Tái bản sách “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay”

08:58 - Thứ Tư, 31/07/2024 Lượt xem: 4018 In bài viết

Đưa độc giả vào hành trình khám phá văn hóa lịch sử, cảnh quan và kiến trúc đô thị của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn thế kỷ XIX cho đến thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh vừa tái bản cuốn sách “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay”.

Xưa nay, cảnh quan đô thị luôn là một trong những yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của một thành phố. Với thành phố Hồ Chí Minh, mỗi con đường, mỗi góc phố dường như đều có một câu chuyện quá khứ. Những câu chuyện ấy đã được kể lại phần nào trong cuốn sách “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay” của 3 tác giả là nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp, nhà nghiên cứu Tim Doling và bác sĩ Võ Chi Mai.

Ảnh: Quỳnh My

Với mong muốn giới thiệu hình ảnh, thông tin về cảnh quan, đường phố đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn từ thế kỷ XIX cho đến ngày nay, năm 2020, cuốn sách “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay” đã được ra mắt. Mới đây, cuốn sách đã được tái bản để phục vụ nhu cầu của độc giả, trong đó có bổ sung thêm tư liệu mới là cảnh quan kiến trúc nhà, cửa hàng mặt phố thời Pháp ở quận 5 và quận 6.

Cuốn sách dày 392 trang, gồm 4 chương: "Giới thiệu về thành phố Hồ Chí Minh"; "Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay"; "Các kiến trúc đô thị tiêu biểu của thành phố Sài Gòn và Chợ Lớn"; "Di sản kiến trúc, văn hóa và lịch sử - Tổng quan và lời kết".

Qua các hình ảnh xưa và nay ở cùng địa điểm, cuốn sách cho độc giả thấy sự thay đổi theo thời gian của các cảnh quan, kiến trúc cùng với các sự kiện, thông tin về lịch sử và các câu chuyện liên quan đã tạo nên dấu ấn ký ức đô thị và đặc thù của thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn.

Đó là các công trình như: Khách sạn Continental, nhà hát Thành phố, Dinh Độc Lập/Dinh Thống Nhất, nhà thờ Đức Bà, Tòa án nhân dân, khách sạn Majestic, bảo tàng, trường học, đình, hội quán và chùa người Hoa, trụ sở công ty, chợ Tân Định, chợ Bình Tây, cửa tiệm mặt phố, trường học, tu viện, nhà thờ, ga xe lửa Sài Gòn... - những con đường, tòa nhà, cảnh quan phố xá độc giả vẫn thấy thường ngày mà nếu không để ý có thể đã không thấy hết được giá trị lịch sử văn hóa của những công trình ấy.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ: “Một thành phố có sức thu hút quyến rũ du khách và người dân không chỉ ở sức mạnh kinh tế, bề dày lịch sử của nó mà còn do cá tính nhân văn của cư dân và cảnh quan gây những ấn tượng, cảm hứng nghệ thuật cho cộng đồng và các sáng tác văn hóa nghệ thuật đa dạng của những nghệ sĩ. Mà cảnh quan đặc thù đó phát sinh và duy trì chính từ tư duy của con người và phản ảnh phong cách và triết lý sống của cư dân nơi đó. Một thành phố lớn có tầm vóc thu hút đều có các đặc tính trên và những người nhập cư cũng làm phong phú thêm đời sống kinh tế, xã hội và văn hóa của thành phố mà họ được nuôi dưỡng đã bộc lộ được tài năng của họ”.

Tốc độ phát triển đô thị ở thành phố Hồ Chí Minh rất cao và bộ mặt thành phố đổi thay rất nhiều. Nơi đây đã và sẽ tiếp tục thu hút nhiều du khách đến thăm nếu chúng ta vẫn bảo tồn được các di sản kiến trúc văn hóa, cảnh quan đặc thù của thành phố. Bài học từ các nước trong công tác bảo tồn di sản cho thấy ý thức về di sản văn hóa lịch sử có thể phát triển và bảo tồn tốt đẹp nếu có sự tham gia của người dân và cộng đồng. Cuốn sách “Kiến trúc đô thị và cảnh quan Sài Gòn - Chợ Lớn xưa và nay” góp phần nâng cao hiểu biết về các di sản, kiến trúc văn hóa lịch sử… của thành phố Hồ Chí Minh.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top