nằm trong Kế hoạch 120/KH-UBND của UBND tỉnh Thái Bình về việc xây dựng hồ sơ khoa học trình UNESCO vinh danh sanh nhân văn hóa Lê Quý Đôn nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân (1726 - 2026), nhằm góp phần làm rõ hơn về thân thế và sự nghiệp Lê Quý Đôn, đồng thời làm sáng tỏ hơn những giá trị về tư tưởng, văn hóa, khoa học trong tác phẩm của ông. Mục đích hội thảo nhằm khẳng định công lao, tài năng và tôn vinh những đóng góp đặc biệt xuất sắc của danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn đối với nền văn hóa Việt Nam, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa khu vực và quốc tế.
Lê Quý Đôn (sinh ngày 2/8/1726 - 11/6/1784) trong một gia đình nông dân tại làng Diên Hà, huyện Diên Hà, trấn Sơn Nam, nay là thôn Đồng Phú thuộc xã Độc Lập, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Tên lúc nhỏ của ông là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường, là vị quan thời Lê Trung Hưng, cũng là nhà thơ và được mệnh danh là nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến.
Thuở nhỏ, Lê Quý Đôn nổi tiếng là người ham học, thông minh, có trí nhớ tốt. Năm 18 tuổi, Lê Quý Đôn thi Hương đỗ Giải nguyên. 27 tuổi đỗ Hội nguyên, rồi đỗ Đình nguyên Bảng nhãn.
Sau khi đã đỗ đạt, Lê Quý Đôn được bổ làm quan và từng giữ nhiều chức vụ quan trọng của triều Lê - Trịnh, như: Hàn lâm thừa chỉ sung Toản tu quốc sử quán (năm 1754), Hàn lâm viện thị giảng (năm 1757), Đốc đồng xứ Kinh Bắc (năm 1764), Thị thư kiêm Tư nghiệp Quốc tử Giám (năm 1767), Tán lý quân vụ, Thị phó đô ngự sử (năm 1768), Công bộ hữu thị lang (năm 1769), Bồi tụng (Phó thủ tướng) (năm 1773), Lại bộ tả thị lang kiêm Tổng tài quốc sử quán (năm 1775), Hiệp trấn tham tán quân cơ Trấn phủ Thuận Hóa (năm 1776), Hiệp trấn Nghệ An (năm 1783), Công bộ thượng thư (năm 1784)...
Tên tuổi và sự nghiệp Lê Quý Đôn gắn với khối lượng đồ sộ những tác phẩm có giá trị, bao hàm cả khoa học xã hội nhân văn và khoa học tự nhiên. Ông cũng để lại tấm gương sáng về tinh thần trách nhiệm, về phương pháp làm việc, tư duy khoa học và phong cách sống của người cầm bút chân chính cùng những kinh nghiệm thực tế hết sức phong phú trong học tập, nghiên cứu, sưu tập...
Lê Quý Đôn mất ngày 1/5/1784 tại quê mẹ, làng Nguyên Xá, huyện Duy Tiên (nay thuộc Hà Nam). Thi hài ông được đưa về mai táng ở quê nhà.